Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, với việc công bố kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) vào cuối năm 2015 và công bố toàn bộ văn bản Hiệp định vào tháng 2/2016, Việt Nam và EU dự kiến sẽ ký chính thức Hiệp định trong vài tháng tới. Đây là hiệp định hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng để tăng mạnh luồng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU nhờ lộ trình giảm thuế và các cam kết tiếp cận thị trường.
Tại cuộc họp báo bên lề Hội thảo, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, ông Phùng Hữu Hào – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam vào thị trường EU đạt trên 31 tỉ USD, trong năm 2016 dự kiến đạt khoảng 32 tỉ USD. Khi EVFTA có hiệu lực từ 2018, ông Hào đặt kỳ vọng rất lớn vào triển vọng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang EU.
Để có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU, ông Phil Hogan - Cao ủy phụ trách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của EU Phil Hogan cho rằng Việt Nam nên coi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là ưu tiên hàng đầu. Ông Hogan cũng khẳng định EU sẵn sàng giúp Việt Nam nâng cao việc quản lý chất lượng VSATTP, đưa ra các chuẩn mực hài hòa, chặt chẽ trong vấn đề này.
Khẳng định VSATTP là một vướng mắc mà Việt Nam cần EU hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện EVFTA, ông Hào đề nghị EU hỗ trợ Việt Nam về truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nâng cấp trang thiết bị phòng kiểm nghiệm; tập huấn cán bộ để phát hiện tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất cấm, chất bảo vệ thực vật ở hàm lượng có mặt rất nhỏ… Còn ông Đặng Hoàng Hải – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương – kỳ vọng, nhờ EVFTA, nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu nhóm mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang nước ngoài, cải thiện chất lượng hàng nông sản không chỉ cho xuất khẩu mà còn cho người tiêu dùng trong nước.
Về thông tin Thương vụ Việt Nam tại Pháp cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua cho biết Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) nghi ngờ công ty thép của Trung Quốc chuyển thép qua Việt Nam, có nhãn mác Việt Nam rồi xuất khẩu sang châu Âu trong năm 2013, 2014, ông Hải xác nhận đã nhận được công văn của phía OLAF. Theo ông Hải, phía Việt Nam đã thành lập đoàn với đầy đủ thành phần cần thiết bao gồm những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để làm việc với đoàn OLAF. “Việt Nam coi đây là một công việc phải làm để chống lại việc dùng gian lận thương mại để hưởng lợi ích từ quan hệ của chúng ta với các đối tác khác. Đây là một trong những việc mà Việt Nam tích cực hợp tác với phía EU để điều tra, làm rõ vụ việc và có những kết luận cũng như hình thức xử lý cần thiết” – ông nhấn mạnh.