Lần giở những trang sử của nhà trường có thể thấy ngôi trường này đã từng có những kỷ niệm thật đặc biệt. Đó là những kỷ niệm liên quan đến nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.
11h00 ngày 30/4/1975, Tổng thống Việt Nam cộng hoà Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại dinh Độc Lập - Thủ phủ của chính quyền ngụy quân Sài Gòn. Kể từ đây, non sông thu về một mối, sau 20 năm chia cắt, nước Việt Nam đã được thống nhất. Tuy nhiên, mọi mặt về kinh tế, xã hội, ý thức hệ, trong đó có giáo dục vẫn còn nhiều cách biệt giữa hai miền.
Lúc bấy giờ, hệ thống giáo dục của hai miền Nam Bắc rất khác nhau. Quy mô giáo dục ở miền Bắc đã phát triển mạnh mẽ, xã phường nào cũng có trường cấp 1, cấp 2, huyện quận nào cũng có trường cấp 3, thậm chí có huyện có đến 3-4 trường. Ở miền Bắc cũng đã có hệ thống trường ĐHSP đào tạo giáo viên cấp 3. Trong lúc đó, quy mô giáo dục ở miền Nam còn hạn hẹp, đặc biệt hệ thống trường cấp 2 rất ít ỏi, trường sư phạm đào tạo giáo viên cấp 2 chỉ có ở một số ít thành phố lớn.
Trước tình hình đó, để đáp ứng nhu cầu giáo viên cấp 2 cho miền Nam, năm 1976, bà Nguyễn Thị Bình lúc đó đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã quyết định mở 15 cơ sở CĐSP ở hầu hết các tỉnh miền Nam sau ngày giải phóng, trong đó có cơ sở Cao đẳng sư phạm Đà Nẵng (trực thuộc trường CĐSP Qui Nhơn ngay từ năm 1976). Đây là một chủ trương có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển mạnh sự nghiệp giáo dục ở miền Nam sau ngày giải phóng để đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ cho hệ thống giáo dục trong cả nước một cách nhanh chóng nhất.
Cổng trường năm 1978 |
Không ngoa khi nói rằng đây là sáng kiến rất kịp thời của Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình lúc đó. Bởi theo quy định của Chính phủ thời bấy giờ, thẩm quyền mở trường Cao đẳng phải do Chính phủ quyết định. Muốn mở một trường thuộc hệ cao đẳng phải có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.
Sau giải phóng, mọi việc còn đang ngổn ngang, làm sao có đủ nhân sự và ngân sách để đảm bảo các điều kiện trên. Tuy nhiên, nhu cầu trường đào tạo giáo viên cấp 2 lại hết sức cấp thiết, điều kiện lại thiếu thốn chưa thể đáp ứng yêu cầu. Trong thẩm quyền của Bộ có thể mở các cơ sở đào tạo trực thuộc vào một trường đã có. Bộ Giáo dục cho phép các cơ sở mới mở nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ và sự giúp đỡ của chính quyền các tỉnh mà cơ sở đặt tại đó.
Cơ sở CĐSP Đà Nẵng về mặt pháp lý là trực thuộc trường CĐSP Qui Nhơn nhưng trên thực tế là do Bộ Giáo dục trực tiếp chỉ đạo về mọi mặt, được Bộ giao chỉ tiêu, cấp kinh phí, bổ nhiệm lãnh đạo, điều động giáo viên… Cách làm của Bộ Giáo dục thời bây giờ đã tạo điều kiện cho các cơ sở CĐSP phát triển một cách nhanh chóng. Cơ sở CĐSP Đà Nẵng chỉ hơn một năm sau đã được Chính phủ công nhận là trường CĐSP QN-ĐN, sự việc này đã thoả mãn lòng mong muốn của Đảng, chính quyền và nhân đân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Dông dài để thấy ngôi trường đã ra đời từ sáng kiến của Bộ Giáo dục và tấm lòng tâm huyết của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, thế nên cảm nhận được sự đặc biệt này, qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ giáo viên của Trường Cao đẳng sư phạm tại Đà Nẵng nay là trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã luôn nỗ lực để đạt được những thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp trồng người mà trong khuôn khổ một bài báo không thể nào kể hết được.
Cổng trường năm 2016 |
Trong ngày tề tựu kỷ niệm 40 năm, các cựu cán bộ, giáo viên vẫn còn nhắc nhớ về những thế hệ cán bộ giáo viên đầu tiên đã đặt nền móng cho nhà trường, nhắc nhớ về kỷ niệm những tháng năm gắn bó tâm huyết với bảng đen phấn trắng, với bao thế hệ học trò.
Lắng nghe những lời kỷ niệm, chợt nhớ khi trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên là người Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường) Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã nói: “PGS-TS Trần Xuân Nhĩ là một con người chí công vô tư, luôn đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết, một con người luôn chứa đầy nhiệt huyết với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chiụ trách nhiệm, với tính năng động, sáng tạo như đức tính bẩm sinh, luôn cháy hết mình trong công việc; đối với đồng nghiệp luôn bao dung, rộng lượng và đặc biệt là tất cả vì học sinh thân yêu”.
Cũng có thể hiểu lời khen tặng này cũng dành cho tất cả các cán bộ giáo viên đã từng sát cánh bên “thầy Nhĩ” để xây dựng và phát triển mái trường thân yêu được như ngày hôm nay.