Trước đó, sáng 30/11, gia đình nhận được tin từ nhà trường báo con gái bị ngất trong trường. Vào đến trường, phụ huynh thấy con gái đang nằm trong phòng y tế. Sau đó, gia đình mới biết con để lại hai lá thư tuyệt mệnh với nội dung lấy cái chết chứng minh mình không phạm lỗi như nhà trường đã xử lý.
Theo chẩn đoán của bệnh viện, nữ sinh nhập viện do hạ đường huyết, cố tình tự đầu độc bằng Salbutamol, trào ngược dạ dày thực quản, đau đầu, táo bón. Hiện sức khoẻ nữ sinh này đã dần ổn định.
Gia đình cho rằng con gái mình bị uất ức do bị nhà trường xử lý vi phạm quy chế, vì em không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức. Ngoài ra, em còn bị thường xuyên nhắc nhở vì mặc áo dài mỏng khiến nhiều bạn chú ý, khiến em ngượng ngùng. Khi cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở thì nữ sinh dùng điện thoại ghi âm lại. Sau đó, nữ sinh bị kết luận vi phạm sử dụng điện thoại ghi âm trong giờ học.
Gia đình đã gặp nhà trường và nữ sinh đã xin lỗi cô giáo chủ nhiệm. Ngày 28/11, trường vẫn có giấy thông báo những sai phạm của nữ sinh gửi về gia đình. Thông báo cho rằng nữ sinh “phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học”. Trường yêu cầu em phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1 - 12/12. Hàng ngày, em phải có mặt tại trường từ 6h30 - 6h50 để các cô luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và lao động tại trường.
Sau thông báo này, nữ sinh một lần nữa khẳng định mình “không làm sai”, và sau đó đã có động thái dại dột như trên.
Tâm lý của lứa tuổi học sinh còn chưa ổn định, cộng với việc xưa nay xã hội đều tôn trọng sự dạy dỗ của thầy cô giáo với học sinh, chưa kể việc “xử lý kỷ luật” với học trò chỉ là những quy tắc chung chung chứ không thể đo đếm chính xác từng ly từng lượng; thế nên mới có nhận định “thôi thì 9 bỏ làm 10”, nên tìm biện pháp nào để cô trò dung hòa nhau nhất.
Thế nhưng cô giáo chủ nhiệm của nạn nhân sau đó đã có một động thái gây bàng hoàng, khiến sự việc đã vỡ ra rõ ràng ai đúng ai sai. Lẽ ra phải ý thức được rằng dù học trò có bất kỳ sai trái nào thì người dạy cũng có phần trách nhiệm. Thế nhưng trước cái chết hụt của học trò, người phụ nữ này đã lên mạng hả hê (dẫn nguyên văn):
“Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen… Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!”.
Xin giải thích thêm, người phụ nữ này viết “có một loài chim”, phải chăng vì tên học sinh tìm đến cái chết của mình cũng là tên một loài chim?
Lãnh đạo Sở GD&ĐT An Giang đánh giá những lời lẽ ẩn ý, bình luận của người phụ nữ này là “không hay, vô cảm”. Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đánh giá như thế là chưa đủ. Thầy cô giáo phải có cái tâm nhân ái. Nếu độc ác cười vào cái chết của người khác, “hơn thua” với một đứa trẻ như vậy thì không nên đứng trên bục giảng.