Hoàng Anh Sướng là một người đặc biệt. Đặc biệt bởi các cụ vẫn nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Hoàng Anh Sướng có hơn một nghề để theo đuổi và nghề nào cũng thấy anh làm “chín”. Nghề báo là nghề đầu tiên anh lựa chọn. Nghề này đã mang lại cho anh những cơ hội trải nghiệm ít người có được.
Những chuyến theo các nhà ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ trong các cánh rừng sâu cả tháng trời. Những phóng sự huyễn hoặc về tâm linh mà đến thời điểm này nhắc đến cái tên Hoàng Anh Sướng là bạn đọc nghĩ ngay đến hàng trăm tác phẩm đã đăng trên tạp chí “Thế giới mới” cách đây cả 2 thập kỷ, là sự bắt đầu cho những bài viết về ngoại cảm trên báo chí sau này.
Nghiệp trà đến với anh tự nhiên như định mệnh của cuộc đời. Chỉ bắt đầu từ những lời tâm sự, những sẻ chia của cha anh, cố nghệ nhân trà Trường Xuân mà anh… trót hứa “con sẽ tiếp tục nghiệp trà của bố”. Anh kể lại, nhiều lần cùng ăn cơm với cha, thấy ông trằn trọc, suy tư, thậm chí còn buồn đau khi phải dừng nghiệp trà đã gắn bó với gia đình 5-6 đời, từ sự đồng cảm với người cha của mình, từ tình yêu với ông, anh đã hứa sẽ nối tiếp nghiệp trà của bố.
Anh còn quả quyết “đời con không làm được thì con sẽ hướng để đời sau sẽ làm”. Nghe Sướng kể đến đây, tôi lại nhớ đến cuộc chuyện trò với nghệ nhân trà Trường Xuân cách đây gần chục năm.
Anh cho rằng, không nên nghĩ trà đạo là cái gì đó quá cao siêu, đó thực chất là đạo tu thân dưỡng tính và khao khát sự giao hòa. Đến khi chính thức gắn bó với nghiệp trà anh mới hiểu tại sao trà là đạo và tại sao ngày xưa các cụ thường uống trà vào lúc sáng tinh mơ. Bởi thời điểm ấy không khí trong lành. Bởi sự giao hòa giữa đất trời và con người. Và đó là lúc chỉ có một mình, độc ẩm với tách trà.
Đó là lúc con người tĩnh tâm nhất để đối diện với bản thân mình, để lắng nghe cơ thể mình, để lục lại những dâu bể đời người, để nhớ đến những đối xử sai trái với người bạn đời, với bạn nghề và những người xung quanh. Sau mỗi tuần trà độc ẩm, con người như nhẹ hơn, mọi thị phi đời sống dường như đã lùi đâu đó…
Sau độc ẩm, mọi người lại có đối ấm và quần ẩm để cùng nhau thưởng ngoạn vị trà, cùng bàn về những sự việc xảy ra xung quanh và đúc rút những kinh nghiệm sống. Lúc này, mọi người lại cùng nhau soi rọi cuộc sống, vun đắp chặt hơn tình anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Mỗi câu chuyện xoay quanh ấm trà đều nhẹ nhàng, dung dị như khung cảnh êm đềm trong Hiên trà Trường Xuân.
Ướp trà sen tại hiên trà Trường Xuân. |
Anh kể, thuở nhỏ, vào những dịp hầu trà các bậc thúc bá trong gia đình, anh vẫn thường nghe các cụ bảo: “Trà là một nghệ thuật lớn”. Khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm, ươm bật thành lộc non, lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế, để có được một ấm trà ngon ngồi pha mà nhâm nhi thưởng thức, đó là cả một hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến được cái chân nghệ thuật.
Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất. Có lẽ vì ngấm trà từ thuở thiếu thời mà anh đã có một cuộc sống với trà thực sự hài hòa, viên mãn.
Cuộc gặp gỡ với thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là một nhân duyên định mệnh với Hoàng Anh Sướng. |
Đó không biết có phải là duyên, là nghiệp của Hoàng Anh Sướng không nhưng chúng tôi cảm nhận được anh đang thưởng thức cuộc sống mỗi ngày. Mỗi người anh gặp anh đều học hỏi được điều gì đó. Mỗi việc anh làm đều hướng đến điều tốt đẹp của cuộc sống này.
Anh bảo, mọi thứ diễn ra trong cuộc đời anh giống như một con đường đã dành sẵn để anh bước đi. Và khi anh đã nhận ra sứ mệnh của mình thì anh cứ thênh thang bước. Để mỗi ngày anh lại nở nụ cười chào đón bạn bè, chào đón độc giả, để kể cho họ nghe những câu chuyện cuộc sống nhẹ nhàng mà thâm thúy, để mỗi người cảm thấy yêu hơn cuộc sống này…