“Giấy phép xây dựng tạm” từng “đóng vai trò lịch sử”
Tại Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm được giải thích là “giấy phép được cấp để xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo thời hạn thực hiện quy hoạch xây dựng”. Không quá khi nói rằng tờ giấy phép xây dựng đã đóng vai trò lịch sử của nó, nhất là trong bối cảnh quy hoạch “treo” tràn lan khắp cả nước, từ đô thị lớn đến tỉnh lẻ.
Trong bối cảnh phát triển đô thị mạnh mẽ, không ít hộ dân đang sinh sống trong khu vực quy hoạch. Như vậy, theo quy định thì toàn bộ khu vực đó sẽ không được cấp sổ đỏ cũng như giấy phép xây dựng nhà, mặc dù đấy là đất thổ cư, được truyền từ đời này qua đời khác. Thế nhưng, dự án nằm trong quy hoạch “treo” càng lâu thì cái khổ mà người dân phải gánh chịu càng lớn.
Có những khu vực như phía Đông hồ Thanh Nhàn (Hà Nội), nhiều hộ dân phải sống cảnh quy hoạch “treo” mấy chục năm nay chẳng được xây cất, sửa chữa nhà, dù gia đình ngày càng phình ra với nhân khẩu tăng lên theo năm tháng. Trong khi đó, cho dù đất nằm trong quy hoạch nhưng trên thực tế, các hộ dân vẫn đang phải nộp 100% tiền sử dụng đất.
Để đỡ thiệt thòi cho người dân nằm trong vùng đất quy hoạch, giấy phép xây dựng tạm ra đời được kỳ vọng sẽ “cởi trói” giúp người dân có thể cải tạo, xây dựng chỗ ở cho mình một cách hợp pháp, không phải “đi đêm” hay làm “chui” như hiện nay. Để được cấp giấy phép xây dựng tạm, điều kiện chung bao gồm khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, công trình phải phù hợp với quy mô công trình do ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố quy định và thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, chủ đầu tư phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hiệu lực.
Thay “tạm” bằng “có thời hạn”
Luật Xây dựng (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, trong đó không ghi nhận “giấy phép xây dựng tạm”. Ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Luật lần này đã làm rõ hơn, cụ thể hơn các đối tượng được miễn giấy phép xây dựng, các yêu cầu trình tự, thủ tục xin giấy phép xây dựng.
“Riêng giấy phép xây dựng có thời hạn được quy định rõ ràng hơn về thời hạn giấy phép. Trước đây, chúng ta có cấp loại giấy phép xây dựng tạm, tuy nhiên quy định cũ đã không nêu cụ thể giấy phép xây dựng đó được cấp tạm đến bao giờ. Lần này, quy định mới đã quy định rất rõ thời hạn giấy phép và hiệu lực của giấy phép xây dựng phụ thuộc vào kế hoạch thực hiện dự án được phê duyệt” - ông Dung cho biết.
Theo tinh thần của Luật Xây dựng sửa đổi, giấy phép xây dựng tạm không phải là cấp cho công trình tạm nữa mà là cấp cho công trình có thời hạn, tức là cấp cho những công trình ở những khu vực đã có quy hoạch - nơi đã được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch nhưng vẫn chưa sử dụng. Như vậy, người dân ở những khu vực quy hoạch, tùy thời hạn lấy đất sẽ được cấp phép để cải tạo và xây dựng nhà để ở.
Luật cũng quy định, đối với công trình, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, khi hết thời hạn mà kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng chưa được triển khai thì cơ quan đã cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm thông báo cho chủ sở hữu công trình hoặc người được giao sử dụng công trình về điều chỉnh quy hoạch xây dựng và thực hiện gia hạn giấy phép xây dựng có thời hạn.
Chị Nguyễn Thị Minh, một người dân đã “nếm trải” mấy chục năm sống trong quy hoạch “treo” khu vực hồ Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, việc cấp phép xây dựng có thời hạn là rất cần thiết, và chỉ cần được cung cấp chính xác thời gian triển khai thực hiện quy hoạch thì người dân sẽ biết trước mình còn được “bám trụ” tại nơi ở cũ bao lâu. Đó cũng là căn cứ để người dân cân đối khoản tiền bỏ ra tu bổ, xây dựng ngôi nhà của mình cho phù hợp, tránh lãng phí.
Trong trường hợp cả nước có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dự án quy hoạch “treo” thì giấy phép xây dựng có thời hạn tỏ ra là một giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề là tiến độ thực hiện dự án phải được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật để hạn chế tình trạng quy hoạch “treo” và xử lý quy hoạch khi hết hạn, đồng thời cũng giảm nỗi lo canh cánh của người dân về những công trình “đến hạn” của mình.