Căn nhà ông Sơn tuềnh toàng nằm tận cùng con ngõ nhỏ cuối làng. Hiện ông đang sống với người vợ cả Nguyễn Thị Khải (70 tuổi). Đồng thời một người vợ nữa của ông là bà Lê Thị Ngãi (65 tuổi) ở ngay căn nhà bên cạnh.
Ông mù nhiều vợ?
Khách ngồi một lúc, thấy ông lão 70 tuổi đạp xe trở về nhà. Nằm nghỉ một lát, ông kể: “Năm 19 tuổi,đang làm công nhân đường sắt, lúc về phép bố mẹ ép tôi lấy cô gái cùng làng tôi không yêu. Cưới nhau một thời gian ngắn, tôi bỏ vợ rồi lên công ty ở.
Một năm sau tôi gặp bà Nguyễn Thị Lan lúc đó mới 15 tuổi, người xinh đẹp, có học thức. Đến giờ tôi cũng chẳng thể lý giải tại sao bà ấy lại chịu lấy tôi làm chồng. Sống với nhau một thời gian không hợp, bà ấy mang con về nhà mẹ đẻ, còn tôi trở về nhà sống với bà vợ cả”.
Ông lão cho hay sau đó một lần vô tình gặp một phụ nữ trên chuyến tàu chợ. Người phụ nữ quê xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, góa chồng. Rồi đến năm 1973 ông gặp một phụ nữ quê Bình Định ở ga Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh), sống chung với nhau hai năm, có với nhau một con gái rồi ông bà đường ai nấy đi.
Người vợ thứ năm, thứ sáu của ông ở cùng ở huyện Mê Linh bị chất độc da cam, ốm đau liên tục. Người vợ thứ bảy là người hiện sống cạnh nhà ông, quê ở xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, từ nhỏ bị bom đánh cụt mất cánh tay trái.
Bà thứ tám kém ông chín tuổi, là người nổi tiếng dịu dàng phúc hậu nhưng lại mắc chứng bệnh hen. Bà thứ chín, thứ 10 đều ở Mê Linh, đều bị chất độc da cam.
Ông Sơn tâm sự: “Cuộc đời tôi như vướng phải nợ tình, gặp ai có hoàn cảnh nghèo khó, tàn tật, số phậm hẩm hiu mình lại thấy thương yêu. Tôi dẫn các bà ấy về nhà làm mâm cơm lễ gia tiên coi như xong, sống không hợp lại chia tay.
Tổng cộng tôi có 10 vợ và 24 con, 40 cháu. Dù nhiều bà chớp nhoáng đến rồi đi nhưng hôm nào nhà có kỵ giỗ, lễ tết, vợ con tôi đều tới tập trung đông đủ”.
Bà Ngãi cho biết: “Chồng tôi không hề uống bia rượu, ăn nhiều nên sức khỏe tốt lắm, 70 tuổi mà khỏe như thanh niên. Miệng nói chuyện có duyên, nói câu nào như rót mật vào tai câu đó, chuyện gì ông cũng biết cũng nói được. Chuyện lịch sử, chính trị ông phân tích nghe hay lắm. Rồi thơ thì ông đọc vanh vách dù không biết chữ, văn nghệ hát cực siêu”.
Theo ông Sơn, bố mẹ ông đều là nông dân nghèo, từ năm lên hai tuổi do bị sởi nên ông không nhìn thấy được, cũng chưa hề được đến bệnh viện khám điều trị. Theo quan sát, ông Sơn vẫn tự ăn cơm, rửa tay, nghe điện thoại, đi lại trong nhà bình thường, còn đạp xe nhoay nhoáy.
Theo ông Sơn, chuyện ông đạp xe bắt đầu từ khi con ông ốm phải đi cấp cứu. Ông kể lại: “Hôm đó vợ chồng tôi bế con lên bệnh viện, đến nơi thì kiệt sức. Sau đó tôi mua chiếc xe đạp rồi lấy hai sọt tre để ở phía sau cho thăng bằng.
Do không thấy đường nên lúc tập tôi ngã lên ngã xuống, đau ê ẩm hết mình mẩy. Một thời gian sau thì quen. Giờ đã 70 tuổi nhưng tôi vẫn đạp xe đi giữa đường. Những con đường tôi đi qua chỉ cần đi một lần là tôi nhớ từng ổ gà, từng khúc cua. Nghe tiếng, tôi biết xe máy hay ô tô nên biết cách để né tránh. Gần 40 năm đạp xe tôi chưa hề bị lạc đường lần nào”.
