Ông lão mù bán bánh dạo nuôi vợ bệnh tật

Ông Quang hơn chục năm dò dẫm bán bánh giữa ngã tư đường.
Ông Quang hơn chục năm dò dẫm bán bánh giữa ngã tư đường.
(PLO) - Ông lão mù chiều chiều bán bánh dạo ở ngã tư Nguyễn Tri Phương giao đường 3/2 (quận 10, TP.HCM) đã hàng chục năm. Có căn nhà xập xệ cũng phải bán đi trả nợ. Trở thành khách trọ trong chính nhà mình, vợ chồng ông và người con trai thất học lặng lẽ sống. Tài sản quý nhất là bếp lò làm bánh đã cũ, chủ nhân đã già, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.
Mỗi chiều qua ngã tư Nguyễn Tri Phương giao đường 3/2, người đi đường lại bắt gặp ông lão mù Trương Minh Quang (SN 1948, ngụ 322/21/29 đường Minh Phụng, quận 11) với chiếc dù cũ kỹ che mưa nắng. Ông Quang mò mẫm bán từng chiếc bánh thửng do vợ ông làm. Người tốt bụng mua vài cái còn thương tình cho thêm ít đồng. Kẻ xấu lại giật mất tiền khiến ông thất thểu trở về với cái túi rỗng.
Trong căn nhà ọp ẹp, ông Quang thở dài: “Cha mẹ đặt cái tên với muôn ngàn ánh sáng nhưng tôi phải chịu cảnh tối tăm đến suốt đời. Tôi sinh ra ở Mỹ Tho (Tiền Giang), nhà nghèo lắm. Năm chín tuổi, tôi mắc bệnh thủy đậu khiến đôi mắt tự nhiên mờ dần và mù hẳn.Cuộc sống bị đảo lộn, tôi chỉ dám ở nhà, quanh quẩn góc vườn, mảnh sân. Đi ra ngoài sợ chúng bạn trêu chọc. Mỗi ngày trôi qua là một cực hình đối với tôi”.
Năm 12 tuổi, ông được cha mẹ chạy vạy cho lên Sài Gòn học trường dành cho người mù. “Tám năm học ở Sài Gòn tôi mới tìm lại được cuộc sống, nhận ra nhiều số phận khác giống như mình hoặc bất hạnh hơn cả mình. Họ có đủ nghị lực vượt qua, tại sao mình không làm được điều đó. Tôi lao vào học tập và tìm lại được tiếng cười từ chúng bạn cùng cảnh ngộ”, ông nói. 
Trở về Tiền Giang khi 20 tuổi, ông muốn được đi làm nuôi bản thân nhưng chiến tranh loạn lạc, gia đình không muốn ông mò mẫm mạo hiểm nên ngăn cản. “Nhà nghèo thật nhưng cha mẹ thương tôi phận đời hẩm hiu nên cương quyết không cho đi làm. Vậy nên suốt ngày tôi lại phải ở trong nhà”, ông kể. 
Sau chục năm buồn chán vì không được đi đâu, ông cương quyết lên Sài Gòn bán vé số kiếm sống. Mối duyên với người vợ là bà Nguyễn Thị Kiu (SN 1947) cũng bắt nguồn từ đây. Vợ ông lúc ấy bán bánh thửng dạo. Thấy người con trai mù hiền lành, nói năng hoạt bát và thường ngồi khóc một mình khi bị kẻ xấu lừa lấy vé số, bà hay giúp ông những việc nhỏ như sang đường, trả tiền... Tình yêu đến, dù ông không dám ngỏ lời nhưng bà Kiu đã vượt lên tiếng cười chê của người đời để đến với ông, nên vợ nên chồng.
Vợ chồng ông dọn về căn nhà do cha mẹ bà Kiu để lại. Căn nhà 30 năm qua chưa sửa chữa, ọp ẹp những tấm ván gỗ, hiện tại cũng không còn của vợ chồng ông. Sau khi bán nhà trả nợ, ông bà phải thuê lại của người chủ mới.
