Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ dự án “Quyền phụ nữa: Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và thúc đẩy phụ nữ tham chính” do Cơ quan Viện trợ Ailen và ActionAid Việt Nam đồng tài trợ, được thực hiện ở nhiều địa phương tại Việt Nam nhằm tập trung vào phân tích vai trò và đóng góp của phụ nữ trong các công việc chăm sóc không lương (CVCSKL).
Theo kết quả ban đầu của nghiên cứu được giới thiệu hôm nay, ở Việt Nam, phụ nữ trung bình dành hơn 5 giờ đồng hồ mỗi ngày cho việc “không tên “ như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con,... nhiều hơn nam giới từ 2 tới 2,5 giờ đồng hồ mỗi ngày. Những công việc này tiêu tốn thời gian, thường xuyên lặp lại và đôi khi là những lao động nặng nhọc, khiến nhiều phụ nữ phải hy sinh nhiều quyền lợi khác của mình. Trong khi đó, CVCSKL thường không nhận được nhiều sự chú ý và tôn trọng của các thành viên gia đình, cộng đồng và ngay cả của chính bản thân người phụ nữ.
“Bất bình đẳng giới chính là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra nghèo đói và bất công. Trong khi hơn 67% người nghèo trên toàn thế giới là phụ nữ, nếu CVCSKL không được chia sẻ và công nhận, ngày càng nhiều phụ nữ sẽ lâm vào nghèo đói do có ít (không có) thời gian để chăm sóc bản thân, đi làm được trả lương hay học tập để mở mang kiến thức. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân phụ nữ mà còn là cả những thế hệ sau. Nếu muốn giải quyết bất bình đẳng, cần bắt đầu ngay từ trong gia đình” - bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam chia sẻ.
Tại Việt Nam, nếu dựa vào ước tính dân số nữ Việt Nam khoảng 44 triệu người (Nielsen, 2013) thì trong đó có khoảng 22 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động. Làm một phép nhân đơn giản với 5 giờ họ dành mỗi ngày cho CVCSKL (22 triệu x 5h/ngày), có được trên 110 triệu giờ phụ nữ trong độ tuổi lao động tại Việt Nam phải bỏ ra trong ngày để làm công việc này (tương đương với trên 13 triệu ngày làm việc). Nếu CVCSKL có thể tính bằng công lao động giá trị từ 100.000 VND tới 150.000 VND/ngày thì rõ ràng đây là con số không hề nhỏ. Năm 2015, CVCSKL ước tính đóng góp hơn 20% trong tổng GDP của Việt Nam (tương đương khoảng 41 tỷ USD ).
Từ việc khẳng định vai trò thiết yếu của người phụ nữ trong việc đóng góp cho nền kinh tế, nghiên cứ đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét việc đưa giá trị của CVCSKL thành một chỉ số cho việc tính toán GDP.
“Khi những đóng góp của phụ nữ Việt Nam được ghi nhận rõ ràng, xã sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ hơn về quyền bình đẳng giữa nam giới và nữ giới và tất yếu sẽ dẫn tới sự phân công và san sẻ các công việc không lương một cách hài hòa, hợp lý. Đây là một cách thức thiết thực để cải thiện thực trạng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ” – ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH cho biết.