Đặc sản vùng miền không còn chỉ là câu chuyện vùng miền, mà đã trở thành mối quan tâm rộng rãi của người tiêu dùng khắp cả nước, thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài, nhờ phương thức mua sắm mới thời 4.0 – mua sắm trực tuyến.
Cuộc sống mới của đặc sản vùng miền
Trong danh mục đồ Tết mà chị Nguyễn Bình (Đống Đa, Hà Nội) chuẩn bị cho gia đình và biếu ông bà hai bên nội ngoại, đặc sản địa phương chiếm đa số: miến Bản Xèo (Lào Cai), măng Cao Bằng, bánh tráng Trảng Bàng, bánh lọc Quảng Bình, tôm một nắng Phá Tam Giang, bưởi Diễn, gà Tiên Yên, giò me Nghệ An… và không thể hiếu hương trầm Quảng Nam.
Điều thú vị là chị không cần phải đi đến nơi hay nhờ người mua về, cũng không phải mua đồ bán ở siêu thị được sản xuất đại trà, mà có thể mua các đặc sản đó từ chính những người địa phương làm thủ công “cho nhà ăn”, “cho nhà dùng”, đúng hương vị truyền thống và có độ tin cậy.
Xa quê ra Hà Nội học rồi làm việc, bao năm chị Trang Nguyễn luôn đau đáu nhớ hương vị tuổi thơ của cá bống sông Trà, hành tỏi Lý Sơn, đường phèn Quảng Ngãi. Nhận thấy nhiều bạn bè mình cũng thích thú những món quà quê đó, nhà lại có tay nghề chế biến nhiều món ăn quê hương, chị Trang nảy ra ý tưởng đưa đặc sản Quảng Ngãi nói riêng, đặc sản miền Trung ra Hà Nội.
Mua sắm trực tiếp đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi mua sắm online |
Đầu tiên chỉ là những món nhỏ được chị hay người quen xách ra mỗi lần về quê, sau dần, chị nghĩ đến việc đem đặc sản các vùng miền về Hà Nội cho chính mình và bạn bè dùng, đồng thời giới thiệu với khách hàng các món ngon quê nhà.
Chị Trang được sự hưởng ứng của nhiều bạn bè ở các vùng miền – mà hầu như vùng quê nào cũng có đặc sản riêng. Người bán miến dong Cao Bằng sẽ mua bánh tráng Trảng Bàng, người mua tỏi Lý Sơn sẽ mua hạt dẻ Trùng Khánh, người bán bánh chưng Bờ Đậu sẽ mua bánh ít Bình Định, người bán yến sẽ mua hương trầm… Dần dà, căn phòng trọ nhỏ của chị Trang đã phát triển thành một cửa hàng trưng bày sản phẩm, là điểm đến tin cậy của nhiều người sống ở Hà Nội khi muốn tìm đặc sản vùng miền.
Nếu như chục năm trước, những người bán hàng tay ngang nhưng đáng tin cậy như chị Trang không nhiều, thì nay, với sự phát triển của các phương tiện liên lạc, thị trường giao dịch đặc sản vùng miền theo kiểu kinh tế chia sẻ đã phát triển hơn rất nhiều.
Thế mới có chuyện lãnh đạo một cơ quan báo chí nói đùa rằng, cơ quan ông là “BigC thu nhỏ”, nơi mỗi phóng viên đều là một người bán hàng tin cậy và người tiêu dùng thông thái, bởi sản vật họ bán là món ngon quê họ, mang theo tình yêu và niềm tự hào của người đó đối với quê hương mình và nỗ lực giới thiệu hương vị quê hương tới nhiều người hơn.
Như thế, với sự phát triển của viễn thông, cùng với xu hướng mua bán online tiện lợi ngày càng thu hút sự quan tâm của giới văn phòng, đặc sản vùng miền dễ dàng vượt qua giới hạn địa lý để đến với mọi miền đất nước. Đặc biệt, trong những ngày này, khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Cùng công nghệ, làng nghề ra khỏi “lũy tre làng”
Nếu như trước đây, giò bê Nghệ An, cá kho Vũ Đại, bánh ít Bình Định, bánh tráng Trảng Bàng… và rất nhiều đặc sản khác thực sự là đặc sản địa phương do… người nơi khác ít khi được nếm, thì nay, với sự len lỏi của công nghệ vào tận ngõ ngách cuộc sống, không ít làng nghề hồi phục nhờ vào chiếc smartphone trên tay mỗi người.
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, có 32% người khu vực nông thôn được hỏi cho hay đã từng bán/có mong muốn bán đặc sản vùng miền, 22% - đồ thủ công mỹ nghệ tại địa phương, 15% - các sản phảm tự chăn nuôi/chế biến (gạo, gia cầm, gia súc, rau, gia vị, nước mắm…). 84% muốn bán hàng qua diễn đàn/mạng xã hội, 34% muốn bán qua website thương mại điện tử.
