Oan, sai vì sao lên lỗi?
Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong ba năm qua cả nước có 71 trường hợp bị hàm oan, trong đó có 27 trường hợp oan, sai thuộc trách nhiệm của viện kiểm sát. Con số này không lớn, song vẫn là câu chuyện đáng bàn bởi mỗi vụ án oan, sai có thể gây nên một bi kịch lớn đối với bản thân, gia đình người bị oan và gây bức xúc cho cả dư luận.
Điển hình nhất là vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang). Ông Chấn đi tù oan 10 năm, trong 10 năm ấy, gia đình ông tan nát; con cái ông học hành dang dở, phải lang bạt xứ người; vợ ông vì lo lắng cho chồng mà ốm đau liên miên… Hay như vụ ông Nguyễn Minh Hùng bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh khởi tố bắt tạm giam về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Sau hai lần bị tuyên tử hình, cuối cùng ông Hùng cũng được minh oan….
Điều này cho thấy trong chỉ đạo, hoạt động thực tiễn, có nơi, có lúc, cơ quan hay người tiến hành tố tụng hình sự thường có khuynh hướng “tả khuynh” hay “hữu khuynh”, nhấn mạnh mặt này, coi nhẹ mặt khác… Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan từ chính những người tiến hành tố tụng chưa thực sự làm hết trách nhiệm; chưa coi trọng việc thu thập chứng cứ gỡ tội, định kiến, hời hợt…
Công văn số 2798/UBTP13 của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội yêu cầu xem xét, giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. |
Cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội
Cũng trong phiên thảo luận , Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết tới đây Tòa án sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng là suy đoán vô tội và quyền tư pháp của Tòa án. Nếu thấy tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ mà Viện kiểm sát vẫn truy tố, Tòa án sẽ trả lại hoặc đề nghị điều tra bổ sung, để đảm việc truy tố đủ căn cứ. Đồng thời, Tòa án cũng căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa để làm rõ bản chất của vụ việc, nếu như có tội thì sẽ kết tội theo quy định của pháp luật, còn không đủ căn cứ kết tội buộc phải tuyên không phạm tội.
Khi trình bày Quốc hội Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) chiều ngày 20/5, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Mọi hoài nghi về tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo nếu không thể làm sáng tỏ theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì phải xử lý theo hướng có lợi cho họ”.
Với sự khẳng định trên, chắc chắn cán cân công lý ngày càng nghiêm minh hơn. Đây cũng là cơ sở để tin rằng trong tương tình trạng án oan, sai sẽ giảm. Và như vậy những vụ án còn chưa được xác minh, làm sáng tỏ sự thật như vụ án “Ngô Xuân An và Phạm Văn Hải can tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà TANDTP. Hà Nội đã thụ lý sẽ được làm sáng rõ người nào có tội, người nào không có tội.
Chia sẻ với PLVN, Luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng văn phòng luật Interla – người tiếp xúc, nghiên cứu hồ sơ vụ án rất kỹ lưỡng cho rằng trong vụ án này, có rất nhiều chứng cứ chứng minh ông Phạm Văn Hải hoàn toàn vô tội và cơ quan tố tụng đã có nhiều sai phạm trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án. Bởi ông Hải có rất nhiều bằng chứng chứng minh mình không chiếm đoạt số tiền 2,3 tỷ đồng của bị hại như cáo buộc của cơ quan điều tra”.
Được biết trong suốt hơn ba năm kể từ khi ông Hải bị bắt giam để phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án, ông Hải chưa từng nhận tội và một mực kêu oan. Vợ ông Hải là bà Lê Thị Bình cũng ròng rã trong từng ấy năm đội đơn kêu oan cho chồng đến các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, các luật sư bào chữa cho ông Hải cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để chứng minh ông Hải vô tội. Đặc biệt, ngày 01/7/2015, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có công văn số 2798/UBTP13 gửi đến Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội và VKSND TP Hà Nội yêu cầu xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo kết quả giải quyết đến Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội./.