Cả đời đắm đuối với cồng chiêng đất Mường Chăm

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực trong bảo tàng cồng chiêng của gia đình.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực trong bảo tàng cồng chiêng của gia đình.
(PLO) - Một đêm đầu đông, bên ánh lửa bập bùng của miền sơn cước, tiếng chiêng của người Mường vẫn ngân vang như từ miền xa thẳm. Nhưng để tiếng chiêng ấy quay trở về đúng nơi nó sinh ra, ông đã phải bán hết cả trâu, bò, gà, lợn. Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, tổ 14, phường Thái Bình, TP Hòa Bình. 

Một đời níu giữ hồn cồng chiêng chợ Rậm, bến Bờ
Lớn lên trên vùng đất Mường Chăm và bây giờ là tổ 14, phường Thái Bình, tỉnh Hòa Bình, nghệ nhân Nguyễn Văn Thực đã ở tuổi xưa nay hiếm, vẫn còn lưu giữ ký ức của thuở thiếu thời. Chợ Rậm, bến Bờ là thành ngữ chỉ địa danh nổi tiếng xưa kia của vùng đất này. Chợ Rậm họp mỗi tháng họp vào ngày 1, 3, 7 nên trước phiên chợ chính có phiên chợ đón. Nhà gần chợ nên cứ đến phiên chợ đón, nhà ông lại tấp nập người ra vào. Còn bến Bờ chính là bến thuyền nằm trên dòng sông Đà những dịp đón vua quan từ đất kinh kỳ thiên lý lên miền sơn cước. Cũng chính từ bến Bờ mà tài năng của cậu bé Nguyễn Văn Thực được thể hiện.
 Ông bắt đầu học đánh cồng chiêng, hát dân ca, kéo nhị, thổi sáo, đánh đàn từ khi 12 tuổi. Lúc đó, cậu học trò thường theo người cô ruột là bà Nguyễn Thị Tợng tham gia sinh hoạt đội văn nghệ của xã. Đến năm 17 tuổi, chàng thanh niên xứ Mường đã đi biểu diễn nhiều tiết mục cồng chiêng ở khắp nơi như: Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động… Nói về những ngày đầu tham gia tập luyện, ông Thực tâm sự: “Ban đầu tập chơi cồng chiêng chỉ nhằm giải trí, thỏa mãn tò mò. Ai ngờ càng tập càng say, cồng chiêng như ngấm vào máu. Tiếng chiêng cứ như giục giã thôi thúc bản thân tôi, mỗi khi có buổi biểu diễn văn nghệ là tôi chẳng thể bỏ được”.
Tiếng chiêng như ăn vào máu thịt chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thực. Chính vì vậy, một bộ có 12 chiêng nhưng khi biễu diễn ở dưới thuyền trên sông, chim trên rừng nghe thấy nên hót theo, do đó, ông thêm một cái chiêng thứ 13 để họa tiếng chim. 

Trong suốt những năm chiến tranh, tiếng cồng chiêng từ đội văn công do ông thành lập đã luôn ngân nga, cổ vũ chiến sỹ ta chiến đấu. Những năm 1990, khi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường rơi vào cảnh khó khăn, người ta phải mang cả chiêng đem bán với giá rẻ, ông vẫn nhất quyết giữ lại những chiếc chiêng cổ của gia tộc. 

Sau này, khi cuộc sống bớt gian khó, bao nhiêu vốn liếng dành dụm từ những ngày lao động cực nhọc, tiền thu được từ chăn nuôi, chăm sóc vườn tược, ông dồn hết cho việc sưu tầm chiêng. Khắp vùng Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động, rồi đến Thanh Hóa, Sơn La, nơi nào có chiêng cổ là nơi đó có bước chân ông tới tìm. Không phải lần nào ông cũng thành công. Có những lần lặn lội đường xa đi tìm mua chiêng cổ, đến nơi thì người ta không bán nữa. Ông kể những lần ấy dù thấy mệt, mất công, mất sức thật nhưng ông vẫn vui vì hóa ra vẫn còn nhiều người Mường muốn lưu giữ văn hóa của tổ tiên mình. 

Trong bộ cồng, chiêng có tới 17 chiếc của mình, ông Thực bảo quý, hiếm nhất là chiếc chiêng Khầm. Đó là loại chiêng chỉ cần xoa tay lên là đã nghe thấy tiếng vang. Cùng với các loại nhạc cụ khác, cồng chiêng là nhạc cụ chủ đạo trong biểu diễn văn nghệ nên ông rất nâng niu thứ nhạc cụ này. Rồi ông lại nhớ đến một chiếc chiêng Khầm khác đã làm ông mê mẩn và tiếc nuối mãi. 

Chuyện là trong lễ hội mừng Hòa Bình lên thành phố năm 2006, giữa âm thanh của “rừng” chiêng 500 chiếc, ông phát hiện có một chiếc chiêng phát ra âm thanh lạ. Đó là chiếc chiêng Khầm thứ hai ông được thấy trong đời, sau chiếc chiêng Khầm của gia đình ông. Ông ngỏ ý mua lại, song chủ nhân chiếc chiêng ấy không bán. Sau này ông nghe tin, do bất cẩn, chiếc chiêng nọ đã bị chủ nhân làm vỡ. Dù không phải của mình nhưng ông vẫn tiếc lắm...

