Khi Tổ quốc gọi tên mình
Trở thành thuyền trưởng khi mới 26 tuổi, Đại úy Lê Trung Thành (SN 1983, quê Quảng Ngãi) - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 được ví là “lá chắn thép” trong biên đội tàu Cảnh sát Biển (CSB) canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương.
Năm 2007, Thành tốt nghiệp Học viện Hải quân và về công tác tại Vùng 4 Hải quân đóng quân ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Một năm sau, anh nhận nhiệm vụ mới tại Vùng CSB 2.
Trải qua nhiều chức vụ như Phó thuyền trưởng quân sự tàu CSB 2014, Thuyền trưởng tàu CSB 2013, đến tháng 8/2012 anh gánh trọng trách Thuyền trưởng tàu CSB 4033 - con tàu đã trở thành biểu tượng sống về lòng quả cảm của những người lính biển Việt Nam khi đối mặt tàu hiện đại của Trung Quốc trong 75 ngày đêm đấu tranh đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tháng 7/2015, anh quay trở lại Học viện Hải quân tham gia khóa đào tạo chỉ huy tham mưu cấp chiến thuật chiến dịch.
Trong quãng thời gian 75 ngày đêm gian khổ, Thành đã trực tiếp chỉ huy tàu 73 lần tiến vào khu vực giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền và hàng trăm lần đối đầu trực tiếp với các lớp tàu bảo vệ bố trí dày đặc của Trung Quốc, bất chấp các tàu tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, máy bay chiến đấu, trinh sát sẵn sàng tiến hành chèn ép, đâm va, phun vòi rồng công suất lớn và nhấn chìm tàu ta khi tiếp cận giàn khoan.
“Là một quân nhân, với tôi, không có vinh dự nào hơn là được hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước. Khi Tổ quốc gọi tên mình, tuổi trẻ chúng ta chỉ cần có tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn thì có thể làm được những điều mà mình mong muốn”.
Đại úy Lê Trung Thành chia sẻ, những ngày anh thực hiện nhiệm vụ trên biển cũng là những ngày mẹ đẻ anh mắc bệnh ung thư vòm họng phải vào Bệnh viện Ung bướu Sài Gòn chữa trị. “Tôi xác định làm sao để hoàn thành nhiệm vụ rồi trở về với gia đình. Tôi còn nhớ rõ lời mẹ dặn: “Con cứ an tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ thật tốt, như vậy là báo hiếu cho cha mẹ rồi!”. Do đó, tôi nghĩ mình phải hành động và quyết tâm nhiều hơn nữa”.
Trong thời gian làm nhiệm vụ, anh Thành không biết mình được bình chọn và trao giải cho đến khi được Ban Tổ chức mời đến nhận giải. “Đây là nhiệm vụ hết sức bình thường của những người lính chúng tôi được Tổ quốc trao trọng trách. Trong thời gian tới tôi tiếp tục phấn đấu để đảm nhận những trọng trách mà đất nước và quân đội giao cho để giữ vững chủ quyền Tổ quốc” - anh Thành nói.
Đại úy Lê Trung Thành và Tiến sĩ Phan Minh Liêm |
Ở đâu cũng luôn hướng về Việt Nam
TS Phan Minh Liêm - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014 cùng đồng sự vẫn tiếp tục nghiên cứu phương pháp đẩy lùi căn bệnh ung thư.
Thi đỗ vào ngành Công nghệ sinh học Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM năm 2001, Liêm tham gia các hoạt động phong trào và nghiên cứu khoa học. Với sự cố gắng liên tục và các đóng góp cho cộng đồng, Liêm được Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) trao học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ vào năm thứ 3 đại học. Liêm đến Mỹ năm 2005.
Được nghiên cứu tại trung tâm ung thư hàng đầu thế giới MD Anderson ở Texas, Liêm có 15 công trình nghiên cứu xuất bản cùng với các cộng sự trên các tạp chí khoa học quốc tế về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (Proceedings of The National Academy of Sciences), tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ (Journal of National Cancer Institute)...
TS Liêm vinh dự được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên sau đại học của Đại học Texas (Viện Anderson). Trong lịch sử 73 năm từ khi Viện thành lập, đây là lần đầu tiên và duy nhất một sinh viên quốc tế được bầu vào vị trí Chủ tịch. Tiến sĩ Liêm làm rạng danh cộng đồng du học sinh Việt Nam khi trở thành thủ lĩnh dẫn dắt các phong trào của sinh viên xuất sắc nhiều quốc gia trên thế giới hội tụ tại Đại học Texas.
