Cầu Giấy (Hà Nội): Đừng để dân quá thiệt thòi

Sổ đỏ của gia đình ông Sơn được cấp sau khi đã có quy hoạch mở đường
Sổ đỏ của gia đình ông Sơn được cấp sau khi đã có quy hoạch mở đường
(PLO) - Mặc dù Luật Đất đai quy định khi bị thu hồi đất, người dân cần phải được đền bù trên cơ sở sát giá thị trường, thế nhưng UBND quận Cầu Giấy lại cho rằng khó mà tính ra giá thị trường được khiến người dân cho rằng họ thiệt đơn, thiệt kép.
Theo đơn khiếu nại của một số hộ dân mặt đường Cầu Giấy (từ số nhà 186 đến số 224) nằm trên địa bàn phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, thuộc diện phải thu hồi đất phục vụ dự án mở đường nối từ Bảo tàng Dân tộc học đến đường 32, việc UBND quận bồi thường hỗ trợ thu hồi nhà đất của họ với mức giá 37 triệu đồng/m2 (nhân hệ số K=2) là không phản ánh đúng giá trị đất mặt đường Cầu Giấy. 
“Giá thị trường đất của gia đình tôi phải trên 200 triệu đồng/m2. Đền bù như vậy, chúng tôi quá thiệt thòi” - bà Nguyễn Thị Yến ở số nhà 194 bức xúc. Bà Yến cũng dẫn ra Luật Đất đai, quy định rõ cần phải định giá đất sát giá thị trường thì mới đảm bảo quyền lợi của người dân, chưa nói đến việc đây đều là đất sinh lời vì các hộ hầu hết đều mở cửa hàng để kinh doanh. 
Thực tế, cùng thời điểm, nhiều lô đất có vị trí tương đương mà UBND quận Cầu Giấy đưa ra bán đấu giá, dù lô đất có diện tích lớn cũng có mức giá trúng trên 100 triệu đồng/m2. Đơn cử lô đất D10 trên phố Dịch Vọng Hậu có diện tích 140m2 thuộc nhóm 1, được bán đấu giá thành công ngày 30/8/2014 với giá 186 triệu đồng/m2. Các lô đất nằm ở vị trí kém hơn cũng bán được từ 140-160 triệu đồng/m2…
Ngoài ra, các hộ dân còn than trong khi họ đang đề nghị xem xét lại để đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ thì UBND quận Cầu Giấy đã ra quyết định cưỡng chế, trong khi nhiều hộ dân chưa được bố trí tái định cư, thậm chí chỉ được hứa miệng chứ chưa có văn bản cụ thể. 
Còn như trường hợp của bà Yến, có hai hộ sinh sống là gia đình vợ chồng bà Yến và gia đình con gái bà, đối chiếu quy định thì được bố trí 2 suất chung cư để tái định cư, thế nhưng gia đình bà chỉ được hứa mồm rằng sẽ được một suất. Trong khi gia đình bà đang kiến nghị thì ngày 22/9/2014, UBND quận Cầu Giấy đã ra quyết định cưỡng chế.
Không riêng gì gia đình bà Yến, một số hộ gia đình khác cũng trong tình trạng tương tự, nhà tái định cư chưa thấy đâu đã bị cán bộ gí quyết định cưỡng chế vào lưng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy giải thích: quận không vội vã trong dự án này, tuy nhiên việc bố trí tái định cư thì cần thời gian bởi công trình nhà tái định cư đang xây dựng. Những kiến nghị của dân, UBND quận sẽ xem xét, giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của các hộ dân. 
Về việc áp giá theo thị trường, ông Hà cho biết, ở dự án này, sau khi UBND quận trình, UBND thành phố đã duyệt giá, còn đề nghị áp giá thị trường là rất khó. Khi phóng viên nhấn mạnh về quy định của Luật Đất đai mới và áp giá sát giá thị trường khi đền bù thu hồi đất và thực tế ngay ở quận Cầu Giấy có hàng loạt lô đất đấu giá như nêu trên, hoàn toàn có thể lấy giá trúng đấu giá để tham chiếu, thế nhưng ông Hà cũng lắc đầu kêu khó… vì giá do UBND thành phố phê duyệt và cộng với hệ số K=2(!?).
Trong quá trình tìm hiểu sự việc, phóng viên phát hiện trường hợp hộ ông Trần Thanh Sơn (địa chỉ 214 Cầu Giấy) còn “đau khổ” hơn khi năm 2013 ông Sơn mua “trúng” nhà đất tại địa chỉ 214 Cầu Giấy khi diện tích đất nằm trong diện giải tỏa của dự án trên. Điều lạ là không hiểu sao sau khi mua phải “quả đắng”, ông Sơn vẫn được UBND quận Cầu Giấy cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trong khi theo quy định pháp luật, nhà đất nơi đây không được phép chuyển nhượng? 
Trưng ra “sổ đỏ” đứng tên mình ngày 14/6/2013, ông Sơn cho biết: “Khi mua, tôi không hề biết nhà đất này nằm trong quy hoạch, cũng chẳng có cán bộ nào giải thích hay thông tin cho tôi biết. Ngôi nhà hơn 24m2 này tôi mua 8 tỷ đồng, giờ chỉ được đền bù hơn 1,8 tỷ đồng. Ai là người chịu trách nhiệm về thiệt hại này của tôi”? Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch Hà thừa nhận đây chính là một trong hai trường hợp bị sai sót, UBND quận đã báo cáo UBND thành phố, cán bộ thiếu trách nhiệm làm sai trong việc này đã bị kiểm điểm. 
Thiết nghĩ, UBND quận Cầu Giấy cần xem xét kiến nghị của các hộ dân và  báo cáo cụ thể lên UBND TP.Hà Nội để xem xét lại đối với quyền lợi của người dân, tránh để phát sinh thành điểm nóng khiếu kiện. 

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.