Những con số gây…sốc
Các khảo sát, điều tra về tình hình sử dụng rượu bia cho thấy, mức tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng báo động. Theo số liệu điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người của người trưởng thành Việt Nam đã gia tăng đáng kể từ 0,75 lít/người vào năm 1990 lên 3,8 lít/người vào giai đoạn 2003-2005. Số liệu khảo sát từ Bộ Công thương cũng cho thấy, tổng tiêu thụ bia ở Việt Nam đã tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít trong năm 2013. Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao thứ 3 ở châu Á, chỉ đứng sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Tiêu thụ rượu cũng đã tăng hơn 7,5% chỉ trong một năm, từ 63 triệu lít năm 2012 lên gần 68 triệu lít vào năm 2013…
Nhiều nghiên cứu cho thấy, lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Cụ thể, theo nghiên cứu của WHO trên 18.412 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện ở Việt Nam cho kết quả vô cùng sốc (có tới 36% người đi xe máy có BAC – nồng độ rượu trong máu cao hơn mức cho phép (50mg/dl) và 66,8% người lái xe ô tô có BAC cao hơn mức cho phép (0mg/dl). Còn theo báo cáo của Bộ Y tế, lạm dụng rượu bia gây ra tới 5,7% tổng các ca tử vong; 4,7% tổng gánh nặng bệnh tật; khoảng 8,7% nam và 0,9% nữ tuổi từ 15 trở lên gặp các rắc rối liên quan đến sử dụng rượu bia…
Hệ lụy khó lường của việc quảng cáo rượu bia tràn lan
Theo Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, kết quả đồng nhất từ nhiều nghiên cứu với nhiều cách tiếp cận bằng những phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau cho thấy có mối liên quan giữa quảng cáo, khuyến mại rượu bia tới hành vi sử dụng rượu bia và tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, đặc biệt ở người trẻ tuổi.
Nghiên cứu của tác giả Collins và cộng sự năm 2007 ở South Dakota, Mỹ, trên 1.786 học sinh lớp 6 và theo dõi trong vòng 1 năm cho thấy: Việc tiếp xúc với các loại hình quảng cáo rượu bia khác nhau (ti vi, radio, sản phẩm khuyến mại của hãng bia, quảng cáo bia ở tạp chí) ở lớp 6 có liên quan mạnh mẽ đến hành vi bắt đầu sử dụng rượu bia ở lớp 7 và dự định sẽ sử dụng rượu bia ở học sinh lớp 7.
Cụ thể, nguy cơ bắt đầu sử dụng rượu bia ở lớp 7 tăng 19% nếu như trẻ có tiếp xúc với quảng cáo bia trên kênh thể thao TV ở lớp 6; nguy cơ tăng 13% nếu như trẻ có tiếp xúc với quảng cáo bia trên các kênh truyền hình khác ở lớp 6; nguy cơ tăng 17% nếu trẻ có tiếp xúc với quảng cáo bia trên radio ở lớp 6; và gia tăng tới 76% nếu trẻ có sở hữu sản phẩm khuyến mại của hãng bia ở lớp 6.
Có tới 20% học sinh trong nhóm thường xuyên tiếp xúc với quảng cáo rượu bia (tiếp xúc ở mức 75%) ở lớp 6 cho biết bắt đầu sử dụng rượu bia ở lớp 7; trong khi chỉ có 13% học sinh trong nhóm ít tiếp xúc với quảng cáo rượu bia (tiếp xúc ở mức 25%) ở lớp 6 cho biết bắt đầu sử dụng rượu bia ở lớp 7.
Nhà nghiên cứu Sargent và cộng sự (năm 2006) cũng thực hiện một khảo sát cắt ngang trên 4.655 trẻ 10-14 tuổi chưa từng sử dụng rượu bia, và tiến hành đánh giá lại trên 2406 đối tượng trong vòng 12-26 tháng sau đó để tìm hiểu mối liên quan giữa việc xem các hình ảnh sử dụng rượu bia trong các bộ phim đại chúng với hành vi bắt đầu sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc với hình ảnh sử dụng rượu bia trong các bộ phim làm gia tăng 15% nguy cơ bắt đầu sử dụng rượu bia trong 12-26 tháng sau.
Đã đến lúc phải có biện pháp kiểm soát quảng cáo rượu bia
Thực tế trên cho thấy, việc quảng cáo rượu bia một cách tràn lan, bừa bãi đã làm gia tăng mức độ tiêu thụ rượu bia, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Chính sách quốc gia về Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế và nhà quản lý, vẫn thiếu một khung pháp lý có hiệu lực cao để đưa các chính sách nà vào cuộc sống. Hiện, việc quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên đã bị pháp luật cấm nhưng vi phạm vẫn nhan nhản. Việc quảng cáo bia cũng bị “thả nổi” vì chưa có chính sách hạn chế quảng cáo bia.
Trước thực trạng trên, đại diện cho nhiều tổ chức xã hội dân sự, Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm đề nghị Chính phủ, đẩy nhanh lộ trình xây dựng Luật Phòng chống tác hại rượu bia, và Quốc hội sớm đưa Luật này vào chương trình nghị sự xây dựng Luật năm 2017 của Quốc hội.
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cần có những điều khoản liên quan tới kiểm soát quảng cáo khuyến mại và tài trợ và kiểm soát bán lẻ với nội dung mạnh. Đồng thời nghiên cứu và xem xét việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá và rượu bia./.
Điều tra của Đại học Y tế công cộng (năm 2014) trên gần 700 điểm bán rượu bia tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng cho thấy: Quảng cáo rượu trên 15 độ mặc dù bị cấm nhưng có tới 76% điểm bán có vi phạm ở khu vực bên trong nhà, 82% điểm bán có vi phạm ngoài trời. Các sản phẩm rượu bia và đồ uống có cồn dưới 15 độ thì được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường, không có bất kỳ quy định hạn chế nào về đối tượng tiếp cận, nội dung, thời gian, không gian được phép quảng cáo.