Nghề chọn người…
Đó là nghệ nhân Từ Thị Mến, sinh năm 1986. 30 tuổi đời nhưng Mến đã có 12 năm tuổi nghề theo đuổi dòng tranh đá quý. Nhắc lại những ngày đầu bỡ ngỡ bước vào nghề đặc biệt này, cô gái quê Thái Bình cho biết, thời điểm ấy cô mới tốt nghiệp cấp 3, còn chưa kịp định hướng mình sẽ làm gì thì người bạn hàng xóm rủ lên Hà Nội theo nghề làm tranh đá quý. Mặc dù không có năng khiếu hội họa nhưng cô vẫn… liều một phen lên Hà Nội.
Những ngày đầu vào nghề, với cô vẫn như một cơn ác mộng. Cô phải tập ngồi xổm cả ngày, phải tập để cơ chân không bị đau, để bàn chân chịu lực của cơ thể cả trong một ngày trời; rồi tập phân biệt các loại đá, tập cầm máng, cầm dao, tập tạo thành các đường thẳng, đường tròn trên một tấm foocmica.
Ban đầu học làm tranh phải quét đi quét lại cả tháng. Thậm chí, cô đã từng mất cả tháng trời chỉ để học cách tạo vòng tròn trên tấm foocmica. Rồi chuyện làm một bức tranh nhỏ mất cả tháng là chuyện bình thường. Cứ mỗi lần xong mỗi bức tranh lại ngồi ngắm xem cần chỉnh sửa gì để hoàn thiện bức thứ hai. Mỗi bức tranh nghệ nhân làm không giống nhau cũng chưa chắc bức sau đã đẹp, có hồn hơn bức trước.
Trong quá trình học nghề, Mến cũng được họa sĩ chỉ dạy nhưng chỉ những phần sáng tối, trung gian, còn phối màu thì cô phải tự học, tự luyện và làm nhiều để phát hiện ra được nhiều quy luật lạ trong nghề tranh đá.
Ví dụ như để làm da người cũng cần phải pha chút màu hồng. Cô cũng vẫn phải tự đi chọn đá, giã đá, đọc các màu trên các bức tranh để chuẩn bị nguyên liệu. Nhưng cũng nhiều khi đang làm thì thấy màu đá được chuẩn bị không ưng, cô lại bỏ đi làm lại.
Cô bảo, khó nhất trong mỗi bức tranh là tạo sáng tối vì phải quan sát rất lâu để nhận ra phải làm như thế nào cho ra chiều sâu vì bức tranh có những khối dày hơn bình thường, nếu không để ý hoặc đầu tư thì dễ hỏng. Sự kiên trì, nhẫn nại Mến có thừa nhưng có những khi ngắm những bức tranh mình vừa hoàn thành, cô có cảm giác không đẹp, không thấy ưng.
Rồi cả mùi keo cũng khiến cô khó chịu khiến cô nhiều lần chùn bước, chán nản, muốn bỏ việc. Nhưng như duyên níu kéo, “nghề chọn người”, cứ những lúc chán nản nhất, Mến lại cảm giác như mình vừa làm được một khối hình rất có hồn, khiến cô lại say mê tạo tác tranh.
Một bức tranh đá nức tiếng của Mến |
Cô gái với “bàn tay phù thủy”…
Lâu dần cô hoàn thiện tay nghề, có thể tung tẩy, vút vẩy cũng tạo thành được những đường nét, chi tiết sâu, có hồn với từng bức tranh mình làm. Bác Trần Đại Nghĩa, một chủ cửa hàng tranh cho biết: Mến là một trong những người làm tranh phong cảnh đẹp nhất hiện nay. Tất cả những tranh phong cảnh đẹp mà Mến làm đều được khách hàng ưng vì rất có hồn.
Bác Nghĩa cho biết thêm, đặc biệt để tạo thành những hồ nước, dòng nước từ bột đá không dễ chút nào, nhưng dưới “bàn tay phù thủy” của Mến, ai ngắm bức tranh cũng giật mình, bởi họ tưởng tượng đấy là dòng nước thật.
Hiện nay, nhiều người làm nghề tranh đá lắm nhưng để một bức tranh có hồn thì không dễ tìm. Thậm chí nhiều lần bác Nghĩa đã đổi thợ làm đều bị khách trả lại, bác lại phải tìm đến Từ Thị Mến để đặt tranh.
Mến chia sẻ, làm tranh đá là làm hoàn toàn bằng thủ công nên không có điều gì chắc chắn, có thể bức tranh sau sẽ không có hồn bằng bức tranh trước đó, thế nên nghệ nhân phải luôn luôn tập trung, cuốn hút vào từng bức tranh mình làm mới có thể khiến người khác mê đắm mỗi khi ngắm sản phẩm của mình.
Việc pha màu cũng là một bí quyết của những người làm tranh đá, bởi cũng có những trường hợp rõ ràng là màu hồng nhưng khi bấm keo vào lại chuyển màu đậm quá, khiến nó mất đi màu hồng như hình ảnh mẫu. Động tác nhỏ keo này khiến bức tranh biến đổi rất khó lường.
Đây cũng chính là điều khiến cô gái trẻ này lo lắng nhất. Bởi có những lúc chọn đúng màu đá rồi, nhưng sau khi nhỏ lên một lớp keo để gắn chặt chúng lại với nhau, bức tranh lên màu đậm hơn, có thể làm xấu, làm hỏng bức tranh. Nhẹ thì đục phần ấy ra làm lại, nặng thì phải bỏ cả bức tranh đi, tốn bao nhiêu công sức và nguyên liệu.
Có những thời điểm Mến phải làm cả ngày cả đêm để hoàn thành bức tranh theo đúng tiến độ đã được đặt. Nhưng cũng có lúc cô làm say sưa, quên cả ăn vì đang vào guồng, đúng lúc mê mẩn và thả hồn vào bức tranh nên muốn hoàn thành ngay tức khắc.
Cô bảo, bây giờ cách làm tranh đá đã được cải tiến rất nhiều. Trước đây, những ngày đầu tranh đá xuất hiện (khoảng năm 1998, nghề tranh đá bắt đầu xuất hiện tại các mỏ đá, mãi đến khoảng năm 2002 mới xuống đến Hà Nội) làm rất kỳ công. Người thợ phải dán toàn bộ băng dính lên tấm kính, tạo tác, cẩn tranh trên tấm kính ấy, sau đó mới gỡ toàn bộ băng dính, dán lên khung tranh khách hàng đã đặt.
Nghĩ lại “những ngày đầu lưu luyến ấy”, cô gái trẻ Từ Thị Mến vẫn cảm giác như mới ngày hôm qua. Bởi nghề làm tranh đá vẫn phải học hàng ngày. Dù bây giờ cô được giới chơi tranh đá coi như người số 1 trong nghề làm tranh phong cảnh nhưng không vì thế mà cô lơ là. Trước mỗi bức tranh Mến vẫn phải quan sát, thả hồn vào để tìm ra những điểm nhấn quan trọng nhất, để tạo ra một bức tranh đá sống động nhất...