“Lá rụng về cội” là một trong những tư tưởng văn hóa của Á Đông. Trong thời cổ đại, giao thông đi lại không thuận tiện, rất nhiều người sau khi rời nhà đi xa và khó quay trở về. Nhưng dù thế nào, trước khi chết ai cũng cố gắng được trở về quê nhà, được mai táng tại mộ tổ tiên.
Cho dù chết ở nơi đất khách quê người, cũng phải nhờ người đưa thi thể mình về nơi đã sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, vùng núi Tương Tây ở Hồ Nam và các vùng lân cận của Quý Châu, Trung Quốc, hầu hết đều là núi cao, đường xá hiểm trở, giao thông đi lại không thuận tiện nên “thuật cản thi” cũng rất phổ biến thời bấy giờ.
Vì sao cần “cản thi”?
Phong tục cản thi thực ra có từ rất lâu đời, sớm nhất cần truy về Xi Vưu, tổ tiên của người Miêu. Theo đó, Xi Vưu đã dẫn đầu đoàn quân chiến đấu với kẻ thù bên bờ sông Hoàng Hà và rất nhiều binh lính phải bỏ mạng nơi trên chiến trường. Xi Vưu không thể nhẫn tâm chứng kiến cảnh đồng bào của mình phơi thây nơi đồng hoang, mà muốn khiêng tất cả họ đi.
Tuy nhiên, số nhân lực còn sống sót không đủ, nên ông đã cầu viện sự giúp đỡ của quân sư bên cạnh. Vị quân sư bấm quyết niệm chú, để Xi Vưu cầm phù tiết đi trước dẫn đường, còn mình thì làm phép khiến các thi thể đứng dậy đi theo phía sau Xi Vưu. Như thế, họ cùng nhau trở về nhà. Đây chính là truyền thuyết sớm nhất về thuật cản thi.
Thuật cản thi phổ biến và lưu truyền rộng ở Tương Tây chính là bắt đầu trong triều đại nhà Thanh. Trong tiểu thuyết bút ký “Thanh bại loại sao” do Từ Kha biên soạn vào cuối triều đại nhà Thanh, đã có ghi chép rõ ràng nhất về thuật cản thi. Trong bài viết gọi là “tống thi thuật” (thuật đưa thi). Bài viết rằng: “Thuật thôi miên của người phương Tây có thể áp dụng với người sống chứ không thể làm với người chết được. Nó có thể được sử dụng thôi miên trong nhiều giờ, nhưng không thể trong vài tháng. Tuy nhiên, ở tỉnh Quý Châu và Hồ Nam có thuật đưa thi, do người làm phép khiến xác chết nghe lệnh, và việc này có thể kéo dài vài tháng”.
Người dẫn đường cho xác chết
Trước đây có những người không may bị bệnh chết ở nơi đất khách quê người, “đường xa, thi thể không dễ trở về”. Trong hoàn cảnh như vậy, người xưa tin rằng lá rụng về cội, cáo chết ba năm quay đầu về núi, vì vậy cần có “người đồng hành thường có thuật đưa thi”, đưa thi thể người đã khuất trở về nhà. Đó chính là các thầy cản thi.
Quá trình cản thi diễn ra vô cùng kỳ bí, nhưng làm thế nào để trở thành thầy cản thi còn kỳ bí hơn. Có người truyền miệng rằng, muốn trở thành thầy cản thi thì phải trải qua rất nhiều trải nghiệm: đầu tiên là thân thể phải khỏe mạnh cứng cáp, dương khí mạnh thì mới áp chế được âm khí của thi thể; thứ hai là thân hình cao lớn và đặc biệt là tướng mạo càng xấu càng tốt. Người xưa quan niệm bộ dạng xấu xí có thể trừ tà, yêu ma quỷ quái sẽ không dám tới gần, đồng thời có thể hù dọa cả những người hiếu kì đứng xem hai bên đường. Như vậy sẽ giúp quá trình cản thi diễn ra thuận lợi.
Nhưng như thế vẫn chưa đảm bảo để có thể trở thành thầy cản thi. Yêu cầu nghiêm khắc hơn là bài kiểm tra quay mặt về phía mặt trời, xoay một vòng tại chỗ, sau tiếng hô ngừng nếu như xác định được rõ phương hướng thì mới tính là đủ tư cách. Bởi vì cản thi đều được tiến hành vào ban đêm, đường đi chằng chịt bụi cây bụi cỏ, có những ngày trời không trăng không sao, rất khó để xác định được phương hướng. Khi đó nếu như không có kỹ năng cảm nhận được phương hướng sẽ rất dễ gặp “ma dẫn đường”, vĩnh viễn lòng vòng quanh núi, không tìm thấy đường ra.
Về nhiệm vụ dẫn đường cho xác chết, thầy cản thi sẽ vừa gõ chuông (hoặc chiêng) đồng nhỏ cầm trên tay, vừa dẫn dắt xác chết hướng về phía trước. Nếu đoàn rước có nhiều thi thể, họ sẽ buộc các thi thể này bằng sợi dây rơm, cách nhau đều đặn 2 mét. Một thầy cản thi khi làm việc có thể dắt theo học trò để giúp việc, phòng khi trời tối đường trơn hoặc để có thêm can đảm.
