Là thế hệ đầu 8X nhưng nhiều người nhận xét anh Khánh chững chạc trước tuổi. Trong bất cứ cuộc trò chuyện nào, anh đều dí dỏm đề nghị không được hỏi tuổi: “Đã là nghệ thuật thì không bàn đến tuổi tác”.
Cổ kim kết hợp
Nhắc đến cái tên Kiều Quốc Khánh, Kiều Quang Dũng hay bút danh Nguyệt Trà, nhiều người đam mê thú chơi chữ đều biết. Anh là một trong số những người tiên phong vận động thành lập các CLB thư pháp chữ Việt (thư pháp chữ Quốc ngữ) tại miền Bắc.
Chia sẻ cơ duyên, anh Khánh kể r từng tốt nghiệp chuyên ngành thời trang. Sau đó anh mở cửa hiệu thiết kế áo dài truyền thống. Do yêu cầu công việc, nhà thiết kế thời trang luôn tự mày mò tìm kiếm những họa tiết “độc” trang trí lên những mẫu áo dài. Rồi ấn tượng với những hình ảnh văn hóa dân gian như trống đồng, cây tre, chữ viết. Trên hành trình tìm kiếm, sáng tạo những họa tiết như vậy, anh say mê thư pháp lúc nào không hay.
Từ ấn tượng, rồi đam mê, anh mò mẫm tự học viết thư pháp. Năm 2000, trong dịp vào miền Nam thăm người thân, dạo chơi qua tuyến phố cho chữ, anh bị hút hồn bởi những đường nét của thư pháp chữ Quốc ngữ.
Thời điểm ấy, thư pháp chữ Việt chỉ phát triển ở miền Nam, còn ở phía Bắc gần như còn “trắng”. Anh giải thích: “Thứ nhất, miền Nam bỏ chữ Hán trước miền Bắc nên có nhiều cơ hội tiếp thu trào lưu chơi chữ Quốc ngữ sớm. Thứ hai là tư tưởng nho sĩ ở miền Bắc chưa tiếp nhận cái mới”.
Thư pháp chữ Quốc ngữ được cho là phát triển từ trong Nam |
Thời gian đầu mới đưa thư pháp Việt ra miền Bắc, thị trường chưa chấp nhận thư pháp Việt. Anh còn bị chê bai “đã thư pháp, phải viết chữ Hán”.
Sau chuyến thăm miền Nam trở về, người đàn ông âm thầm nuôi mộng phát triển thư pháp chữ Quốc ngữ trên đất Bắc.
Trước tiên anh chuyển từ thú chơi thư pháp cổ sang thư pháp Quốc ngữ. Sau đó anh chia sẻ với bạn bè, lập ra các nhóm thư pháp trẻ tuổi, mở nhiều lớp dạy viết thư pháp Quốc ngữ miễn phí. Anh còn lấy quán trà Lư Trà Quán do mình làm chủ, làm điểm hẹn cho những người yêu thư pháp khắp nơi gặp mặt.
Chính tại quán trà này đã diễn ra rất nhiều chương trình hội ngộ, giao lưu, triển lãm thư pháp. Năm 2003, anh tổ chức thành công buổi gặp gỡ giữa những người đam mê thư pháp ở Hà Nội, không phân biệt tuổi tác, quê quán, miễn là yêu chữ.
Một năm sau, anh thành lập CLB thư pháp Việt Tâm Bút. Năm 2005 anh tổ chức buổi hội ngộ thư pháp gia toàn miền Bắc lần đầu tiên. Năm 2004 anh cùng nhà đại thư pháp Nguyễn Văn Bách thực hiện đôi câu đối kỷ lục dài nhất Việt Nam, mở đầu cho hàng loạt các kỷ lục về thư pháp sau này.