Giờ đây, chỉ cần ngồi nhà "kích chuột" cũng có thể sắm Tết đầy đủ |
Tuy nhiên, một trong những lực cản lớn nhất để hàng hóa vùng miền “vươn xa” khỏi lũy tre làng, đó là phải đảm bảo được chất lượng, hương sắc địa phương, tức là phải chống được hàng giả, hàng nhái. Và, công nghệ đã xuất hiện để đồng hành cùng các làng nghề đưa sản phẩm đi xa. Câu chuyện ở làng Chè lam Thạch Xá nổi tiếng ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một ví dụ.
Tháng 8/2015, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng bảo hộ cho thương hiệu chè lam Thạch Xá. Khoảng 70 hộ gia đình trong làng cũng chính là những hội viên của Hiệp hội làng nghề chè lam Thạch Xá mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 200 tấn chè lam.
Chè lam được làm quanh năm, song thời điểm này đang là mùa bận rộn nhất của làng, khi Tết và mùa lễ hội sắp đến. Nhưng cũng bởi nổi tiếng, nên những thương hiệu này lại hay bị làm nhái, làm giả. Và thế, là, Tem xác thực nguồn gốc VNPT Check đã được các hộ gia đình làm chè lam Thạch Xá lựa chọn nhằm bảo đảm uy tín thương hiệu các sản phẩm của mình.
Tem điện tử có chứa mã xác thực được hiển thị dưới dạng mã QR code và được in, dán hoặc bất kỳ hình thức đính kèm nào trên bao bì của hàng hóa. Tem điện tử QR code được coi như chứng minh thư của sản phẩm tiêu dùng, giúp phát hiện, ngăn chặn sản phẩm giả, cung cấp thông tin kinh doanh tin cậy, kịp thời tới khách hàng,tăng độ nhận biết sản phẩm, tạo niềm tin, xây dựng thương hiệu uy tín đối với khách hàng. Giải pháp cũng đã góp phần tạo thêm một kênh Marketing hiệu quả.
Các loại tem xác thực nguồn gốc tương tự VNPT Check đang được triển khai rộng rãi khắp cả nước, được các vùng sản xuất nông nghiệp, thủ công, mỹ nghệ ưa thích, cũng như nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Công nghệ làm thay đổi xu hướng sắm Tết
Ngày từ đầu tháng 10 âm lịch, trên các page bán hàng online, các trang mua sắm trực tuyến và các tài khoản Facebook, Zalo đã bắt đầu nhộn nhịp hàng Tết. Thói quen mua sắm của người trẻ vào dịp Tết đang thay đổi khi thời đại công nghệ lên ngôi, truy cập các trang thương mại điện tử nhiều hơn đi chợ Tết theo kiểu truyền thống.
Để giữ gìn không khí Tết và thỏa mãn những người hoài niệm chợ Tết truyền thống, các câu chuyện bán hàng, các gian hàng Tết trên website bán hàng cũng mang nhiều không khí Tết, với màu đỏ, với hình ảnh cây nêu tràng pháo bánh chưng rất sống động.
Trong khi các bà, các mẹ cứ đến Tết lại tất tả đi mua sắm ở các chợ truyền thống, phải chen lấn, xếp hàng, thì người trẻ lại thích mua sắm Tết online vì sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian. Thay vì cận Tết mới tranh thủ thời gian chạy ra chợ hay siêu thị, gấp rút sắm sửa một số mặt hàng cần thiết cho 3 ngày Tết, người trẻ lựa chọn mua đồ Tết online, chỉ mất ít phút nhưng vẫn mua được đầy đủ các vật dụng và thực phẩm, bánh mứt Tết và không mất thời gian chen lấn, xếp hàng.
Theo số liệu từ Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ - B2C (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) của Việt Nam năm 2018 ước đạt 8,06 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2017. Số người tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 là 39,9 triệu người, tăng 6,3 triệu người so với năm 2017. Giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người ước đạt 202 USD, tăng 16 USD so với năm 2017.
Trong khi đó, Hãng nghiên cứu thị trường Asia Plus nhận định thương mại điện tử tương tác sẽ rất triển vọng trong năm 2019, là tiền đề cho việc bán hàng qua mạng xã hội phát triển. Tỉ lệ mua hàng qua mạng xã hội, cụ thể là Facebook đạt 70% và tăng nhẹ so với năm 2017.
Dù vẫn có ý kiến rằng khó đánh giá tiềm năng của thương mại mạng xã hội bởi yếu tố mua bán đảm bảo và thanh toán an toàn vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng thương mại mạng xã hội vẫn có nhiều cơ hội phát triển, nhất là nhóm người vẫn quan tâm tới bán lẻ truyền thống (đi chợ).