Gom 8 vấn đề cần hướng dẫn vào 1 Nghị định
Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, Luật Công chứng sửa đổi giao Chính phủ quy định chi tiết các điều khoản trong Luật. Qua rà soát, Chính phủ được giao quy định, hướng dẫn 8 vấn đề.
Một là, chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (Khoản 3 Điều 18).
Hai là, thủ tục chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng (Khoản 1 Điều 21).
Ba là, điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng (Khoản 4 Điều 22).
Bốn là, thủ tục hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng (Khoản 4 Điều 28).
Năm là, thủ tục chuyển nhượng Văn phòng công chứng (Khoản 4 Điều 29).
Sáu là, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (Khoản 3 Điều 37).
Bảy là, việc thành lập, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên (Khoản 2 Điều 39).
Tám là, thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản (Khoản 3 Điều 58).
Để quy định chi tiết các điều luật nêu trên, Bộ Tư pháp được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo xây dựng một nghị định để hướng dẫn thi hành.
Nghiêm cấm hợp nhất, sáp nhập vì mục đích độc quyền
Một trong những nội dung được quan tâm tại Dự thảo Nghị định này là thủ tục chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng. Theo Cục Bổ trợ tư pháp, đây là quy định mới, do vậy các quy định chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng của Dự thảo Nghị định được nghiên cứu và tham khảo Quy chế thí điểm chuyển đổi Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp hoạt động theo đơn vị sự nghiệp có thu thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu ban hành kèm theo Quyết định số 74/2013/QĐ-TTg ngày 05/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo Nghị định quy định mục tiêu của việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng là để tạo mặt bằng chung, bình đẳng trong hoạt động công chứng với tính chất là dịch vụ công, thực hiện lộ trình xã hội hóa hoạt động công chứng. Việc chuyển đổi phải được thực hiện theo lộ trình, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Dự thảo cũng quy định các bước khi thực hiện chuyển đổi, bao gồm: xây dựng kế hoạch chuyển đổi, thành lập Ban chuyển đổi do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, việc chuyển đổi phải có đề án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt giá trị tài sản, giá trị thương hiệu của Phòng công chứng dự kiến chuyển đổi.
Về điều kiện chuyển đổi, Dự thảo Nghị định quy định người nhận chuyển đổi phải là công chứng viên có thời gian hành nghề từ hai năm trở lên và một số điều kiện khác. Dự thảo Nghị định cũng quy định thứ tự ưu tiên được nhận chuyển đổi đối với công chứng viên làm việc tại Phòng công chứng (Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, công chứng viên...).
Đối với quy định về hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng, Điều 11 Dự thảo quy định rõ, việc hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng nhằm mục đích tăng quy mô hoạt động của Văn phòng công chứng, phù hợp với điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng. Nghị định nghiêm cấm việc hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng vì mục đích độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động công chứng. Trong trường hợp địa bàn hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng không đủ tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch thì Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan chuẩn bị các thủ tục cần thiết, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập mới tổ chức hành nghề công chứng theo quy định.
Dự thảo cũng quy định, việc hợp nhất Văn phòng công chứng theo quy định tại đoạn 1 Khoản 1 Điều 28 Luật Công chứng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc sáp nhập Văn phòng công chứng theo quy định tại đoạn 2 Khoản 1 Điều 28 Luật Công chứng cũng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh các quy định trên, Dự thảo Nghị định dành nhiều điều hướng dẫn chi tiết chính sách ưu đãi đối với Văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; điều kiện về trụ sở của Văn phòng công chứng; niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản; nguyên tắc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; Hội công chứng; nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ chức công chứng toàn quốc…