Tại hội chữ xuân Bính Thân 2016 vừa qua ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, CLB Việt Tâm Bút gây ấn tượng với gần chục gian hàng thu hút nhiều lượt khách đến thưởng ngoạn chữ, xin chữ:
“Số lượng người chơi thư pháp chữ Quốc ngữ ở miền Bắc hiện nay đã rất đông. Kể cả một số người viết thư pháp cổ cũng dung nạp dòng thư pháp từ miền Nam truyền ra”, anh cho hay hiện nay hệ thống lớp học dạy thư pháp của CLB Việt Tâm Bút đã lan tỏa từ Hà Nội đến các tỉnh lân cận.
Khó hơn viết chữ Hán
Cái khó của viết thư pháp chữ Quốc ngữ, theo anh Khánh, nằm ở những đường nét uốn lượn, nét cong, tròn. Còn viết chữ Hán không có những nét uốn cong, cùng lắm chỉ có nét móc.
Mặt khác, bản thân chữ Hán đã mang bố cục vuông hoặc tròn, người viết cứ theo khung đó mà "múa bút". Ngược lại chữ Quốc ngữ không theo khuôn mẫu nhất định. Bởi chữ Việt được ghép nối từ nhiều chữ cái, kích thước mỗi kí tự cũng khác nhau. Do đó viết thư pháp Việt, khó nhất phải tạo được sự cân đối của chữ.
Thư pháp chữ Quốc ngữ không tuân theo những khuôn mẫu cố định. |
Chia sẻ bí quyết, anh Khánh cho biết vận dụng kĩ pháp viết thư pháp truyền thống làm nền tảng. Đồng thời kết hợp kĩ thuật viết chữ đẹp của phương Tây, sáng tạo ra những đường bút cong, tròn cách điệu mang giá trị tượng hình.
“Phải làm sao để những đường bút mảnh vẫn tạo được độ chắc khỏe. Chẳng hạn như lấy nét sổ ngang, sổ dọc của thư pháp cổ làm trụ. Sau đó tùy vào từng chữ mà người viết cách điệu đường nét, tạo thành hình ngọn núi, thác nước. Nó đòi hỏi mỗi người chơi chữ không ngừng tìm tòi sáng tạo cái mới”, anh giải thích.
Nói về tên gọi CLB Việt Tâm Bút, anh cho biết: Mục đích thành lập CLB với mong muốn ngày càng phổ biến thư pháp Việt. Và anh tin rằng thư pháp chữ Quốc ngữ ngày càng thịnh hành. Vì sao? Anh chia sẻ câu chuyện vui rằng có người cha muốn dạy đứa con nóng tính biết kiềm chế, đến gặp thầy đồ xin chữ “Nhẫn” về treo ở phòng con. Nhưng chữ viết bằng Hán văn, dù treo bao năm đứa con vẫn không đọc được, không hiểu được ý nghĩa.
Câu chuyện thứ hai là đứa con hiếu nghĩa viết cặp câu đối ghi nhớ công ơn cha mẹ. Ông bố ở quê không biết chữ Hán, có hôm khách đến nhà chơi, chột dạ hỏi hai câu đối viết gì thì không trả lời được. Ông bố phải điện thoại lên hỏi con.
Qua hai câu chuyện rất đời thường trên, người đàn ông gửi gắm quan niệm: Chơi chữ không phải chỉ treo cho đẹp, mà phải hiểu rõ ý nghĩa của chữ. Nếu như ông bố và người con trong hai câu chuyện trên chỉ cần viết chữ “Nhẫn” bằng tiếng Việt, hoặc cặp câu đối bằng chữ Việt, thì bất cứ ai nhìn vào đều đọc được.
“Chữ Quốc ngữ là ngôn ngữ của người Việt, hà cớ gì người Việt Nam lại không dùng chính chữ viết của mình để thỏa thú tao nhã, lại đi chơi chữ Hán vừa phức tạp vừa khó hiểu? Mặt khác số lượng nhà nho biết chữ Hán ngày càng ít. Đó cũng là lý do để thư pháp chữ Quốc ngữ phát triển trong tương lai”, anh Khánh nói./.