Là người hành động, TS Liêm không chờ đến khi học xong mới trở về đóng góp cho sự phát triển quê hương. Năm 2012 TS Liêm góp phần bắc nhịp cầu đưa các giáo sư hàng đầu của Viện MD Anderson giảng dạy khoá học về ung thư cho hơn 100 bác sĩ, nhà khoa học, sinh viên tại Việt Nam.
Ngoài ra, TS Liêm và cộng sự thành lập tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (Vietnam Journal of Science, www.vjsonline.org) để giúp cung cấp các thông tin khoa học quan trọng cho độc giả và đóng góp vào sự phát triển của khoa học công nghệ tại Việt Nam... TS Liêm chia sẻ, để đạt được thành tựu như hiện nay, anh nỗ lực trên cả 3 phương diện: đạo đức, sức khoẻ và tài năng với triết lý “Nơi nào có ý chí, nơi đó có một con đường”.
Sau một thời gian dài nghiên cứu về ung thư tại Việt Nam cùng các giáo sư, bác sĩ tại Trung tâm Ung thư MD Anderson, sắp tới anh phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ,... tổ chức các buổi nói chuyện dành cho công chúng về nguyên nhân, cách phòng ngừa ung thư tại Việt Nam.
TS Liêm nhận Giải thưởng và học bổng nghiên cứu khoa học (NCKH) của Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ trao tặng cho các nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực ung thư; Giải thưởng và học bổng NCKH của các tổ chức Rosalie B. Hite Foundation, Cancer Answer Foundation, Andrew-Huggins Foundation,... dành cho các nhà nghiên cứu ung thư xuất sắc.
Đồng thời, TS Liêm còn nhận được danh hiệu Học giả Sylvan Rodriguez dành cho các nhà khoa học xuất sắc có những đóng góp quan trọng cho cộng đồng; các giải thưởng khoa học do Viện MD Anderson, Trường Đại học Texas, Quốc hội, Bộ Quốc phòng Mỹ, Quỹ Giáo dục Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ trao tặng; Giải thưởng Phục vụ cộng đồng do Hội Sinh viên của Trường Đại học Texas Houston trao tặng.
“Chị ra đi nhưng tôi vẫn tiếp tục...”
Tốt nghiệp Khoa Luật Trường đại học Đà Lạt, Nguyễn Thủy Tiên đang làm trợ lý giám đốc của một khách sạn Pháp thì chị gái cô bị ung thư vú, cả gia đình chao đảo. Tiên bỏ tất cả ra Hà Nội để chăm sóc chị. Từ việc tìm kiếm thông tin giúp chị và những bệnh nhân khác cùng cảnh ngộ, Tiên nhận ra chưa có tổ chức nào đứng ra hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú.
Bằng sự nỗ lực, 2 chị em Thương Sobey và Thủy Tiên đã sáng lập và điều hành dự án “Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam”. Tháng 3/2015, chị gái Thủy Tiên ra đi.
Sau cú sốc đau đớn này, Thủy Tiên đã mạnh mẽ vượt qua và hứa giúp chị gái mình thực hiện ước mơ: “Chị ấy ra đi nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc của chị, thắp hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư vú khác”. Thủy Tiên là 1 trong 10 người nhận giải thưởng năm 2015 được trao trong những ngày kỷ niệm này.
Và còn rất nhiều Gương mặt trẻ tiêu biểu đang ngày đêm phấn đấu vươn lên khẳng định mình và đạt được những thành công lớn trên đấu trường khu vực và quốc tế trên rất nhiều lĩnh vực. Họ nỗ lực không ngừng để xứng đáng là thế hệ tiếp nối đầy triển vọng của cha anh và đưa hình ảnh Việt Nam tỏa sáng với bạn bè thế giới…
Chưa thể hài lòng, hãy biết sốt ruột
“Trong không khí vui mừng này nhưng chúng ta chưa thể hài lòng! Để chuyển từ lao động phát triển cơ bắp, số lượng sang phát triển bằng trí tuệ, chất xám, chất lượng, các bạn trẻ tài năng góp phần thay đổi điều đó. Hãy biết “sốt ruột” vì sự phát triển chưa ngang tầm với mong muốn của chính chúng ta... Mỗi người cùng góp sức làm điều tử tế để xã hội giàu mạnh, văn minh. Các bạn là người tiên tiến của thanh niên, tôi mong muốn mỗi người cùng góp sức nâng đỡ xã hội phát triển, lành mạnh” - nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ.