Con người dù sống ở đâu thì nơi cư ngụ vẫn là nơi họ thương yêu, gửi gắm. Nó liên quan tới gia đình, thói quen, liên quan tới tương lai của con cái. Những ngày tôi có mặt ở đây, người Sài gòn lại bàn chuyện ông Tất Thành Cang bị mất hết chức vụ sau Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Người dân thì bao giờ cũng vui mừng khi một vị quan tham bị xử lý kỷ luật, mất hết chức vụ, mà dân gian hay quan niệm “tham thì thâm”. “Ông làm lãnh đạo mà để dân Thủ Thiêm kêu oan hàng chục năm trời, sai sót nghiêm trọng, giờ ông bị cách chức cũng đáng đời. Sai phạm như vậy cần phải xử lý hình sự”. Một người già chạy xe ba gác bày tỏ.
Ở Sài Gòn ai cũng có thể ngồi cà phê chứ không phân biệt nhiều như Hà Nội. Nên câu chuyện xã hội, chính trị nó luôn đa thành phần, hòa đồng, và vui nhộn.
“Cả một dàn lãnh đạo thời đó đi luôn, không hiểu hồi đó họ làm được gì cho thành phố này?”. Nỗi tâm tư này bộc phát từ một thầy giáo đã về hưu.
Cũng có người nói chuyện tếu táo cho rằng thành phố bây giờ đào bới, xây cất lung tung trước UBND TP nên “phong thủy bị động”.
Chuyện dân gian thì muôn thủa vẫn vậy, đủ thứ trên đời. Chuyện ông Cang, ông Tài dính lao lý vẫn là đề tài muôn thủa.
Chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng.
“Thật đau lòng! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ.
Tâm tư đau lòng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng là nỗi đau của mỗi người dân Việt. Họ bầu cử, đóng thuế, để mong có cán bộ, lãnh đạo tận tâm lo cho dân, cho nước, những cán bộ bây giờ suy thoái, tham nhũng, lộng quyền, coi thường nhân dân, coi mình là “tầng lớp lãnh đạo” muốn làm gì làm, thì con đường họ đi vào sai phạm, lỗi lầm là đương nhiên.
Sự việc hàng loạt quan chức thành phố này dính vào lao lý là cái kết giống như dân gian vẫn thường nói: “luật nhân quả”. Đó là bài học về công tác đào tạo, nuôi dưỡng, xây dựng cán bộ nguồn, tầng lớp kế cận. Họ phải là những người như Cụ Hồ nói “chí công vô tư”.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đây là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với ông Tất Thành Cang, mà là bài học chung đối với tất cả.
Ông đề nghị từng ủy viên trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, Đất nước và Nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn.
Từ câu chuyện hàng loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp của TP sôi động dính vào lao lý, kỷ luật, việc tìm nguồn cán bộ kế cận sẽ phải thật cẩn trọng. Đó là thông điệp từ Hội nghị Trung ương 9 lần này.
Tại Hội Nghị Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị sau hội nghị này, trên cơ sở kết quả giới thiệu của trung ương cần khẩn trương chỉ đạo rà soát, thẩm định kỹ trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch theo thẩm quyền và theo đúng các quy định của Đảng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch; đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình trung ương xem xét ở các hội nghị sau".
Một thể chế vững mạnh phải bắt đầu xây dựng nền móng con người. Những người sẽ là tầng lớp kế cận, không phải kiểu phe nhóm, “ông lên trước kéo cả đám theo”, mà phải thực là người lo cho dân cho nước, phải là những người có tầm nhìn, tư tưởng rộng mở, khai phá, cải cách, dám xóa bỏ cái lạc hậu.
Những “tổn thương” hôm nay sẽ là bài học sâu sắc đào tạo nguồn lực kế cận./.