Khiêu vũ giữa phố đông
Đã từ lâu, ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến nổi tiếng với những hàng bia cỏ vỉa hè - một nơi chốn quen thuộc với du khách đủ các màu da khi lưu trú tại Hà Nội. Nay, vào những đêm cuối tuần từ thứ sáu tới chủ nhật, giữa ngã tư đông đúc, những điệu nhạc flamenco du dương, giai điệu pop ballad ngọt ngào, khúc romance lãng mạn hay tiếng kèn saxophone da diết… do những nghệ sỹ trẻ trình diễn.
Ban nhạc đường phố này được thành lập bởi các thành viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Họ đi dọc các tuyến phố đi bộ để biểu diễn cho mọi người theo ngẫu hứng, hay yêu cầu từ chính khán giả, nhưng điểm dừng chân nhiều hơn cả là ở ngã tư này.
Không bị gò bó, giới hạn với những khuôn mẫu của biểu diễn sân khấu, các nhạc công có thể "phiêu” với đủ thể loại nhạc, khán giả thoải mái cổ vũ và đứng gần hơn với các nghệ sĩ. Tựa như đang ở những góc phố châu Âu, những người trẻ Việt và du khách đều háo hức hòa mình vào những điệu nhạc, nhảy múa, vỗ tay thật thoải mái, kéo những con người xa lạ xích lại gần nhau hơn trong một không gian rộn ràng, vừa quen, vừa lạ.
Hằng Anh, một bạn trẻ chia sẻ: “Thưởng thức nhạc sống với đủ thể loại ngay trên đường phố náo nhiệt thực sự là một trải nghiệm mới mẻ không nên bỏ qua”. Hayley Eyer, một cô gái người Mỹ hào hứng: “Mình ở Hà Nội đã 5 ngày. Đêm nhạc thật tuyệt vời. Các nhạc công trên đường phố Việt Nam rất tài năng và họ trình diễn đầy đam mê và cảm xúc. Mình cảm thấy rất vui khi không chỉ được nghe nhiều bài hát hay và nổi tiếng của Việt Nam mà còn được nghe lại nhiều ca khúc quốc tế mà mình yêu thích. Ở Mỹ, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc đường phố là một điều rất phổ biến, tuy vậy, khi ở Việt Nam, mình vẫn cảm thấy hoàn toàn mới mẻ và hứng khởi”.
Hải Tùng - thành viên của ban nhạc đường phố cũng hòa chung cảm xúc đó: “Những giai điệu quen thuộc, ngọt ngào, ca sĩ hát “sống” với ban nhạc, vài chiếc đàn guitar, một bộ trống và những trái tim yêu nhạc… đó là những cung bậc xúc cảm đặc biệt mà chỉ âm nhạc đường phố mới có thể có được”.
Và chiếu chèo, chầu văn…
Không chỉ có không gian của âm nhạc đương đại mà cùng đó, ở góc phố khác là các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ hát xẩm, chầu văn, ca trù… Điểm biểu diễn văn hoá dân gian nằm trước đền Hương Thượng góc phố Mã Mây là sân khấu biểu diễn những tiết mục dân gian truyền thống thu hút đông đảo người dân phố cổ và những du khách yêu thích tìm hiểu về văn hoá dân gian của Việt Nam đứng thưởng thức.
Những tiết mục dân gian truyền thống thu hút đông đảo người dân phố cổ |
Dường như những giai điệu cổ trong dân gian không còn xa lạ với người trẻ Hà Nội nữa. Nhịp đàn, lời phách trong bài hát chầu văn đã ngấm dần đến mê hoặc không ít người dân và du khách.Thoạt đầu ngơ ngác, hiếu kỳ, rồi chăm chú lắng nghe, dù không hiểu lời nhưng chẳng hiếm du khách bốn phương không thể dứt đi được. Họ kê dép, lót mảnh giấy ngồi bệt trên vỉa hè, lòng đường say sưa lắng nghe. Cả khi đêm ca đã tàn, họ còn nấn ná chụp ảnh với những cô gái quan họ, ca nương ca trù, chầu văn…
Nhạc sĩ Thao Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam chia sẻ, là nghệ sĩ, ông rất tự hào vì không chỉ du khách trong nước mà có cả du khách nước ngoài tụ họp ở các ngã tư này để thưởng thức những tiết mục âm nhạc cổ truyền. Tất cả cùng hòa vào các giai điệu, cùng nhảy múa, khiêu vũ, thoải mái giơ tay theo điệu nhạc, họ thật sự sống cùng âm nhạc chứ không chỉ đang nghe và nhìn. Đó cũng chính là những giá trị thật đặc biệt mà chỉ có những chương trình như thế này mới có thể mang tới cho người yêu nhạc.
Có gì đâu, chỉ là những làn điệu chèo, quan họ, chầu văn mộc mạc, dân dã và quê mùa, lại cuốn hút, say đắm đến thế. Kẻ đứng, người ngồi, có khi ngồi bệt như giữa chiếu chèo sân đình. Gió lạnh ùa dọc những con phố, đêm đông lất phất mưa phùn. Trên mỗi gương mặt, trong mỗi ánh mắt của du khách, người hàng phố hay những cô, những chị hàng rong tảo tần mưu sinh phố cổ đều toát lên niềm say mê đến mê mẩn.
Quẩn quanh buôn bán, mang tiếng ở Thủ đô nhưng có mấy ai dám bỏ tiền vào rạp nghe hát chèo, ca trù? Có chăng, họ chỉ được xem trên ti vi vào dịp lễ tết khi về nhà. Giờ, diễn viên ngay trước mặt, không xa cách, câu hát, tiếng nhị, nhịp phách “rót” vào lòng thật gần. Những gương mặt nhăn nhúm, khắc khổ, héo hắt tự dưng trở nên tươi tắn lạ thường. Người ta khẽ khàng xuýt xoa tán thưởng, bởi lâu lắm mới được thưởng thức “món ăn” từ thời thơ bé trên sân đình ở làng.
Với không gian phố đi bộ trải dài trên 6 tuyến gồm: Hàng Buồm - Mã Mây - Hàng Giày - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện - Đào Duy Từ, nhạc đường phố đã tạo ra sắc thái hoàn toàn mới cho phố cổ Hà Nội. Những cư dân sống non nửa thế kỉ ở phố cổ cũng rất vui và tự hào khi phố cổ rộn ràng và sầm uất vào những tối cuối tuần. Và điều quan trọng, khi du khách tới với phố cổ, họ đã mang theo những kỉ niệm đẹp của một Hà Nội rất riêng và sâu lắng như ngàn năm vẫn thế…./.