Điều đặc biệt ở đây không phải là cái chết của ông Chun Doo Hwan mà là việc người vợ của vị cựu Tổng thống này là bà Lee Soon Ja nhân danh gia đình đưa ra lời xin lỗi những nạn nhân của chế độ độc tài của chồng mình. Sinh thời, cho dù bị dư luận quốc tế và ở Hàn Quốc lên án rất mạnh mẽ, ông Chun Doo Hwan không hề có lời xin lỗi về những tội ác đã làm với người dân Hàn Quốc khi cầm quyền. Vợ xin lỗi thay cho chồng về những tội lỗi của chồng - chuyện chưa từng thấy xảy ra cho đến nay ở Hàn Quốc.
Ông Chun Doo Hwan tiến hành đảo chính quân sự ở Hàn Quốc hồi tháng 12/1979 và thiết lập chế độ độc tài quân sự ở đất nước này. Thời kỳ cầm quyền của ông Chun Doo Hwan kéo dài cho tới cuộc bầu cử Tổng thống dân chủ đầu tiên ở Hàn Quốc vào năm 1987.
Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, người này bị tòa án truy tố và kết tội phản quốc với bản án là phạt tù nhiều năm, về sau được ra tù sớm. Sau khi lên cầm quyền, ông Chun Doo Hwan dùng bạo lực trấn áp những người hoạt động dân chủ và chống chế độ độc tài quân sự ở Hàn Quốc khiến hàng chục ngàn người bị sát hại và tù đầy. Khủng khiếp và tai tiếng nhất là vụ thảm sát ở thành phố Gwangju vào năm 1980, trước khi ông Chun Doo Hwan tự xưng là Tổng thống Hàn Quốc. Cho đến tận ngày nay, vụ thảm sát này trong nhìn nhận của người dân Hàn Quốc là một trong những chương sử đen tối nhất của đất nước Hàn Quốc.
Lời xin lỗi của bà quả phụ gây bất ngờ ở Hàn Quốc. Thời ông Chun Doo Hwan trị vì xứ này đã lùi xa vào quá khứ và bản thân ông cũng đã phải trả giá rất đắt. Thực tiễn và nghiên cứu lịch sử lại còn cho thấy bà Lee Soon Ja không đóng vai trò gì trong thời kỳ cầm quyền của chồng và không có ảnh hưởng gì tới đường lối chính sách cầm quyền của chồng.
Vậy mà người phụ nữ này lại nhân danh gia đình nói ra lời xin lỗi về tội ác của người chồng. Đấy là cách gỡ gạc về đạo lý, cho dù lời xin lỗi của bà Lee Soon Ja còn có khiếm khuyết rất cơ bản, cụ thể là mãi đến sau khi người chồng qua đời mới đưa ra và lại không đề cập cụ thể gì đến vụ thảm sát ở Gwangju.
Chính vì thế, rất nhiều nạn nhân chưa hài lòng về cách thức và mức độ xin lỗi của gia đình ông Chun Doo Hwan. Mức độ bất bình của họ dao động giữa cho rằng chỉ là lời nói trống rỗng và đánh giá rằng xin lỗi như thế chẳng khác gì xúc phạm những nạn nhân của vụ thảm sát ở Gwangju.
Đối với gia đình ông Chun Doo Hwan, uy quyền ngất trời thuở nào giờ trở thành nỗi cay đắng và xấu hổ, ám ảnh nặng nề đến mức người vợ phải đứng ra xin lỗi thay cho chồng. Hình ảnh “quýt làm cam chịu” kia phản ánh và hàm chứa đầy đủ mức độ nông sâu và mọi khía cạnh của bi kịch đối với gia đình này.
Lời xin lỗi dẫu có muộn mằn vẫn có được tác động lịch sử và đạo lý của nó. Nó góp phần đưa ánh sáng của công lý, đạo lý và sự thật soi rọi vào mọi góc khuất của một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử đất nước Hàn Quốc.