Những ngày xa lắm rồi, vào mỗi dịp 20/11, lứa học trò chúng tôi thường tặng thầy cô giáo của mình bằng những món quà rất mộc mạc, giản dị và cũng hết sức đời thường. Đó là những chiếc nón lá, đôi dép, chiếc cặp tóc, quyển sổ ghi giáo án, thậm chí là những bông hoa dại đủ màu sắc mọc ven bờ rào quanh nhà. Nhưng nhiều năm trở lại đây, thay vì mua quà, phụ huynh và học sinh lại dùng phong bì để tặng thầy cô nhân ngày 20/11 hoặc các ngày lễ khác.
Để bắt nhịp với thời cuộc, nhiều giáo viên cũng coi việc nhận phong bì của phụ huynh là điều bình thường và không… từ chối. Tuy nhiên, việc nhận hay không nhận không xuất phát từ giá trị bên trong của chiếc phong bì mà chính từ cách trao tặng của mỗi phụ huynh, học sinh.
Giống như nhiều bậc phụ huynh khác, tôi cũng thường chọn phong bì để làm quà tặng các cô giáo của con mình như một lời cám ơn vì tất cả những điều tốt đẹp mà thầy cô đã dành cho các con. Chọn phong bì- đơn giản vì tôi nghĩ rằng nó vừa thực tế, lịch sự lại vừa tiện cho người sử dụng. Bởi nếu chọn các món quà khác, đôi khi người tặng sẽ mất không ít thời gian suy nghĩ, tìm tòi, lựa chọn và rồi người nhận không biết có thích hay không. Chỉ có điều, nhiều người đã “vô tư” đến mức vô tâm trong cách trao quà, khiến không ít thầy cô phải chạnh lòng đến rơi nước mắt.
Mẹ tôi xưa cũng là cô giáo, em gái tôi cũng đang là giáo viên một Trường tiểu học Quốc tế tại TP Hồ Chí Minh. Vậy nhưng đôi lúc tôi vẫn chưa hiểu hết giá trị cũng như ý nghĩa của việc trao và nhận quà và có tư tưởng nặng nề rằng, nếu không tặng quà cho cô thì chắc gì cô quan tâm đến con của mình?
Và rồi, trong một lần tâm sự với em gái, tôi buột miệng: “Chị hỏi thật, giữa học sinh tặng quà và học sinh không có quà thì em có phân biệt trong đối xử?”. Không cần một giây suy nghĩ, em trả lời tôi mà như hờn trách: “Chị hỏi lạ!? Nếu có tư tưởng ấy thì em đã không theo nghề của mẹ. Chúng em quý học sinh bởi học sinh đó chăm ngoan chứ không phải vì giá trị của món quà!”.
Cũng bởi nói đến chuyện tặng quà, tôi được em tâm sự về những cung bậc cảm xúc khó nói thành lời khi nhận phong bì từ tay phụ huynh. Hôm đó sắp đến ngày 20/11, dù trống đánh hết giờ nhưng em vẫn cố nán lại để giảng cho cả lớp bài toán khó. Khi nhìn ra ngoài, em thấy rất nhiều phụ huynh đang đứng chờ mình ở cửa lớp. Một phụ huynh với vẻ sốt ruột, không cần đợi cho lớp tan học, đã đi thẳng vào bàn của em, lôi từ túi quần ra một chiếc phong bì và nói là quà tặng cô giáo trước bao ánh mắt tò mò của trẻ thơ.
Quá bất ngờ và bị sốc trước cách tặng quà này, em đã từ chối. Nhưng càng từ chối bao nhiêu, vị phụ huynh này càng dúi món quà về phía em bấy nhiêu. Không muốn để các học trò của mình chứng kiến cảnh khó hiểu và không đẹp mắt, em đành phải nhận.
Phụ huynh quay gót bước đi, nước mắt em cứ thế rơi trên bục giảng, em không biết giải thích thế nào để các học sinh của mình hiểu được cô giáo của chúng nó vừa làm gì và tâm trạng của cô hiện ra sao.
Tan buổi học ấy, em gọi riêng học sinh (có phụ huynh vừa tặng quà) ở lại, em ghi vài lời cám ơn lên chiếc phong bì vừa nhận rồi nhờ học sinh mang về cho mẹ. Dù ngay hôm sau, mẹ của học sinh đó đã đến xin lỗi em nhưng đến tận bây giờ, em vẫn chưa hết day dứt…
Không giống trường hợp của em gái tôi, nhiều ông bố bà mẹ khi tặng quà cho thầy cô lại cố tình lôi kéo các con vào cuộc, họ công khai cho con biết rằng, họ đã tặng phong bì cho cô giáo rồi đấy, con hãy yên tâm mà học hành.
Lại có trường hợp cha mẹ đưa phong bì cho con trực tiếp đến tặng cô. Có thể tâm hồn non nớt của các con chưa hiểu hết ý nghĩa của món quà đem tặng nhưng chúng cũng có thể biết trong chiếc phong bì đó là cái gì. Chính điều này đã khiến các em có suy nghĩ về thầy cô không còn trong sáng nữa và cho rằng mọi thứ đều có thể được đánh đổi bằng tiền; thầy cô giáo cũng có thể mua chuộc được bằng phong bì.
Ừ, thì nhiều giáo viên đã coi việc nhận phong bì là chuyện bình thường, nhưng chúng ta hãy biết cách trao gửi một cách lịch sự và có văn hóa để các thầy cô bớt tủi thân và chạnh lòng. Cũng là chiếc phong bì nhưng khi trao hãy nên kẹp trong chiếc bưu thiếp, một tờ tạp chí Phụ nữ hoặc Thể thao (tùy theo giáo viên là nam hay nữ).
Khi trao quà cũng phải biết chọn thời điểm thích hợp để người nhận và người trao đều cảm thấy thoải mái. Tuyệt đối không được đưa phong bì cho thầy cô trước mặt con trẻ, điều này sẽ khiến trẻ nảy sinh những tâm lý và suy nghĩ lệch lạc về người thầy của mình.
Nhiều giáo viên từng tâm sự, không buồn sao được khi là nhà giáo mà đến ngày 20/11 lại không có phụ huynh, học sinh nào nhớ đến. Món quà có thể chỉ là chiếc khăn len, đôi găng tay cho lúc thời tiết chuyển mùa nhưng nó cũng trở thành những kỷ vật vô giá, bởi người tặng quà biết trân trọng tình cảm và thấu hiểu công sức của các thầy cô.
Tặng phong bì cho thầy cô- điều này không làm mất đi vẻ đẹp và giá trị của nghề “đưa đò”- đó chỉ là một thứ lễ nghĩa, một nét đẹp văn hóa trong một xã hội có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Khi việc tặng quà diễn ra một cách tế nhị và lịch sự thì món quà không chỉ tăng thêm ý nghĩa mà giáo viên cũng cảm thấy công lao của mình được ghi nhận, qua đó sẽ nâng cao giá trị nhân cách của người trao quà. /.