Ông lão còn cho rằng năm 14 tuổi đã đi buôn trâu rồi làm đủ nghề. Hiện dù đã 70 tuổi nhưng hằng ngày ông vẫn buôn xe đạp, đài, tủ gỗ cũ. Từ trước đến nay ông cho rằng chưa bị ai lừa bao giờ, chỉ cần sờ vào là ông biết xe tốt xấu, còn đài thì nghe tiếng là ông biết xuất xứ từ nước nào. Nhờ buôn bán, ông đủ tiền tự nuôi bản thân, chữa bệnh viêm phổi mãn tính, cũng như nuôi người vợ cả đang sống cùng nhà.
Địa phương hoài nghi
Khoan bàn về chuyện ông Sơn có mù hay không, nhưng phản bác chuyện bố “nổ” có tới 10 vợ 24 con, con trai ông Sơn là anh Nguyễn Văn Nguyên (35 tuổi) bộc bạch:
“Tôi là con của bà cả. Chúng tôi có năm anh chị em cùng cha cùng mẹ đều học chưa hết cấp Một, giờ sống nghèo khổ cả. Hiện tôi sống cùng bố, thuộc diện hộ cận nghèo. Tôi còn có một cậu em trai cùng cha khác mẹ (con bà Ngãi) ở cạnh nhà, hai anh em chúng tôi rất đoàn kết thương yêu nhau.
Ngoài ra cũng lâu lắm rồi có một người tới nhận bố tôi là bố nhưng giờ không còn liên lạc nữa. Kỵ giỗ có ai khác ngoài mẹ tôi với bà Ngãi. Do đó chuyện bố tôi có 10 vợ, 24 đứa con, theo tôi , ông “nổ” thêm, chứ có thì tôi đã biết rồi”.
Nói tiếp đến chuyện ông Sơn có khiếm thị hay không, một số hàng xóm cho rằng ông lão có thể nhìn thấy được, vấn đề là thị lực bao nhiêu, chứ không mù hẳn. Do ông có mái tóc dài, không gọn gàng, ngoài ra đi lại chậm chạp nên ông từng có biệt danh là “Sơn rù” chứ không hề có tên “Sơn mù”.
Để kiểm tra khả năng nhìn thấy của ông Sơn, trong lúc ông đạp xe bon bon trên đường, PV bất ngờ đứng trước mặt ông để ghi hình. Ông lão liền xuống xe, dắt bộ tránh người một cách cẩn thận.
Trao đổi với PL&TĐ, ông Ngô Văn Súy (Chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông) cho biết: “Vấn đề ông Sơn bị mù thật hay không thì chắc phải cần nhờ đến các bác sĩ mới kết luận được, nhưng cá nhân tôi nghĩ ông chỉ bị mờ mắt mà thôi.
Ông Sơn cũng không tham gia hoạt động gì ở Hội người mù của địa phương hay của huyện. Hiện ông chỉ có đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị Khải (70 tuổi), ngoài ra ông có qua lại với bà Lê Thị Ngãi (65 tuổi), tôi có biết nhưng họ già rồi lại không có bằng chứng gì để nói họ chung sống với nhau nên chính quyền không can thiệp”.
Vị Chủ tịch thị trấn nói tiếp: “Nếu có nhiều “vợ” thật thì ông ấy cũng chỉ cưới “chui” không ai biết. Trước đây, một số báo viết ông có đến 10 vợ, đó là do ông ta tự khai thôi, cần phải xác minh chứ. Thông tin đó khiến rất nhiều người dân ở địa phương cho rằng ông Sơn “nổ”, thậm chí Ban Tuyên giáo huyện Mê Linh cũng phải về thị trấn để tìm hiểu sự việc này”.
Đồng quan điểm với vị Chủ tịch, ông Lưu Văn Chí (Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa Xã hội) tiếp lời: “Tôi là họ hàng với vợ ông Sơn nên rất nhiều lần gặp. Ông Sơn không thể mù được. Người mù đi bộ còn phải có người dắt đi, thế mà ông Sơn có thể đạp xe đi giữa đường thì làm sao mà mù?”./.