Đất ở trước quyết định giao đất
Bà Thùy trình bày, thửa đất bà đang sinh sống là của ông Nguyễn Khoa Chùy khai hoang năm 1982. Năm 1992 ông Chùy giao cho ông Nguyễn Văn Hồng ở và được UBND huyện Phong Điền ra Quyết định giao đất số 253/QĐ-UB ngày 25/12/1992. Năm 1999 ông Hồng nhượng lại cho bà Thùy và bà sống ổn định từ đó đến nay. Rõ ràng nguồn gốc thửa đất được tạo lập từ trước ngày 15/10/1993 và trước ngày UBND huyện Phong Điền ra quyết định giao đất nói trên.
“Tại Khoản 8 Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 quy định: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ trước ngày 15/10/1993 cho đến thời điểm có quyết định thu hồi đất mà thời điểm sử dụng không vi phạm quy hoạch, không vi phạm hành lang bảo vệ các công trình, được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã công bố công khai, không phải là đất lấn chiếm trái phép và được UBND cấp xã nơi có đất bị thu hồi xác định là đất đó không có tranh chấp thì được bồi thường. Tại Điểm a Khoản 4 Điều 56 Nghị định 43/2014 ngày 15/5/2014 quy định: “Người có đất bị thu hồi được bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền với đất đã có từ trước khi hành lang an toàn công trình được công bố…”, bà Thùy viện dẫn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Công văn số 6420/UBND-ĐC ngày 28/11/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế gửi các huyện, thị xã trên địa bàn về giải quyết vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ (QL) 1A…, nêu: “Đồng ý chủ trương xác định ngày 01/01/2003 là thời điểm có hành lang an toàn QL1A trên địa bàn tỉnh, làm căn cứ cho việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án mở rộng QL1A. Việc giải quyết những vướng mắc về giải phóng mặt bằng liên quan đến hành lang an toàn QL1A thực hiện theo quy định sau: Các trường hợp sử dụng đất, xây dựng các công trình trước ngày 01/01/2003 thì được xem xét bồi thường, hỗ trợ theo quy định”. Đối chiếu với những văn bản trên thì đất của bà Thùy có nguồn gốc sử dụng làm nhà ở từ năm 1992, trước ngày 15/10/1993, ngày Luật Đất đai có hiệu lực và trước ngày 01/01/2003 tỉnh Thừa Thiên Huế cắm mốc an toàn giao thông.
Thế nhưng khi bị thu hồi 109,70m2 để mở rộng QL1A không được UBND huyện Phong Điền bồi thường nên bà Thùy đã có đơn khiếu nại. Thay vì xem xét khách quan, toàn diện nguồn gốc sử dụng đất và các văn bản pháp luật liên quan thì ngày 26/9/2014, UBND huyện Phong Điền ra Quyết định 4177 không bồi thường đối với diện tích đất của bà Thùy. Quyết định cho rằng: Tại thời điểm bắt đầu sử dụng, đất đã thuộc hành lang an toàn QL1A và được công bố theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng nên thuộc vào trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 14 Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007…Tại thời điểm giao đất, UBND huyện đã có quy hoạch chi tiết xây dựng vùng này và đã có thể hiện chỉ giới xây dựng bằng màu đỏ trong bản vẽ thửa đất kèm theo Quyết định số 253 của UBND huyện về việc thu hồi, giao đất cho ông Nguyễn Văn Hồng làm nhà ở”.
Tuy nhiên, tại Quyết định 253 mà huyện Phong Điền viện dẫn nói trên không một từ nào nói rõ phần diện tích hành lang an toàn giao thông. Các vị trí tiếp giáp ghi: Bắc giáp nhà anh Lai, Tây giáp QL1A. Qua nghiên cứu hồ sơ chúng tôi nhận thấy, ở các quyết định giao đất cho các hộ dân khác ghi cụ thể là Tây giáp với hành lang bảo vệ
QL1A thì được đền bù, còn đối với hộ bà Thùy thì không (?). Huyện Phong Điền cũng cho rằng đất của bà Thùy được quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 14 của Nghị định nói trên nhưng tại điều khoản này ghi: “Lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc”, nhưng vào thời điểm đó tỉnh Thừa Thiên Huế chưa cắm mốc hành lang, sao quy cho bà Thùy lấn chiếm? Hơn nữa, Nghị định 84 đã bãi bỏ, được thay thế bằng Nghị định 43/2014 ngày 15/5/2014, có hiệu lực ngày 01/7/2014.
Tiền, hậu bất nhất
Không đồng ý cách giải quyết của UBND huyện Phong Điền, bà Thùy gửi đơn lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 29/01/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định 224 cho rằng: “Theo Quyết định 253 nêu trên, ông Nguyễn Văn Hồng chỉ được Nhà nước giao 200m2, không giao phần đất thuộc hành lang an toàn QL1A nên không được sử dụng đối với phần diện tích này…”. Lập luận của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là bất nhất, mâu thuẫn với Công văn 6420 nói trên cũng như hiện trạng thực tế khu đất. Theo đó cho thấy sự xâm phạm quyền của người sử dụng đất khi cho rằng: “Không được sử dụng đối với diện tích thuộc hành lang an toàn QL1A”. Vì sao bà Thùy không được sử dụng? UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thừa biết rằng tại Quyết định 253 huyện Phong Điền ghi “Tây giáp với QL1A”, nghĩa là phần đất này nằm trước mặt tiền khu đất nhà bà Thùy thì tại sao lại “cấm” bà không được sử dụng khi chưa xác định mốc lộ giới?
Có thể thấy, phần đất 109,70m2 của bà Thùy có nguồn gốc sử dụng làm đất ở trước thời điểm Nghị định số 203 ban hành, trước ngày 15/10/1993 và trước ngày tỉnh Thừa Thiên Huế cắm mốc hành lang an toàn giao thông nên được coi là đất ở hợp pháp, khi thu hồi phải được đền bù theo quy định. Từ những cơ sở nêu trên, UBND huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế cần xem xét khách quan để đền bù cho người dân.
Trên địa bàn huyện Phong Điền còn hơn 10 hộ dân vẫn còn khiếu nại nội dung tương tự như bà Thùy, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này trong các số báo tới.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com