Quái vật bắt cóc, tống tiền
Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 18/3/1984, khi ông Katsuhisa Ezaki, Giám đốc điều hành của công ty kẹo Glico bị 2 gã đàn ông đeo mặt nạ bắt cóc và yêu cầu đòi tiền chuộc là 1 tỷ yên cùng với 100kg vàng. Tuy nhiên, việc trao đổi tiền chuộc chưa kịp diễn ra thì ông Ezaki đã may mắn trốn thoát. Vụ bắt cóc bao phủ hàng loạt bản tin vào thời điểm đó, một phần do nạn nhân là người có tiếng và một phần là do vụ bắt cóc như vậy là điều gần như chưa từng xảy ra ở Nhật Bản.
Về phần cảnh sát, không có chủ mưu, không có manh mối, không có nghi phạm, không có động cơ rõ ràng ngoài tiền bạc và họ cũng không biết kẻ nào đứng sau tội ác này. Vài tuần sau, vào tháng 4/1984, một vài chiếc xe trong bãi đậu xe của trụ sở công ty Glico đã bị đốt cháy và khu vực xung quanh cũng bị phá hủy một cách bí ẩn.
Cảnh sát phác họa chân dung thủ phạm để truy tìm |
Không lâu sau đó, vào ngày 10/5/1984, một lá thư đe dọa được tìm thấy trên một chai axit clohydric với chữ kí “Quái vật 21 mặt”, bức thư tuyên bố rằng hắn đã tẩm chất độc kali cyanua vào gói kẹo của Glico và đã đem bày bán trên khắp các cửa hàng tạp hóa. Ngay sau đó, công ty Glico đã phải thu hồi lại toàn bộ số kẹo trên thị trường và điều đó khiến công ty này lỗ 20 triệu USD, cùng với 400 công nhân bị sa thải.
Cảnh sát mở rộng điều tra kẻ đứng đằng sau lá thư nặc danh nhưng mọi manh mối đều đi vào bế tắc. Thêm vào đó, không ai hiểu rằng vì sao nhóm này lại có thù hằn với công ty kẹo Glico như vậy. Cảnh sát chỉ thu giữ được đoạn video cho thấy có một người lạ mặt đang để kẹo tẩm độc lên các kệ hàng. “Quái vật 21 mặt” được cho là cố tình để camera ghi lại cảnh này như một cách giễu cợt cảnh sát và khiến dân chúng thêm hoảng loạn. Tổ chức này còn gửi các bức thư nặc danh để chế nhạo lực lượng cảnh sát.
Thời gian sau đó, “quái vật” liên tục khủng bố cảnh sát bằng những bức thư nặc danh và trong đó nội dung đa phần là nhạo báng: “Thưa các sĩ quan cảnh sát ngu ngốc. Đừng nói dối nữa. Chẳng phải tất cả các tội ác đều bắt đầu bằng một lời nói dối, các người không thấy sao? Có vẻ như các người đang chịu thua rồi. Vậy tại sao không để chúng tôi giúp một tay? Chúng tôi sẽ cung cấp cho các người một đầu mối, chúng tôi đã vào nhà máy bằng cổng trước, máy đánh chữ chúng tôi sử dụng là PANreader và các thùng nhựa được sử dụng là rác ở ngoài đường”.
Vụ án bí ẩn được đăng tải trên nhiều báo Nhật Bản |
Mọi chuyện bất ngờ kết thúc một cách chóng vánh vào ngày 26/6 cùng năm khi “Quái vật 21 mặt” tuyên bố đơn giản: “Chúng tôi tha thứ cho Glico!”. Không có bất kỳ lý do gì được đưa ra về việc tại sao công ty này được bọn chúng bỏ qua hay nguyên nhân của vụ khủng bố khó hiểu lúc ban đầu là gì. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ đánh dấu sự kết thúc đối với Glico, nhưng không phải chấm dứt cơn ác mộng đối với người khác. Chúng bắt đầu chuyển sang mục tiêu các công ty bánh kẹo Morinaga, Marudai Ham và House Food.
Tất cả đều là những thương hiệu có tiếng ở Nhật Bản. Cụ thể vào tháng 9/1984, chúng gọi điện tới Morinaga, một công ty thực phẩm lâu đời khác ở Nhật Bản và đòi 410.000 USD. Đương nhiên Morinaga không làm theo yêu cầu, và sau đó báo chí Nhật Bản lại nhận được những bức thư tống tiền có nội dung đại loại là cảnh báo người tiêu dùng để khủng bố Morinaga.
Bức thư nặc danh tuyên bố 21 gói kẹo của Morinaga đã được tiêm thuốc độc. Cảnh sát sau đó đã thu giữ kịp thời các gói kẹo trước khi có bất kỳ ai tiêu thụ. Các xét nghiệm cho thấy “Quái vật 21 mặt” thực sự đã phủ độc những gói kẹo này.
