Hoàn cảnh thương tâm của hai vợ chồng mù nơi phố núi

Vợ chồng khiếm thị cụ Sinh – chị Thanh.
Vợ chồng khiếm thị cụ Sinh – chị Thanh.
(PLO) - Căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm trên đỉnh dốc đường Thanh Sơn, phường Sông Hiến, TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) là tổ ấm của gia đình cụ Triệu Văn Sinh (80 tuổi) và vợ là chị Hoàng Thị Thanh (40 tuổi, người dân tộc Nùng, cùng bị mù lòa) và 4 đứa con của họ. Định mệnh đã khiến đôi vợ chồng mù chung lưng đấu cật, cùng hi vọng vào tương lai của đàn con.

Rất may là mặc dù cha mẹ đều khiếm thị nhưng cả 4 người con của họ đều lành lặn. Mặc dù hầu hết các cháu đều còn nhỏ tuổi nhưng với hoàn cảnh nghèo khổ từ bé nên đã sớm biết lo liệu. Tuy nhiên, các cháu chỉ có thể làm những việc vặt trong nhà chứ chưa kiếm ra tiền. Cả gia đình 6 nhân khẩu đều sống dựa vào khoản 1,2 triệu đồng tiền trợ cấp của 3 thành viên trong gia đình được hưởng chế độ chính sách.

Trong căn nhà cấp 4 là nhà tình nghĩa được chính quyền xây tặng cho hộ nghèo, chị Thanh chia sẻ về cảnh ngộ đời mình. Vợ chồng chị đều bị mù khi mắc phải căn bệnh sởi từ hồi còn nhỏ tuổi. Năm 1998, trong một lần đi làm tăm tại Hội Người mù tỉnh Cao Bằng, chị Thanh khi đó 27 tuổi gặp người đàn ông cùng cảnh ngộ hơn mình 40 tuổi nhưng dẻo miệng, nói rất “bùi tai”. 

Qua tìm hiểu chị Thanh biết trước đó ông Sinh đã qua 2 đời vợ và có 2 đứa con với các bà vợ này nhưng sau đó lần lượt những người vợ đã bỏ đi, dắt theo những đứa con của họ vì không chịu nổi cảnh sống với ông chồng nghèo, tàn tật. Và ông Sinh tiếp tục cuộc hành trình “thả thính” những cô gái mù khác, dù bản thân đã U70.

Biết bản tính ông Sinh đào hoa vậy nhưng chị Thanh nghĩ bản thân mình nghèo, mù lòa, tuổi đã vào hàng quá lứa như chị Thanh cũng cũng chẳng có lựa chọn nào khác. Chị quyết định “theo không” ông Sinh dù hai người tuổi tác chênh lệch nhau khá nhiều, lúc này ông Sinh đã 67 tuổi rồi. Hai người lấy nhau nhưng không tổ chức đám cưới bởi ông Sinh không có họ hàng, người thân nào để dựa dẫm. Còn chị Thanh chỉ sống với một mẹ già, anh chị em lại mỗi người một xứ. 

Hồi mới lấy nhau, đôi vợ chồng mù sống dưới một túp lều ở Km 2 phường Sông Hiến, hàng ngày ra chùa Đỏ hành nghề ăn xin để sống qua ngày. Cho đến năm 2002, khi Nhà nước nâng cấp đường, hai vợ chồng mới chuyển lên tổ 27 phường Sông Hiến dựng lều ở tạm và tiếp tục hành nghề ăn xin để nuôi đứa con đầu lòng là cháu Triệu Quang Đức lúc này 2 tháng tuổi. Tuy cuộc sống khốn khó nhưng đôi vợ chồng mù lại “sản xuất” sòn sòn những 4 đứa con. Cũng may, đàn con đều khỏe mạnh, lành lặn chứ không bị khiếm khuyết như cha mẹ nó.

Thời gian trôi đi nhanh chóng, hiện cháu Đức đã 16 tuổi, bước vào năm đầu tiên thời trung học, đứa con út cũng đã 7 tuổi. Đối với vợ chồng chị Thanh, đây chính là niềm an ủi để vợ chồng chị vươn lên trong cuộc sống. Để chăm lo cho đàn con, nhiều hôm hai vợ chồng phải đi ăn xin, mò mẫm kiếm củi đến sẩm tối mới về nhà. 

