Hết trộm cắt lại đến phá hoại
Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng hàng đầu được bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên lựa chọn để phát triển kinh tế hộ gia đình. Huyện Cư Kuin là một trong những địa phương trọng điểm trồng hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk, dọc hai bên những tuyến đường liên xã xuất hiện ngày càng nhiều ngôi nhà xây dựng kiên cố, khang trang.
Nhờ trồng hồ tiêu mà không ít hộ nông dân nơi đây đã trở thành tỷ phú, đời sống trở nên khấm khá, phát triển nhờ loại cây này. Trước sức hút của hồ tiêu, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng sơ hở của chủ vườn lẻn vào chặt trộm dây đem bán cho các đầu mối.
Theo thống kê của Công an huyện Cư Kuin, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn huyện đã xảy ra 16 vụ chặt phá vườn tiêu. Nhiều vụ việc khiến cho nông dân vô cùng bức xúc vì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Viết Vĩnh (ngụ thôn 5, xã Ea Hu) cho biết, vào cuối tháng 6 vừa qua, vườn tiêu nhà ông đã bị các đối tượng lẻn vào vườn chặt hạ 26 trụ tiêu cao 4m, đang ra trái non, ước tính thiệt hại lên tới hàng chục triệu đồng.
Vườn tiêu nhà ông Vĩnh trồng được 3 năm, đến năm nay mới ra đợt quả đầu tiên, chăm cây gần đến ngày hái quả thì xảy ra việc mất trộm nên ông rất buồn. Ngay sau khi phát hiện sự việc ông Vĩnh đã nhanh chóng trình báo chính quyền địa phương và công an huyện.
Không chỉ có vấn nạn cắt, nhổ trộm dây tiêu, ở địa phương còn xảy ra tình trạng chặt phá vườn tiêu với mục đích phá hoại kinh tế gây thiệt hại lớn cho chủ vườn. Điển hình như vụ rẫy tiêu của 2 anh em Thuận Năm, Thuận Lý (thôn 9, xã Ea Ning) đã bị chặt phá, hủy hoại hoàn toàn 204 trụ tiêu năm thứ 5 sắp cho thu hoạch, gây thiệt hại cho gia đình hàng trăm triệu đồng.
Việc phá hoại này thường xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống nên tìm cách phá hoại vườn cây của nhau để trả thù riêng.
Cũng giống như huyện Cư Kuin, tình trạng trộm hồ tiêu ở các huyện Krông Pắk, Krông Năng cũng diễn biến phức tạp. Mới đây nhất vào ngày 4 tháng 11, gia đình anh Nguyễn Văn Chuân (huyện Krông Năng), vừa bị chết 450 trụ tiêu nghi do kẻ gian phun thuốc cỏ ước tính thiệt hại khoảng 700 triệu đồng.
Tương tự, tại huyện Cư M’gar, một trong những huyện trọng điểm về sản xuất hồ tiêu của Đắk Lắk, chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra hàng trăm vụ trộm cắp tiêu, gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Đặc biệt, lợi dụng nhiều vườn hồ tiêu ở xa các khu dân cư, bọn trộm cắp còn chặt cả cành, cả cây có quả để đưa ra nơi khác tuốt quả, gây thiệt hại lớn trước mắt cũng như về lâu dài cho người trồng.
Nhiều người suy đoán, ngoài những lý do trộm cắt dây tiêu đem bán, trồng, trả thù thì một trong những nguyên nhân khiến nạn trộm tiêu diễn ra phức tạp là do không ít thương lái, đại lý ham của rẻ, sẵn sàng thu mua.
Cần mạnh tay hơn nữa
Có thể thấy, các đối tượng cắt trộm, phá hoại vườn tiêu thường chọn thời điểm vào ban đêm, lợi dụng chủ vườn không trông coi để hành động. Trước khi đi cắt trộm, dây tiêu, đa phần các đối tượng đều đã có mối tiêu thụ sản phẩm nên sau khi cắt trộm nhanh chóng tẩu tán tang vật.
Một số vụ phá hoại vườn tiêu vì thù hằn lẫn nhau, các đối tượng sử dụng công cụ như dao, liềm chặt vào gốc để tiêu không còn khả năng phục hồi hoặc phun thuốc cỏ cho chết. Dấu vết của các vụ việc để lại hiện trường nhiều khi bị cơn mưa cuối mùa xóa mất, gây khó khăn cho công tác điều tra.
Vấn nạn cắt trộm, phá hoại vườn tiêu khiến nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh điêu đứng, khốn khổ. Để đề cao cảnh giác, đặc biệt là khi mùa thu hoạch đang tới gần, nhiều hộ đã phải thuê hoặc cắt cử người trông nom vườn 24/24 giờ.
Một nông dân chia sẻ: “Nhà tôi trồng gần 1ha tiêu được một năm, có nhiều người hỏi mua giống và tôi đã nhận đặt cọc của hai người. Suốt cả tháng nay tôi phải cắt cử người canh giữ vườn tiêu vì sợ bị cắt trộm. Nhiều gia đình khác cũng cử người canh đề phòng trộm”.
Đại tá Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng Công an huyện Cư Kuin cho biết, từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã phối hợp với công an các xã tiến hành điều tra làm rõ 5 vụ trộm cắp dây tiêu, khởi tố 9 bị can, nổi lên trong đó vụ trộm dây tiêu của hộ ông Vĩnh (xã Ea Hu). Để từng bước ngăn chặn tình trạng này, Công an huyện với chức năng của mình sẽ tăng cường lực lượng điều tra trấn áp tội phạm.
Tuy nhiên về lâu dài, các ban, ngành của địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, tổ chức hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng, tránh tình trạng phá hoại cây trồng của nhau.
Nhằm dẹp yên vấn nạn trên, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo và kết hợp với công an các địa phương cùng lực lượng an ninh ở địa bàn các xã tiếp tục đấu tranh đảm bảo trật tự, chấm dứt hẳn nạn “tiêu tặc”, gây hoang mang trong dư luận. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai lực lượng trấn áp các đối tượng để người dân ổn định đời sống, an tâm sản xuất.
Tại các vùng trọng điểm trồng tiêu, lực lượng dân quân, công an xã cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để tuần tra, bảo vệ, tuyên truyền, vận động bà con chủ động tố giác tội phạm, xử lý nghiêm các đối tượng cắt trộm, phá hoại tiêu.
Dù được sự hỗ trợ, vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng bà con nông dân cũng cần đề cao cảnh giác, có biện pháp thích hợp để bảo vệ vườn cây “bạc tỷ” nhà mình, đặc biệt là khi mùa thu hoạch tới gần.