Phán quyết này của tòa án ở Anh bị dư luận rộng rãi trên thế giới coi là hành động lụy phía Mỹ của tư pháp ở Anh.
Chuyện liên quan đến ông Assange dai dẳng từ năm 2012 khi người này đến Anh và bị cảnh sát Anh bắt giữ theo yêu cầu của Thụy Điển. Thụy Điển cáo buộc ông Assange quấy rối tình dục 2 phụ nữ và yêu cầu phía Anh dẫn độ ông Assange sang Thụy Điển. Khi ấy, phía Mỹ chưa nêu yêu cầu Anh dẫn độ ông Assange sang Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Lo ngại bị phía Anh dẫn độ trước hết sang Thụy Điển để rồi Thụy Điển dẫn độ tiếp sang Mỹ, ông Assange tị nạn chính trị trong Đại sứ quán Ecuador ở Anh. Năm 2019 có chính phủ mới ở Ecuador và chính quyền mới này không cho Julian Assange tiếp tục tị nạn chính trị. Người này buộc phải rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London và bị Cảnh sát Anh bắt giữ ngay sau khi rời khỏi Đại sứ quán.
Khi ấy, Mỹ đã yêu cầu phía Anh dẫn độ Julian Assange sang Mỹ. Tại Mỹ, người này phải đối diện khung hình phạt lên tới 175 năm tù. Tòa án sơ thẩm ở Anh bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Phía Mỹ kháng án và tòa phúc thẩm ở Anh phán quyết đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ.
Julian Assange không phải công dân Mỹ và cũng không làm việc cho chính quyền Mỹ. Người này không phải nguồn tin mật ở Mỹ và cũng không khai thác trực tiếp tin mật của Mỹ mà chỉ công bố những thông tin và dữ liệu được cung cấp bởi người khác như thông qua hoạt động báo chí và truyền thông thông thường. Vì thế, cáo buộc Julian Assange hoạt động gián điệp như Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra trong thực chất không có cơ sở, quy chụp và khiên cưỡng.
Cũng vì thế là ở châu Âu cũng như trên thế giới có rất nhiều người ủng hộ Julian Assange và hình thành hẳn phong trào mạnh mẽ đấu tranh đòi trả tự do cho Julian Assange. Ở các nước phương Tây, việc Chính phủ Mỹ, Anh và Thụy Điển truy tố Julian Assange và tìm cách dẫn độ người này sang Mỹ bị nhìn nhận chung là hành động với động cơ, mục đích chống tự do báo chí.
Quá trình phía tư pháp ở 3 nước nói trên truy sát Julian Assange đầy tình tiết lắt léo và chưa tới hồi kết với phán xử của tòa phúc thẩm ở Anh bởi bên bị vẫn còn có thể kháng án lên tòa chung thẩm và tòa án tối cao ở Anh.
Người ta cho rằng tòa án ở Anh đã lụy Mỹ với phán quyết chung thẩm bởi nước Anh hiện tại đã ra khỏi EU (Brexit) nên vừa có nhu cầu tranh thủ Mỹ lại vừa không buộc phải lưu ý đến những tiêu chí chung của EU về tự do báo chí như trước đây. Khi Anh còn trong EU thì tòa án bác bỏ đề nghị dẫn độ của Mỹ. Vừa ra khỏi EU, tư pháp Anh đã đáp ứng ngay yêu cầu của Mỹ.
Ngoài ra, những biện luận của tòa phúc thẩm ở Anh cho phán xử nghe khôi hài nhiều hơn nghiêm túc khi chỉ là tin những cam kết của tư pháp ở Mỹ là Julian Assange sẽ được hưởng điều kiện giam giữ tốt trong thời gian xét xử, được chăm sóc y tế chu đáo và sẽ thi hành án tù có thể đến 175 năm ở Australia chứ không phải ở Mỹ.