Năm 2003, UBND phường Sông Hiến đã vận động quyên góp và xây tặng một căn nhà tình nghĩa cho vợ chồng khiếm thị Sinh-Thanh. Không lâu sau, gia đình cụ Sinh cũng đã nhận được tiền trợ cấp cho người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn hàng tháng 400 nghìn đồng/người. Tuy nhiên, chừng ấy tiền không đủ chi tiêu, gia đình cụ Sinh vẫn thường xuyên túng thiếu mặc dù chi tiêu rất tiết kiệm chỉ vì quá đông con. 

Chị Thanh buồn rầu cho biết: “Khoản trợ cấp 1,2 triệu đồng/tháng không đủ để trang trải cả gia đình vì cả 4 đứa con đều đi học. Chưa kể, chồng tôi năm nay đã 80 tuổi, vừa mù vừa bị nặng tai, hiện ốm yếu không làm được gì. Tôi tuy khỏe mạnh nhưng cũng chỉ mò mẫm làm việc nhà và ăn xin thôi. Thằng lớn năm nay vào cấp 3 đóng góp cũng tốn kém lắm, 3 đứa nhỏ thì chỉ phải lo học phí thôi. Nhưng dù khổ thế nào cũng phải cố nuôi 4 anh em chúng nó học hành. Chúng nó đói khổ cũng xót thương lắm, nhưng không biết làm gì hơn cả”. 

“Từ ngày sống chung với nhau đến giờ, chị và chồng chưa một lần đôi co, cãi vã cho dù áp lực cuộc sống mưu sinh, khó khăn vất vả luôn vây quanh. Chắc là khổ từ nhỏ quen rồi, nên cũng đồng cảm với nhau. Lúc ông ấy ốm đau thì chị chăm sóc và ngược lại. Giờ các con đã lớn nên cũng đỡ đần được phần nào.

Chị thương các con lắm nhưng không biết làm thế nào hơn khi cả hai vợ chồng đôi mắt đều không nhìn thấy. Mọi thứ chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp 1 triệu 200 nghìn đồng của hai vợ chồng và đứa con trai đầu cộng lại, thành ra cuộc sống cũng ngày càng khó khăn hơn. Những hôm hết tiền trợ cấp hay nộp học phí, sách vở cho con hoặc bị đau yếu, lại phải đi mượn tạm gạo hàng xóm, nhiều khi ăn mì tôm ăn cho qua bữa để tồn tại qua tháng”- chị Thanh chia sẻ.

Khi kể về cuộc sống hiện tại, cụ Sinh rơm rớm nước mắt: “Mỗi lần đến cuối mùa nhà lại hết ngô, hết thóc, đi bán củi cũng không đủ để mua gạo, thức ăn vì người mù làm được bao nhiêu chứ. Trợ cấp của Nhà nước cũng chỉ đỡ phần nào chứ không thể nuôi cả gia đình, việc học hành của con. Đêm đông không đủ chăn ấm đắp hai người co ro run cầm cập, nhất là vào lúc trời mưa to nhà bị dột nữa, lúc xê dịch chỗ này lúc lại chuyển qua góc khác để ở, khổ lắm. May mà hàng xóm láng giềng thương nên đã quyên góp tặng cho cái nhà cấp 4 chắc chắn để  che mưa che nắng. Cả hai vợ chồng tôi đều mù lòa, đông con cũng vất vả thật nhưng tôi chỉ muốn vui cửa vui nhà, không thì nhà vắng tanh”.

Số phận đã định sẵn họ làm kiếp mù lòa, nhưng may mắn lại gắn kết họ với nhau, cùng chăm sóc nhau, nhìn vào những đứa con để có động lực sống tiếp quãng đời còn lại. Lúc chia tay, chị Thanh mong muốn nhận được sự giúp đỡ của độc giả hảo tâm để giúp gia đình vượt qua những khó khăn, giúp 4 đứa con được tiếp tục học hành. Thông tin nhân vật: Chị Hoàng Thị Thanh (40 tuổi), dân tộc Nùng ở số 096, tổ 27 phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). Số điện thoại: 0125 647 1838./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.