Tượng Phật đồng Bồ Tát Ta Ra
Tượng đồng Bồ Tát Ta Ra (Tượng Laksmindra Lôkesvara) được nhân dân địa phương tình cờ đào thấy ở khu vực Đồng Dương năm 1978, có chiều cao 1,14 mét. Sau này theo nhận định, đó chính là pho tượng bằng đồng lớn nhất và đẹp nhất của nghệ thuật Chăm. Quan sát có thể thấy, Bồ Tát được thể hiện đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước, tay trái cầm tù và ốc, tay phải cầm đài sen, bên trong có gương sen.
Tượng Phật thể hiện tư thế đứng; toàn bộ phần cơ thể phía trên của bức tượng để trần, phần thân dưới mang y phục (gọi là sarong) gồm hai lớp: tấm váy dài gần tới mắt cá ở trong và tấm vải choàng vắt ngược hai đầu lên trước bụng ở ngoài; hơn nữa, tính mềm mại của tấm vải choàng còn được tô điểm bằng những đường cong nổi mềm mại, song song; tư thế đứng thẳng với hai tay đưa cân xứng ra phía trước, kỹ thuật thể hiện nếp vải nổi, khuôn mặt đầy đặn mang phong thái con người Chămpa, phần đầu của bức tượng hơi to so với thân, khuôn mặt vuông, nghiêm nghị, đôi lông mày to, cong, giao nhau, mũi to, môi dày... tất cả những nét điêu khắc trên cho thấy bức tượng Bồ Tát thuộc về phong cách nghệ thuật Đồng Dương.
Trước đó, năm 1901, L. Finot đã công bố những kết quả khai quật tại Đồng Dương. Ông thống kê ở Đồng Dương có khoảng 229 hiện vật, trong đó có hai pho tượng Phật bằng đồng nổi tiếng là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, được đánh giá là một trong những pho tượng Phật cổ nhất và đẹp nhất ở Đông Nam Á.
Quy mô của phật viện Đồng Dương |
Hai bức tượng Phật này có những điểm nổi bật là: Đức Phật đứng với hai tay hướng cân xứng và đưa ra phía trước với khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng đang nhìn vào cõi xa xăm như muốn giải thoát con người khỏi dục vọng trần thế, với một tay tư thế chuyển pháp luân trong dáng điệu bàn tay phải bắt ấn, ngón trỏ cong tròn lại và ngón cái tựa nhẹ lên đầu ngón trỏ, các ngón khác cong lại làm cho toàn bàn tay phải nom tựa hình hoa sen; Đức Phật khoác một chiếc áo cà sa để hở vai phải, ở ngoài khoác thêm tấm sarong, tay trái cầm một phần vải kéo ra trước, các ngón tay chụm lại như đang nắm ngọn lá trên tay; tai phải có kéo dài hơn tai trái; tóc dạng hình xoắn ốc; trán cao… Cả hai tượng đều mô phỏng tư thế Phật Thích Ca đi thuyết pháp.
Tại đài thờ ở khu vực trung tâm Phật viện (thánh đường chính) là bệ thờ tượng Phật Bồ Tát Quan Thế Âm thì tiêu điểm của khu giảng đường là bệ và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là hai trong số những nét chấm phá của hai đài thờ linh thiêng tại Phật viện Đồng Dương, góp phần tạo nên dấu ấn đặc thù cho hai đài thờ uy nghi và tôn nghiêm này.
Bậc thầy nghệ thuật Đông Nam Á
Phật giáo được xem là quốc giáo tại vương triều Đồng Dương – Indrapura. Những phát hiện ở trung tâm Phật giáo Đồng Dương nhiều tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng La Hán và tượng Thiên Thần Hộ Pháp đã thể hiện được đỉnh cao của nền nghệ thuật Đông Nam Á.
Tượng phật đồng Bồ Tát Ta Ra |
Minh chứng qua hàng loạt tác phẩm bằng đá và một số ít bằng kim loại, như tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Hộ Pháp, các tấm phù điêu được chạm nổi thể hiện thế giới nhà Phật. Sự thực, phong cách Đồng Dương đã tạo nên một dấu ấn không thể lu mờ trong lịch sử nghệ thuật Chăm. Đó chính là lối tư duy đột phá, gạt bỏ dần yếu tố ngoại lai, tìm về với giá trị đích thực trong bản sắc dân tộc, tạo cho nền nghệ thuật một sức sống mạnh mẽ nhưng thanh thoát của văn hóa Chămpa.
Hơn trăm năm qua, kể từ khi khu di tích này được phát lộ (năm 1901), số lượng hiện vật được tìm thấy tại Đồng Dương cũng tăng lên đáng kể theo thời gian. Có thể điểm qua tượng Bồ Tát Ta Ra, tượng Bồ Tát Văn Thù, các tượng Hộ Pháp, tượng La Hán, nhưng đáng kể nhất là pho tượng Bồ Tát Ta Ra phát hiện năm 1978 mà ông Ngô Văn Doanh cho rằng đây chính là pho tượng Laksmindra - Lokesvara.
“Tượng Phật Đồng Dương cũng như các tượng Phật cùng kiểu khác được tìm thấy ở Đông Nam Á như tượng Phật ở Kò Rạt (Thái Lan), tượng Phật Sikendung (ở Salebes – Inđônêsia), tượng Phật Jember (Giava – Inđônêsia), tượng Phật Angkor Borei (Campuchia) đều mang phong cách tượng Phật Amaravati của Ấn Độ. Thế nhưng, tượng Phật Đồng Dương lại quá giống các tượng Phật của Amaravati và của Amaradhapura (Srilanka), vì thế, có nhà nghiên cứu ngỡ rằng tượng của Chămpa là tác phẩm có niên đại khoảng thế kỷ 3 – 4 và được nhập trực tiếp từ Ấn Độ”. - ông Doanh nói.
Cùng với đó, nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp J.Boisslier đã đánh giá: “Tượng này chắc chắn nếu không là tác phẩm nhập thì cũng là tác phẩm có quan hệ sâu sắc với truyền thống Ấn Độ đến nỗi không thể nào phát hiện ra vết tích của một truyền thống bản địa”.
Còn theo ông Bá Trung Phụ (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. HCM) nhận định: “Tượng Phật Đồng Dương rất có giá trị về phong cách. Nó thuộc loại hình nghệ thuật vị nghệ thuật vị nhân sinh chứ không phải nghệ thuật tôn giáo. Sự cân đối về hình thể đã tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của cổ vật này”.
Bàn về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa, ngay từ thế kỷ V – VI, sử sách Trung Hoa đã phải công nhận rằng Chămpa là bậc thầy về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc gạch. Do đó, trải qua hơn 300 năm, nghệ thuật bậc thầy ấy có cơ hội được phát huy và tỏa sáng ở Trung tâm thiền viện Phật giáo Đồng Dương. Đó chính là “một minh chứng cho vẻ đẹp kiến trúc, văn hóa và tôn giáo có lâu đời từ thế kỷ X được gìn giữ”.