Nét cổ kính còn sót lại ở làng Thụy Hương |
Thật buồn là những cảnh độc đáo của Thụy Hương và Hương Gia đã mất. Những con ngõ lát gạch nghiêng song song nhau biến mất, thay vào đó được bê tông hóa nên hè thì ngột ngạt, đông thì lạnh lẽo. Xen lẫn những ngôi nhà, những bức tường gạch chỉ rêu phong, mạch vữa bong tróc hiếm hoi sót lại là những ngôi nhà cao tầng sừng sững với những cổng sắt, cổng xây hoành tráng, nặng nề.
Bà Nguyễn Thị Gái (75 tuổi, làng Thụy Hương) và ông Trần Văn Tào (83 tuổi, làng Hương Gia), hai diễn viên quần chúng xuất sắc cho biết: “Từ năm 2006 trở đi rất ít đoàn làm phim về. Đến năm 2008 thì chẳng còn ai về nữa!”. Đó cũng là nỗi niềm của bao người dân và diễn viên quần chúng nơi miền quê này.
Bà Gái hồi tưởng lại thời “hoàng kim” của làng. Chính đạo diễn Đặng Nhật Minh là người đã phát hiện ra vẻ đẹp của hai làng và từ đó giúp vùng quê này trở nên sinh động. Ông đã làm bộ phim đầu tiên có tên Thương nhớ đồng quê (sản xuất năm 1995). Mỗi khi xem lại bộ phim này, những người con của hai làng có thể tìm lại vẻ đẹp hoang sơ đến độ đặc biệt tròn 20 năm trước của hai làng.
Sau khi phim Thương nhớ đồng quê được sản xuất, rất nhiều đoàn làm phim về hai làng này để chọn dựng bối cảnh, sản xuất phim. Nhiều bộ phim để lại tiếng vang lớn như Tết độc lập, Đất và người, Tuần lễ vàng, Những ngọn nến trong đêm, Vui buồn sau lũy tre làng… đã ra đời. Vậy mà…
Anh Đỗ Duy Chức, con trai cả bà Gái hồ hởi nhớ lại: “Nói đúng ra thì ngày đó quê tôi có thêm một nghề là nghề làm diễn viên phụ, phục vụ công tác hậu cần, lo đạo cụ. Các cụ làng tôi đa số được mời hết. Bản thân tôi cũng đã đóng khá nhiều phim và có nhiều kỷ niệm. Chỉ tiếc là nghề đó không dài. Tôi ở quê mà nhớ làng tôi xa xưa quá!”. Chung tâm sự ấy, chị Đỗ Thị Tĩnh bày tỏ: “Nhà cao thì thích thật, nhưng ít người ở xa quan tâm. Giá mà có cách gì đó để làng xã vẫn phát triển mà vẫn giữ được vẻ đẹp của làng, để các đoàn làm phim, khách khứa các nơi đến thăm!”.
Và niềm tiếc nuối
Trong trí nhớ người Thụy Hương và Hương Gia, mỗi khi được đón đoàn làm phim, cả hai làng vui như đi hội. Nếp nhà cổ của các gia đình, những con ngõ đẹp, những gốc cổ thụ, bức tường rêu… đã vinh dự góp mặt trong hàng chục bộ phim. Chính những người dân giờ đã lên ông, lên bà, nhưng được xem lại những bộ phim cũ, nhớ lại, dù chỉ một cảnh dắt trâu của mình xoẹt qua màn hình ti vi. Hay có những cảnh đi làm đồng xuất hiện vài giây cũng đã thấy vinh dự lắm.
Bà Nguyễn Thị Gái bùi ngùi: “Năm đầu tiên vắng các đoàn làm phim, lòng dạ tôi cứ bồn chồn, đợi rồi lại đợi và chỉ nhận về nỗi thất vọng. Có đêm, tôi còn mơ thấy ông Chu Văn Quyềnh (nghệ sĩ Hán Văn Tình) thủ vai trong phim Đất và người đứng gãi đầu bên bức tường cũ kỹ bên nhà mà ước giá được trở lại ngày xưa”.
Ông Trần Văn Tào nói: “Xưa làng tôi 100% lát gạch nghiêng. Nay thì bê tông hóa cả. Ký ức của tôi về làng là những lũy tre, những hàng cổ thụ trăm năm, những mái nhà ngói. Nay cây bị đốn, cây bị chết, tiếc lắm. Có hộ dân khấm khá, đã xây biệt thự, nhà cao tầng chót vót. Rồi phải tìm ở đâu để được lại làng của tôi?”.
Mai một những làng phim trường
Ngoài hai làng kể trên thì nền điện ảnh cũng lưu tâm đến các làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Đường Lâm (Sơn Tây), Cự Đà (huyện Thanh Oai)…, thế nhưng nay cũng đã bị đổi thay quá nhiều. Trong điều kiện thiếu phim trường cho việc sản xuất phim thì chính những làng quê cổ kính, đầy chất dân dã đã hỗ trợ rất nhiều cho không ít đạo diễn mỗi khi làm phim về đề tài nông thôn.
Tiếc thay, biết bao đạo diễn than khó khi cần tìm kiếm một bối cảnh trọn vẹn cho phim của mình, ngay cả khi tìm được một khu nhà cổ nào đó rồi thì lại phải lo cứ lia máy rộng, ngước máy lên là vướng cột điện, dây điện, ăng ten TV, nhà cao tầng… lẫn vào cảnh phim xưa cũ.
Thêm nữa, nhiều khi ngay trong các ngôi nhà cổ, thậm chí các di tích được bảo tồn đã được những người quản lý làm mới bằng sơn vôi, gạch men… khiến cho các nhà làm phim phải dùng bột màu, bùn đất, than củi bôi vào tường, vào cột (để làm cũ đi), khi quay xong lại lau chùi, làm mới, trả lại hình thức đã có cho chủ nhà, hoặc đơn vị quản lý di tích.
Quá trình đô thị hóa đang “nuốt” dần không gian cổ kính, nét đẹp làng quê nói chung. Không ít người lo lắng, chẳng bao lâu nữa, nếu không có phương cách bảo tồn thì lúc cần tìm nét cổ kính làng quê xưa chỉ có thể xem lại ở những bộ phim đã quay. Về vấn đề này, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền vừa làm bộ phim Người trở về ở làng cổ Đường Lâm chia sẻ, người dân không có nghĩa vụ phải giữ lại nếp nhà đã xuống cấp trầm trọng để phục vụ cho các đoàn làm phim tái hiện những thước phim cổ.
Song, đô thị hóa và công tác bảo tồn là hai việc khác nhau, đều cần thiết nên phải làm sao cho thật hài hòa. Chị Huyền cũng cho hay: “Rất nhiều người tiếc cho không gian của Thụy Hương và Hương Gia”. Đạo diễn nhiều tâm huyết Nguyễn Hữu Phần tâm sự rằng con người thay đổi là tất yếu, quá trình đô thị hóa cũng là tất yếu. Cùng với đó là văn hóa làng dần mất đi, hương ước không còn, chất cộng đồng vơi cạn.
Từ chuyện phim suy tới chuyện làng, không gian xưa cũ và buồn cho công tác bảo tồn, tôn tạo. Bảo vệ kết cấu làng là việc không chỉ để dành sản xuất phim, mà một vấn đề quan trọng nữa là bảo vệ những di sản, lề thói, nếp sống và nét văn hóa độc đáo.