Tài sản thừa kế bị giải tỏa
Anh Hoàng Long (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) gửi thư đến Toà soạn Báo PLVN đề nghị giải đáp thắc mắc liên quan đến Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của gia đình anh. Trong thư, anh Long cho biết: “Năm 1997, bà nội tôi tổ chức họp gia đình và tuyên bố trước tất cả mọi người rằng mảnh đất có tổng diện tích 860m2 sẽ cho 2 con trai, trong đó bố tôi là con cả được hưởng 500m2. Năm 2004 bố tôi đưa bà nội đi làm Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại Văn phòng Công chứng. Năm 2005 bố tôi đã làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2006 chúng tôi đã xây dựng căn nhà 2 tầng, 1 tum trên mảnh đất này. Năm 2007 bố tôi mất, có di chúc để lại mảnh đất và nhà cho mẹ và 2 anh em tôi, mỗi người hưởng 1/3 tài sản.”. Cũng theo anh Long, do sau đó hai mẹ con anh có mâu thuẫn với nhau nên bà nội anh phật ý và có ý định đòi lại toàn bộ phần đất trước đó đã làm thủ tục cho bố anh. “Hiện tại, mảnh đất và căn nhà này đã thuộc diện giải toả do nằm trong phần đất giải phóng mặt bằng phục vụ dự án làm đường giao thông liên tỉnh. Mẹ tôi đã nhận đầy đủ tiền bồi thường, đền bù do Ban giải phóng mặt bằng chuyển. Tôi muốn hỏi, bà nội tôi có quyền đòi lại mảnh đất đã cho gia đình tôi không?” - anh Long viết trong thư.
Không thể rút lời khi hợp đồng đã ký
Điều 722 Bộ luật Dân sự quy định: “Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”. Giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất hoàn thành khi bên nhận tặng cho đã làm thủ tục sang tên tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Kể từ thời điểm đó thì người được tặng cho quyền sử dụng đất được sử dụng hợp pháp. Như vậy, trong trường hợp của anh, bà nội anh đã đồng ý tặng cho bố anh quyền sử dụng đất thông qua Hợp đồng tặng cho tại Văn phòng Công chứng. Nếu trong Hợp đồng không có điều kiện gì khác thì việc tặng cho đó đã hoàn thành khi bố anh được làm sang tên chính chủ.
Vì vậy, khi giao dịch tặng cho đã hoàn thành thì bà nội anh không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất đó nữa. Còn hiện nay mảnh đất và ngôi nhà của gia đình anh đã bị giải toả để làm dự án, không còn tồn tại nữa thì di sản để chia thừa kế là tiền bồi thường, đền bù, hỗ trợ đất và nhà do chủ đầu tư chi trả.
Đó là giải thích về mặt pháp luật, còn nếu xét theo tình cảm, luân thường đạo lý ở đời thì việc gia đình anh nhận được một khoản tiền đền bù, hỗ trợ thì cũng nên tặng bà nội anh một số tiền để bà dưỡng già và thể hiện sự quan tâm, chăm sóc bà, không nên để sự việc theo chiều hướng xấu, phát sinh căng thẳng, tranh chấp trong gia đình.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com