Quay trở lại những ngày đầu, khi ông vì quá tiếc, quá nhớ nhung tiếng bung - beng như tiếng gọi của núi rừng mà mang chiêng ra gõ khi cuộc sống đã có quá nhiều đổi thay, thế hệ trẻ từ lâu không còn thấy bóng dáng của chiếc chiêng và cũng chưa từng được nghe tiếng bung - beng của nó. Năm 1994, khi cô con gái đầu lấy chồng, ông Thực đã mang chiêng ra đánh. Ban đầu người làng còn e dè, nhưng sau thấy hay nên nhà ai gả con cũng nhờ ông đánh chiêng. Từ đó, tiếng chiêng có cơ hội được quay lại với cộng đồng, nơi nó đã được sinh ra. 

Đội văn nghệ “Hương rừng Tây Bắc” biểu diễn tại ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” dịp tết Ất Mùi 2015.
Đội văn nghệ “Hương rừng Tây Bắc” biểu diễn tại ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” dịp tết Ất Mùi 2015. 

Ngân mãi điệu bung-beng

Con gái thứ ba của ông Thực đồng thời là đội trưởng đội cồng chiêng “Hương rừng Tây Bắc” - chị Nguyễn Thị Bịnh cho hay, cồng chiêng kén người tập, người diễn. Nó không giống như nhạc cụ khác chỉ cần một người là có thể biểu diễn được. Để tạo ra giai điệu cồng chiêng, ngoài 6 nốt chính do những người già dặn và có kinh nghiệm đánh còn cần thêm những diễn viên thể hiện chiêng Khầm. Cứ như vậy, tiếng này dồn tiếng kia, người này hiểu người kia thì mới tạo ra được giai điệu cồng chiêng có hồn. “Tình yêu cồng chiêng của tôi được cha truyền từ nhỏ, nay lại được truyền tiếp cho cô con gái tôi là Nguyễn Thị Thoa. Niềm vui lớn nhất là tối đến cả nhà quây quần bên những giai điệu cồng chiêng ngân nga bung… beng” - chị Bịnh tâm sự.
Hiện nay, đội cồng chiêng “Hương rừng Tây Bắc” có 24 thành viên (5 nam, 19 nữ), bao gồm cả nhạc công, diễn viên. Đội văn nghệ vẫn luôn tự hào vì thế hệ diễn viên trẻ có lòng đam mê, yêu thích cồng chiêng từ khi còn nhỏ và tham gia lưu diễn nhiều nơi như Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định… “Hương rừng Tây Bắc” đã được đánh giá cao, giành được nhiều Huy chương Vàng trong những chương trình biểu diễn cồng chiêng lớn trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện đội cồng chiêng mỗi năm chỉ được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí ít ỏi, còn lại những thành viên của đội chủ yếu bởi say mê điệu cồng chiêng mà hết mình với nó...
Trong số 24 thành viên của đội, có 10 người là con gái, con rể và cháu ông Thực. Ngoài “truyền nghề” cho con, cho cháu, ông Thực còn dạy cho trẻ trong làng. “Nếu chú tâm học, chỉ 1 tháng là có thể đánh chiêng được. Cái khó của chiêng là không có nốt nhạc. Tiếng nào đến ai thì người đó đánh. Giống như bản hợp xướng, muốn đánh được một bài, người trong đội đôi khi phải hội ý với nhau cả tháng” - ông Thực chia sẻ.  
Ông cũng là người chơi thuần thục 9 bài chiêng cổ cũng như các bài chiêng mới. Ông đã sưu tầm được dàn chiêng đủ 12 chiếc, trong đó có nhiều chiếc chiêng cổ. Ngoài ra, ông còn có tài làm nhạc cụ, nhà xe, nhà táng cho lễ tang cổ truyền của người Mường và các đồ mỹ nghệ trang trí nội thất gia đình.
Mong muốn của ông là khắp các bản của người Mường mọi người đều biết đánh chiêng và nhớ đến tiếng chiêng của cha ông mình. Chính vì vậy, không chỉ truyền dạy cho các thế hệ trẻ trong thôn, bản mà ông còn đi khắp các xã để dạy. Và  niềm say mê của ông được đền đáp khi các bạn trẻ khá hào hứng với điệu cồng chiêng từ bao đời của cha ông. 
Dù bước chân đã chậm hơn xưa, nhưng ông Thực vẫn là thành viên không thể thiếu trong đội chiêng “Hương rừng Tây Bắc”. Ngoài những buổi đi biểu diễn, ông trở về với công việc hàng ngày là làm cung, làm sáo bán lưu niệm. Công việc không mang lại nhiều thu nhập nhưng đó là niềm vui. Với ông, tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn mãi ngân nga, là tiếng của tình yêu, của núi rừng, của dân tộc. 
 Bởi với người Mường ở Hoà Bình cũng như ở nhiều vùng khác, cồng chiêng chẳng giản đơn chỉ là thứ nhạc khí dân tộc mà còn là thanh âm quan trọng nhất, linh thiêng nhất trong sinh hoạt văn hoá. Cồng chiêng theo những phường xắc bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mỗi nhà; cồng chiêng chúc phúc cho những đôi uyên ương trong ngày cưới; cồng chiêng thành khẩn tiễn biệt những linh hồn từ xứ Mường người về xứ Mường ma; cồng chiêng thúc giục những bước chân đi trảy hội xuống đồng, gọi nhà nhà tới chia vui cơm mới, xua tan những điềm dữ trong cuộc sống và mang về những ước nguyện ấm no… Cứ thế, cồng chiêng đã được truyền qua nhiều thế hệ, trở thành vật báu gia đình... 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.