Bà Kiu chuẩn bị bánh thửng để chồng đi bán.
 Bà Kiu chuẩn bị bánh thửng để chồng đi bán.
Hai con trai lần lượt ra đời. Ông Quang bán vé số, bà Kiu bán bánh thửng nhưng chỉ đủ ăn. Hai con không được đến trường, không biết lấy một chữ để ký tên mình. “Thân tôi mù lòa, đâu có phân biệt được kẻ xấu, người tốt, thi thoảng bị người ta giật hết vé số hoặc mua bằng tiền giả. Được mấy tháng, vốn cụt, nợ nần chồng chất như trái núi, tôi phải nghỉ việc. Mọi sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào cái thúng bái thửng của vợ”, ông kể.
Năm 1997, bà Kiu bệnh nặng không đi lại được. Ông Quang không thể ở nhà mãi nên thay vợ đi bán bánh thửng. Hằng ngày, ông chống gậy và bê thúng bánh lọ mọ khắp các tuyến đường quận 10, quận 11. Đôi lúc vấp té, đổ ngã, bánh lăn khắp đường. Nhiều người thương tình đưa ông vào chợ cho ngồi bán ké nhưng bảo vệ đuổi. Ra đường thì lực lượng đô thị lại “đuổi” vào chợ. Đường cùng, ông ngồi liều ở ngã tư Nguyễn Tri Phương giao với 3/2 quận 10. Như thế đã gần chục năm.
Nỗi đau ập đến khi người con trái lớn đang đi làm bỗng dưng kêu nhức đầu, 22 ngày sau thì qua đời do viêm màng não. Vợ chồng ông Quang suy sụp hoàn toàn. Ông tâm sự: “Đi bán, người ta giật tiền, người ta ăn quỵt, tôi không trách người ta, tôi trách phận mình. Nhưng khi con mất, nước mắt tôi không còn chảy được nữa. Đôi lúc, tôi nghĩ chết đi cho khỏe vợ con. Nhưng lại nghĩ mình chết lấy ai đi bán bánh cho vợ. Bà ấy bị bệnh tiểu đường, suy tim, chỉ quanh quẩn ở nhà, đến giờ thì xoay bột, nặn bánh, làm bánh để tôi đi bán”.
Bà Kiu đang làm bánh nói thêm: “Con người ta có duyên có số hết cả. Ai cũng bảo tôi điên mới lấy kẻ tật nguyền mà giờ khổ sở, cùng cực. Nhưng tôi thà lấy một người chồng nghèo, tật nguyền mà hiền lành, thật thà hơn là một kẻ lành lặn, rượu chè. Vợ chồng tôi thế này chứ hạnh phúc lắm, không bao giờ cãi nhau”.
Mỗi cái bánh ông bán 8.000 đồng. Một ngày bán được khoảng 20 chiếc, trừ chi phí còn lời khoảng 80.000 đồng. Ông bỏ một ít vào heo đất dành để vợ đi chữa bệnh, hoặc lỡ ông chết, bà Kiu cũng có cái mà tiêu xài.
“Để dành được vài triệu là tôi đập ra, lấy tiền dúi vào tay bả, bảo đi mua thuốc mà uống. Không lẽ nằm nhà chịu đau hoài sao được. Còn phần tôi, trời còn thương, mất đi đôi mắt nhưng ít đau ốm lắm, quanh năm không cần thuốc”, ông cười. Người con trai còn lại của ông do thất học nên chỉ đi giúp việc nhà hoặc bốc vác ngoài chợ. Hơn 30 tuổi anh vẫn cô đơn, không ai dám yêu vì nghèo quá. 
Đồng hồ điểm 14h, ông Quang lại lọ mọ bê thùng bánh đi bán, lặng lẽ dò đường tiếp tục mưu sinh.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.