Học vấn càng cao càng thích độc lập
Quan niệm “núp bóng tùng quân” là một trong những lý do khiến phụ nữ từng kết hôn sớm, là dựa dẫm vào chồng về cả kinh tế, tinh thần. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều phụ nữ đã có một khả năng tài chính nhất định, nên việc làm vợ không còn nhiều ý nghĩa. Hầu hết phụ nữ đều có việc làm và có khả năng sống mà không cần phụ thuộc vào nam giới. Do đó, kết hôn mang yếu tố tinh thần hơn là vật chất.
Đối với Zheng Hong (33 tuổi, kế toán của một công ty phần mềm) hôn nhân chỉ là hợp đồng kinh tế. “Nếu tôi ổn thì không cần phải kết hôn”, cô quan niệm. Một năm trước, Zheng đã mua nhà riêng ở Thâm Quyến, củng cố quyết tâm sống độc thân. Cô từng hẹn hò với vài người nhưng những năm gần đây, sau khi biết nhiều bạn bè không hạnh phúc, cô không còn thiết tha với hôn nhân nữa. Mối quan hệ cuối cùng kết thúc khoảng 5 năm trước, từ đó cô vô cùng bận rộn.
Xu hướng không hôn nhân đang gia tăng ở Trung Quốc. |
Những người độc thân như Zheng đang gia tăng ở Trung Quốc. Hầu hết họ là phụ nữ có học vấn tốt, tài chính độc lập. Họ chọn không lập gia đình vì tin có thể sống tốt, đồng thời do thấy nhiều nhược điểm hơn là lợi thế của hôn nhân.
“Có quá nhiều việc phải làm và tôi có thể phải từ bỏ nếu kết hôn”, cô Zhou Yilian (33 tuổi) nói. Bề ngoài Zhou như một công chức bình thường nhưng hồ sơ WeChat tiết lộ nhiều danh tính của cô: nghệ sĩ đàn tranh, vũ công, thợ may và cosplayer. Tất cả bắt đầu từ 11 năm trước, khi cô bị cuốn vào loạt chương trình múa rối của Đài Loan. Cô quen biết nhiều người chung đam mê nhưng những người này thường bỏ hết mọi thứ sau khi kết hôn, sinh con. Người có thể theo đuổi hầu hết vẫn còn độc thân, điều này khiến Zhou càng không muốn lấy chồng. “Những người bạn đã làm vợ, làm mẹ của tôi đều cảm thấy mất tự do. Nếu tôi lấy chồng và không còn được làm những gì mình yêu thích, tôi sẽ ra sao?”, cô nói.
Có thể nhận thấy, số lượng kết hôn giảm phản ánh sự thay đổi thái độ của thế hệ trẻ từ “muốn” sang “sợ” kết hôn. Số liệu của Bộ Nội vụ Trung Quốc cho thấy tỷ lệ kết hôn giảm trong 6 năm, từ 9,9% năm 2013 xuống 6,6% năm 2019. Ngoài ra, khu vực kinh tế càng phát triển, tỷ lệ kết hôn càng giảm.
Thay đổi định kiến
Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng lo ngại về xu hướng trì hoãn hôn nhân ở giới trẻ. Không còn cố gắng kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều thanh niên Trung Quốc trì hoãn việc lập gia đình đến tuổi 30. Thay vì sống với gia đình, họ chuyển tới các thành phố lớn, lao đầu vào công việc và do đó càng ít thời gian giao lưu. Theo số liệu được công bố năm ngoái, số người không kết hôn ở Trung Quốc đã vượt quá 200 triệu. Dự báo đến năm 2021, tổng số người sống một mình ở nước này sẽ lên tới 90 triệu.
Một vài chuyên gia nhận đình tỷ lệ sinh giảm sẽ làm suy yếu sự phát triển của đất nước, số khác cho rằng người độc thân với thu nhập thấp sẽ tập trung tiết kiệm tiền, từ đó tạo lực cản đối với tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Yuan Yibo (nhà phân tích tại công ty đầu tư Mude Capital) nhiều ngành dịch vụ có thể hưởng lợi từ xu hướng độc thân của giới trẻ như giao đồ ăn, cho thuê bất động sản, bán thú cưng, sản xuất trò chơi điện tử. Những người trẻ độc thân sẽ kích thích nền kinh tế phát triển bởi họ không cần tiết kiệm tiền cho con cái mà có xu hướng chi tiêu tự do.
Quay trở lại trường hợp của Zheng Hong, ngay cả Zheng, người đã mua nhà riêng ở Thâm Quyến, cũng có kế hoạch xin chuyển đến một thành phố khác trong vài năm tới, chỉ để thay đổi. Riêng chuyện nghỉ hưu ở đâu cô vẫn chưa chắc chắn, như cô có thể chắc chắn rằng kết hôn và sinh con không phải là một biện pháp đảm bảo cho tuổi già.
