Trao đổi với phóng viên, ông Lê Sỹ Quý, quyền trưởng phòng nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết “Hồ tiêu mấy năm nay đang được giá, người dân trồng mới còn không được thì làm gì có chuyện người dân cắt rễ hồ tiêu đem bán. Với lại cây tiêu mà bị cắt rễ đi thì làm sao mà còn sống được”.
Bà Nguyễn Thị Gái, một người dân trồng hồ tiêu tại thôn 4, xã Ia Blang cũng cho biết thêm “Mỗi trụ tiêu tôi thu cả triệu đồng một năm thì vì sao phải bán rễ chứ. Với lại, chúng tôi ở đây nhưng cũng chẳng nghe thấy ai đến hỏi mua rễ tiêu trong năm nay cả”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin “thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua rễ cây hồ tiêu” trong thời gian gần đây là bắt nguồn từ việc vào khoảng tháng tháng 3/2014, khi ba hộ dân là hộ ông Khánh, ông Nam và ông Dũng (đều trú tại thôn Vinh Hà, xã Ia Blang) muốn phá bỏ vườn tiêu già cỗi nên đã điện thoại cho ông Mai Xuân Dũng (trú cùng thôn, người đã từng thu mua rễ tiêu của người dân vào năm 2012).
Ông Mai Xuân Dũng đã xuống vườn và thu mua được khoảng 200 kg rễ tiêu khô, đựng trong 12 bao tải và vận chuyển ra gần đường quốc lộ 14 để chuyển về Nha Trang cho thương lái. Ngay khi ông Mai Xuân Dũng đang vận chuyển số rễ tiêu khô trên ra đường quốc lộ 14 thì bị công an huyện Chư Sê phối hợp cùng với công an xã Ia Blang lập biên bản, tạm giữ 12 bao rễ tiêu khô.
Cũng theo báo cáo của công an huyện Chư Sê ngày 21/4/2014 cho biết “Hiện nay việc thu gom chỉ trong mức độ gia đình, nguồn thu mua chủ yếu trong những vườn cây già cỗi, hoặc những vườn tiêu chết mà dân chúng muốn chặt phá bỏ.
Với giá thu mua hiện nay là khoảng 45.000/ kg rễ tiêu khô, hiện tại khó có khả năng việc người dân đào trộm rễ tiêu bán vì việc đào rễ tiêu rất khó khăn, rễ tiêu rất ít nên hầu như lợi nhuận về kinh tế là không có. Chỉ có những vườn tiêu phá bỏ, thuê xe múc đất tái canh thì việc thu mua gốc rễ mới thuận lợi”
Trước thực tế khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc thu mua rễ hồ tiêu tươi ồ ạt, ông Bùi Sỹ Nguyên, Chánh văn phòng ủy ban nhân dân huyện Chư Sê cho biết:
“Thực tế trong năm 2014, cả huyện Chư Sê chỉ phát hiện chuyện mua bán có 12 bao rễ hồ tiêu của ông Mai Xuân Dũng cách đây hơn một tháng và đã tiến hành lập biên bản. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, thường vụ huyện ủy, UBND huyện Chư Sê phối hợp với các cơ quan chức năng đã chỉ đạo các ban ngành có liên quan vận động và tuyên truyền cho người dân không nên tham gia vận chuyển rễ cây hồ tiêu bởi chúng ta chưa biết mục đích người ta thu mua rễ hồ tiêu làm gì. Thực tế, cho đến hôm nay chúng tôi vẫn chưa phát hiện thêm vụ buôn bán vận chuyển rễ cây hồ tiêu nào nữa”./.