Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được soạn thảo, đưa ra lấy ý kiến đúng vào quãng thời gian bùng nổ vấn nạn xăng giả.
Công an các địa phương đã triệt phá hàng loạt đường dây chế xăng giả với quy mô từ hàng triệu tới hàng trăm triệu lít. Thủ đoạn của các đối tượng là dùng dung môi pha với xăng A95 tỉ lệ từ 30-50%, hòa với chất tạo màu nhằm nhân đôi, nhân ba khối lượng “xăng A95”. Dung môi mà các đối tượng sử dụng có thể là các sản phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ được dùng trong công nghiệp, pha trộn sơn, phụ gia… Cũng có trường hợp các đối tượng dùng dung môi và chất kích RON, cộng với bột màu cũng có thể làm “sinh sôi nảy nở” “xăng A95”.
Sau khi bắt giữ hơn 2 triệu lít xăng giả tại Nghệ An; năm 2019 công an phát hiện đường dây tiêu thụ 137 triệu lít xăng giả, 1,6 triệu lít dầu DO giả của nhóm đối tượng Trịnh Sướng tại Sóc Trăng. Mới đây công an tiếp tục phát hiện đường dây hơn 200 triệu lít xăng giả tại miền Tây.
Theo cơ quan điều tra, những mẫu xăng không đạt tiêu chuẩn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ và có thể gây hỏng. Trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ các phương tiện khi tham gia giao thông.
Chính vì vậy, khi dự thảo Nghị định trên được lấy ý kiến, Bộ Công an đã có ý kiến đóng góp về vấn đề quản lý chất lượng, đo lường xăng dầu. Theo Bộ này, công tác quản lý về số lượng, chất lượng đầu ra xăng dầu tại các cửa hàng, đại lý bán lẻ còn nhiều bất cập, sơ hở; để các đối tượng xấu tuồn xăng dầu giả, xăng dầu lậu vào tiêu thụ.
Bộ Công an nhấn mạnh, dự thảo chưa đưa ra hướng khắc phục tình trạng trên. Vì vậy, dự thảo cần có các quy định ví dụ bắt buộc kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng các bể chứa xăng dầu; hay kết nối dữ liệu cột bơm bán hàng tại cửa hàng, đại lý xăng dầu đến cơ quan chức năng.
Trước góp ý nêu trên, Ban soạn thảo dự thảo (Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công trả lời nội dung kiến nghị liên quan đến quản lý chất lượng xăng dầu) “phản biện”, việc kẹp chì niêm phong chỉ thực hiện với các thiết bị liên quan việc giao nhận giữa các chủ thể khác nhau, chỉ thực hiện với các bồn chứa xăng dầu trên các phương tiện vận chuyển xăng dầu khi mua bán hàng hóa. Còn với các bể chứa xăng dầu của DN, do chỉ để tồn chứa; chất lượng, số lượng xăng dầu trong bể chứa do DN tự chịu trách nhiệm nên không cần kẹp chì niêm phong bắt buộc và “không cần quy định về kết nối dữ liệu cột bơm xăng dầu đến cơ quan chức năng”.
Nhiều ý kiến cùng có đánh giá rằng những “phản biện” của Bộ KH&CN là chưa thỏa đáng, thiếu thuyết phục trước các đề xuất góp ý của Bộ Công an; chỉ là những phản biện kiểu “cho xong”; tiếp tục chưa đưa ra hướng khắc phục tình trạng lộn xộn xăng giả, xăng thật.
Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu nhập khẩu; chủ trì thanh tra, kiểm tra hoạt động pha chế xăng dầu của thương nhân đầu mối; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành quản lý, kiểm tra, kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất, pha chế, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường… Thế nhưng với những “phản biện” kiểu như trên của Bộ KH&CN thì nạn xăng giả còn chưa bị xử lý tận gốc rễ, chúng ta còn phải sống chung với hệ lụy xăng giả đến “mút mùa”, những chiến sĩ công an còn phải tốn công, tốn sức đấu tranh với tội phạm xăng giả.