“Việc tổ chức thi hành Luật THADS đạt được nhiều kết quả tích cực, vai trò của công tác THADS được nâng lên rõ rệt. Hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật về cơ bản đã đầy đủ. Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ làm công tác THADS đã được hoàn thành. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp được tăng cường. Kết quả THADS chuyển biến tích cực, kết quả năm sau cao hơn năm trước...
Tuy nhiên, kết quả THADS mặc dù được nâng lên nhưng chưa bền vững, chưa có cơ chế bảo đảm vai trò của Tòa án, phân công trách nhiệm của UBND trong công tác dẫn đến vướng mắc trong tổ chức THA, hệ thống cơ quan THADS trong Quân đội…, còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa Kiểm sát và Thanh tra; trình độ, năng lực chưa đáp ứng, một bộ phận cán bộ, chấp hành viên, người làm công tác THADS đạo đức nghề nghiệp kém, vi phạm chuẩn mực đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Trăn trở lớn nhất của tôi và bản thân đã hứa từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội là giảm án tồn, mà hiện vẫn còn gần 200 nghìn việc thì cần phải xem lại. Bên cạnh đó, việc phân loại án chưa chính xác, công tác bảo đảm thi hành án còn hạn chế và nhiều vấn đề khác.
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, trong đó có những nguyên nhân xuất phát từ những quy định của pháp luật về THADS. Cụ thể là, Luật THADS chưa xác định hoạt động THADS là hoạt động tố tụng, có sự cắt khúc, tách rời hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án; các quy định của Luật về trình tự, thủ tục thi hành án còn rườm rà, phức tạp, nhiều bất cập; nhiều quy định thiếu thống nhất với pháp luật có liên quan như đất đai, nhà ở, ngân hàng, tài chính...
Về quan điểm, phạm vi, định hướng sửa đổi Luật THADS, thời điểm hiện nay rất thuận lợi khi Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2014; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã họp, quyết định sẽ sửa đồng bộ các luật về tổ chức bộ máy, về tố tụng; trong tháng 1, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 49; chế định Thừa phát lại được Quốc hội đồng tình cho mở rộng, đây là những “chân trời” được mở ra để chúng ta hiến kế sửa đổi Luật cho thời kỳ phát triển ổn định mới.
Tôi xin nhấn mạnh 2 nội dung:Về phạm vi sửa đổi Luật, đề nghị chuẩn bị 2 phương án: phương án thứ nhất là Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật THADS và phương án thứ hai là Luật THADS sửa đổi. Về một số định hướng lớn của Dự án Luật, thứ nhất là xác định hoạt động THADS là hoạt động tố tụng, từ đó xác định đúng trách nhiệm của Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra; thứ hai là, Chính phủ thống nhất quản lý về thi hành án, trong đó Bộ Công an giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hình sự, Bộ Tư pháp giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác THADS và hành chính; thứ ba là, phân cấp cho UBND các cấp theo hướng xác định một số thẩm quyền, trách nhiệm được giao trên nguyên tắc không ảnh hưởng đến quản lý nhà nước của các cơ quan trung ương; thứ tư là, phân định rõ thẩm quyền giữa Kiểm sát, Thanh tra...”.