Hạn chế rủi ro cho Chấp hành viên
Nhằm tạo điều kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đối với tài sản, một số điều trong Dự thảo Luật đã quy định vai trò của Tòa án trong việc xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Cụ thể:
Tòa án có trách nhiệm xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản bị tạm giữ, tài sản bị tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng khi Chấp hành viên (CHV) yêu cầu.
Riêng việc phân chia, xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án; giải quyết tranh chấp tài sản và yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án, vai trò của Tòa án được xác định rất cụ thể trong Dự thảo.
Theo đó, Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự trong trường hợp CHV, các đương sự có văn bản yêu cầu xác định, phân chia, giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án; Tòa án xem xét, quyết định việc hủy các giấy tờ, giao dịch nếu CHV có căn cứ xác định giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án và gửi văn bản yêu cầu Tòa án hủy.
Đáng chú ý, việc xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp, Dự thảo quy định: Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có người khác tranh chấp thì CHV vẫn tiến hành cưỡng chế và thông báo cho đương sự, người có tranh chấp. Đương sự, người có tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tòa án xem xét thụ lý giải quyết vụ việc mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện và CHV xử lý tài sản đã kê biên theo bản án, quyết định của Tòa án. Nếu Tòa án không xem xét, giải quyết theo đơn khởi kiện của đương sự thì CHV có quyền yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Những quy định này đã đề cao vai trò của Tòa án, khẳng định việc xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản của cá nhân, tổ chức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng như hạn chế rủi ro cho CHV.
Hết hạn không trả lời có quyền trả lại
Thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy, mặc dù số lượng án tuyên không rõ, khó thi hành chiếm tỉ lệ không nhiều (khoảng 700 việc/700.000 việc, chiếm tỉ lệ 0,001%), tuy nhiên, đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên tính phức tạp của công tác thi hành án và làm tăng số lượng án tồn đọng.
Để giải quyết vấn đề này cũng như đảm bảo sự gắn kết trách nhiệm của Tòa án sau khi xét xử, Dự thảo Luật đã quy định: Trường hợp phát hiện bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành.
Tòa án có trách nhiệm trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị hoặc có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự - trường hợp phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Nếu Tòa án không trả lời khi hết thời hạn thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền trả lại quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành và tài liệu đã nhận cho Tòa án đã ra quyết định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại quyết định của cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án phải xem xét giải quyết, thông báo kết quả cho cơ quan thi hành án dân sự và đương sự.
Quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử của Tòa án, thể hiện sự “giám sát” của cơ quan hành pháp đối với kết quả hoạt động của cơ quan tư pháp, đảm bảo tính khả thi của các bản án, quyết định mà Tòa án xét xử và đưa ra thi hành.