Thầy cản thi sẽ đi ở phía trước, thi thể đi ở giữa, người học trò cầm bát nước trên tay đi phía sau (nước trong bát phải gia trì bùa chú). Trên đường tống thi, người đi phía sau phải đảm bảo nước trong bát phải bằng phẳng, “nước không nghiêng đổ, xác cũng không đổ”.
Trên chặng đường dài, đoàn có thể nghỉ lại ở các quán trọ đặc biệt. Đến khi trời nhá nhem tối, lúc cần nghỉ lại quán trọ, chủ nhà trọ chỉ cần nhìn trạng thái 3 người, “liền biết bọn họ là khách đưa thi, phải chuẩn bị phòng khác cho họ ở”. Quán trọ cũng đặc biệt, hai người sống ngủ trên giường, trong khi xác chết đứng cạnh cửa, nói là “3 người trọ, 2 người ăn cơm”.
Đêm trước khi về đến nhà, “thi thể phải báo mộng cho người nhà chuẩn bị quan tài, quần áo chôn cất, dọn dẹp chỉnh tề”. Khi người cản thi đưa thi thể về đến nhà, liền dựng thẳng thi thể bên cạnh quan tài, người cản thi rắc bát nước có bùa chú xuống đất, và thi thể ngay lập tức ngã xuống. Lúc đó cần tẩm liệm người chết ngay, nếu không thi thể sẽ biến đổi và phân hủy cực nhanh.
Ngoài ra, thuật cản thi còn có nguyên tắc “3 cản, 3 không cản”. Nghĩa là được cản thi với 3 kiểu thi thể chết do bị chém đầu, án treo cổ và chết vì hình phạt lồng đứng. Tương truyền là vì bọn họ bị ép phải chết, chết không phục, chết nhưng vẫn còn nhớ nhung người thân, có thể dùng phép thuật câu hồn phách, dùng bùa chú trấn trong cơ thể, sau đó dùng phép dẫn bọn họ trở lại cố hương.
3 cái chết không thể cản là chết do sấm sét đánh trúng, chết do nhảy sông, chết do bệnh tật. Người bệnh chết hồn phách đã bị Diêm Vương câu đi, không thể gọi về từ Quỷ Môn Quan. Người nhảy sông hồn phách đã bị kéo đi làm “vật thay thế”, hơn nữa có thể bọn họ đang chuyển giao, nếu tách hồn phách mới ra, vong hồn cũ không được thay thế thì sẽ ảnh hưởng việc đầu thai của hồn cũ. Người bị sét đánh chết đều là những người nghiệp chướng nặng nề, mà bị lửa thiêu chết thì thường da thịt không lành lặn, cũng không thể cản.
Thực hư chuyện cản thi
Trong “Thanh bại loại sao” có ghi lại một trường hợp cản thi: Khi ấy, có một quan quân tên là Hoàng Trạch Sinh dẫn quân đến đóng quân bên bờ sông. “Một hôm, bên ngoài doanh trại đột nhiên có tiếng ồn ào. Hoàng Trạch Sinh hỏi chuyện gì xảy ra. Quân lính dưới báo cáo: “Có người giải tử thi đi qua, thi thể có thể tự đi”. Hoàng Trạch Sinh ra ngoài doanh trại xem xét thì thấy một người cầm cờ vải dẫn đầu, “một thi thể đứng thẳng, đờ đẫn đi theo người này”.
Hoàng Trạch Sinh bước tới và ra lệnh cho người cản thi dừng lại, hỏi anh ta chuyện gì đang xảy ra? Người đó trả lời rằng người đã khuất này chết trên đường, nếu bỏ vào quan tài rồi đưa về nhà thì rất tốn công sức. Hoàng Trạch Sinh hỏi cụ thể về pháp thuật, người cản thi nói: “Đây là bí mật nghề nghiệp của chúng tôi, làm sao có thể dễ dàng tiết lộ cho người ngoài được?”. Hoàng Trạch Sinh cũng không gượng ép và hỏi rằng mất bao nhiêu ngày đến nơi. Người kia trả lời rằng khoảng 4 đến 5 ngày; Hoàng Trạch Sinh lại hỏi làm thế nào để giải quyết vấn đề chỗ ở vào ban đêm, và câu trả lời là “để thi thể ở bên cửa là được”.
Lúc này càng nhiều người vây xem. “Cả doanh trại đổ ra xem, mấy trăm người đều nhìn thấy”. Có người kêu lên rằng có thể đó không phải là thi thể. Hoàng Trạch Sinh liền tới khám nghiệm và kiểm tra, “quả thực là một xác chết”.
Đến nay, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, những câu chuyện về thuật cản thi đã không còn được nhắc đến, tất cả chỉ dừng lại ở mức suy đoán, ngay cả khoa học cũng chưa có câu trả lời chính xác cho hiện tượng cản thi này.