Điều kỳ lạ ở chỗ chúng dán một cảnh báo bên ngoài là “Nguy hiểm: Chứa độc tố” giống như việc trao cơ hội cho nạn nhân tránh khỏi cái chết. Ngay lập tức, cổ phiếu của Morinaga sụt giảm kinh hoàng. Chưa hết “Quá vật 21 mặt” còn dọa nếu các siêu thị không “cấm vận” kẹo Morinaga, chúng sẽ đặt thêm các hộp kẹo độc khác mà không hề dán nhãn cảnh báo.
Vụ án rơi vào ngõ cụt
Với mối nguy hiểm này, hơn 40.000 cảnh sát Nhật Bản đã được huy động vào cuộc để theo dõi các siêu thị. Cảnh sát còn thiết lập một đường dây nóng để thu thập các manh mối, nhưng mọi nỗ lực đều đi vào ngõ cụt và cảnh sát bị mỉa mai thêm bởi bọn tội phạm.
Ít lâu sau, “Quái vật” tuyên bố sẽ chấm dứt các hoạt động khủng bố của mình nếu nhận được 50 triệu yên. Tiền sẽ được ném xuống từ một chuyến tàu cao tốc chạy vào thành phố Kyoto, địa điểm ném tiền sẽ được xác định bằng một lá cờ trắng. Một viên cảnh sát đã được giao cho nhiệm vụ này, anh đã không nhìn thấy lá cờ trắng nào trên tuyến đường nhưng anh đã phát hiện ra một nam nhân có hành động khả nghi trên tàu. Anh mô tả người đàn ông này có dáng cao lực lưỡng và có một đôi mắt giống như mắt cáo.
Sau đó cảnh sát đã nỗ lực theo dõi nhân vật tình nghi này nhưng đã để mất dấu. Tháng 11/1984, “Quái vật” lại một lần nữa đòi 100 triệu yên để ngừng lại các hoạt động khủng bố. Chúng yêu cầu tiền phải được thả vào một cái thùng có mảnh vải trắng trên đường cao tốc Meishin. Cảnh sát đã mai phục tại đây và phát hiện ra người đàn ông này lần nữa nhưng lại tiếp tục để nghi phạm tẩu thoát.
Sau đó cảnh sát Tokyo bắt giữ một người đàn ông tên là Miyazaki Manubu, người dính líu trong nhiều bê bối của công ty bánh kẹo Glico. Miyazaki bị nghi ngờ do một cuốn băng ghi âm của nhân vật này có cách diễn đạt rất giống với các câu chữ bí ẩn mà “Quái vật 21 mặt” từng dùng trêu đùa cảnh sát. Bên cạnh đó, Miyazaki có những điểm tương đồng với “người mắt cáo” và cha của nhân vật này là một Yakuza (mafia Nhật Bản) ở địa phương.
Nghi vấn được đăng tải rộng rãi trên truyền thông, nhưng cảnh sát sau đó buộc phải thả người do không có bằng chứng xác thực. Ẩn số về kẻ chủ mưu khủng bố các công ty bánh kẹo lớn trên nước Nhật tiếp tục không thể giải mã.
Tháng 8/1985, do tuyệt vọng vì vụ án đi vào bế tắc và sự giận dữ của truyền thông, ông Yamamoto - lãnh đạo cảnh sát quận Siga đã tự thiêu. Sau khi tin tức về vụ tự tử được lan truyền, “Quái vật” đã gửi một bức thư cuối cùng: “Cảnh sát quận Siga đã chết. Thật là ngu ngốc. Những gì mà cảnh sát đã làm trong suốt năm tháng qua là gì? Đây sẽ là một bài học cho các người. Chúng tôi quyết định sẽ không hành hạ các công ty thực phẩm nữa. Từ bây giờ, nếu có bất kì ai tống tiền các công ty thực phẩm, thì đó không phải là chúng tôi mà là kẻ giả mạo. Chúng tôi là những kẻ xấu, điều đó có nghĩa là chúng tôi có nhiều việc phải làm hơn là bắt nạt các công ty. Sống cuộc sống của kẻ xấu rất thú vị...”.
Đó là bức thư cuối cùng mà “Quái vật 21 mặt” gửi đến trước khi biến mất như chưa hề tồn tại. Vụ án khép lại và được nhớ đến như một sự việc gây lao tâm khổ tứ nhất trong lịch sử phá án của Nhật Bản. Suốt 17 tháng điều tra, hơn 1 triệu nhân lực đã được huy động, 12.000 nghi phạm bị đưa vào tầm ngắm... nhưng không có nổi một manh mối. Đến nay, đã hơn 35 năm trôi qua, tung tích “Quái vật 21 khuôn mặt” vẫn là một trong những bí ẩn lớn với cảnh sát Nhật nói riêng và dư luận thế giới nói chung.