“Có bạn đời có thể hỗ trợ thêm, nhưng nếu bạn mắc bệnh mãn tính, không có gì đảm bảo họ sẽ chăm sóc bạn trong nhiều thập kỷ. Có con để chăm sóc về già còn nực cười hơn. Chẳng phải có câu đừng mong con cái hiếu thảo khi ốm đau sao? Tôi có thể thấy nhiều người đang sống trong viện dưỡng lão hoặc có thể chúng ta sẽ chết đột ngột ngay cả trước khi điều đó xảy ra. Vì vậy, thay vì lo lắng về tương lai, tại sao không sống trong hiện tại?”, cô nói.
Phụ nữ học vấn cao, độc lập tài chính càng thích sống độc thân. |
Đầu năm ngoái, trong thời gian xảy ra đại dịch, Zheng đã làm việc tại quê nhà Hạ Môn trong 2 tháng. Suốt thời gian này, cô “ong đầu” vì ngày nào bố mẹ cũng gây áp lực kết hôn. Mẹ kéo cô đến công viên mai mối và thường xuyên phàn nàn rất buồn vì những lời đàm tiếu con gái ế. Cha của Zheng, trước đây thờ ơ nhưng giờ bắt đầu lo. “Nếu một ngày nào đó tôi kết hôn, đó chắc chắn sẽ vì áp lực gia đình quá lớn”, cô thở dài.
Còn trường hợp của Yitian (30 tuổi, ở Thượng Hải) thì tin rằng sống một mình là cách đóng góp cho nền kinh tế. Cô sống một mình từ tháng 7, mỗi tháng tiêu khoảng 6.000 tệ (870 USD). “Khuyết điểm duy nhất của việc sống một mình là tiền thuê nhà và các nhu cầu thiết yếu hàng ngày cao hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn xứng đáng”, Yitian nói.
Yitian chưa kết hôn, từng sống với bố mẹ nhưng sau đó chuyển ra vì bất đồng quan điểm. Yitian thích ngủ nướng và uống rượu khuya trong khi bố mẹ chỉ giục cô lấy chồng. Yitian chia sẻ bố mẹ cô từng phản đối chuyện con gái sống một mình vì sợ nguy hiểm. Tuy nhiên, họ thay đổi suy nghĩ bởi trong đợt phong tỏa do Covid-19, khi đôi bên liên tục cãi nhau.
Thái độ của bạn bè Yitian cho thấy sự thay đổi của xã hội Trung Quốc về việc sống một mình. Theo Yitian, hầu hết bạn bè đều chúc mừng khi cô thông báo ra ở riêng trên mạng xã hội, chỉ có duy nhất một phản hồi tiêu cực đến từ người không mấy thân thiết. “Giờ là năm 2020 rồi, đã tới lúc chấm dứt định kiến về người sống một mình”, Yitian nhấn mạnh.
Qiao Yi (33 tuổi) là một kiến trúc sư sống ở Thượng Hải từng ở trong tình trạng khó khăn giống Zheng. Cha mẹ cô cũng không thể hiểu được quyết định của con gái và liên tục thúc giục kết hôn. Thậm chí họ còn hối hận vì đã mua cho Qian một căn nhà ở Thượng Hải, lý do vì tài sản khiến con “quá tiêu chuẩn”, gây khó khăn kết hôn. Tuy nhiên, khi cha Qian sống ở Thượng Hải một thời gian ngắn, quan điểm của ông đã thay đổi. Ông nhận ra nhiều đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi như con gái mình cũng độc thân và phụ nữ độc thân ở Thượng Hải phổ biến. Ông bắt đầu chấp nhận thực tế mới.
Hay là đối với trường hợp của Li Miao (40 tuổi, người Thượng Hải) đã suýt kết hôn 2 lần, nhưng cuối cùng đã từ chối lời cầu hôn của cả hai sau khi cân nhắc. Cô đang làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia với vai trò giám đốc sản phẩm. Cô không lo lắng về việc sống một mình và đã lên kế hoạch nghỉ hưu cùng với bạn bè. Ở tuổi này, Li nhận thức rõ rằng các lựa chọn của mình ngày càng giảm vì yếu tố tuổi tác.
Qian cũng có trải nghiệm tương tự. Hầu hết những người đàn ông đủ tiêu chuẩn ở độ tuổi của cô có xu hướng tìm kiếm phụ nữ dưới 30 tuổi. Những người sẵn sàng gặp cô chủ yếu lớn tuổi hoặc không có điều kiện tốt. Qian sẵn sàng giảm kỳ vọng để có nhiều lựa chọn hơn. “Bây giờ, ngay cả khi anh ấy thấp, thậm chí hói, tôi vẫn thấy ổn. Điều quan trọng nhất là giá trị và khả năng tài chính phù hợp với tôi”, cô cười khúc khích.
Giống như nhiều dân văn phòng ở Thượng Hải, Qiao đi du lịch nước ngoài hàng năm. Cô ấy đã lên kế hoạch tất cả: nếu 10 năm sau vẫn chưa kết hôn sẽ chuyển đến một đất nước khác hoặc làm việc trong một lĩnh vực hoàn toàn khác. “Nếu tôi không trải qua hôn nhân, tôi vẫn có thể làm giàu cuộc sống của mình bằng những cách khác”, cô nói.