Đáng chú ý là ông phó giám đốc ngân hàng sau vụ việc này lại được lãnh đạo đồng nghiệp nhận xét là trước nay “không có biểu hiện sa ngã”. Nhận xét này làm chúng ta nhớ lại các vụ vi phạm đạo đức, pháp luật nghiêm trọng xảy ra gần đây, khi những người có trách nhiệm được hỏi về tư cách, phẩm chất của người gây ra hành vi đó đều được nhận xét rất tốt.
Ông hiệu trưởng ấu dâm nam được bà hiệu phó cho rằng năng lực tốt, quản lý điều hành nhà trường không xảy ra chuyện gì. Giáo viên nam phạm tội hiếp dâm trẻ em cũng được cho là tích cực công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người phụ nữ trẻ uống rượu lái xe gây ra một vụ tai nạn giao thông kinh hoàng trên đường Trích Sài (Hà Nội) thì được đánh giá là một người hiền lành...Những nhận xét tương tự kiểu này còn thấy ở nhiều trường hợp khác khi có người cùng cơ quan, cấp dưới hoặc công dân thuộc địa bàn mình phụ trách có hành vi phạm tội.
Thoạt nghe việc nói tốt cho đồng nghiệp hoặc cho nghi phạm tưởng như đó là cách hành xử tránh được thói “giậu đổ, bìm leo” nhưng thực chất đó là sự né tránh trách nhiệm, tỏ ra bất ngờ để tỏ ra là mình không biết, không liên lụy gì. Thái độ ứng xử đó không đánh lừa được dư luận, nhiều ý kiến bình luận còn cho đó là sự đồng lõa với tội ác hoặc chí ít là làm ngơ, thiếu trách nhiệm, không ngăn chặn những hành vi xấu của người cùng cơ quan, đơn vị. Đó là sự bao biện cho chính mình chứ không phải chỉ là “nói tốt” cho kẻ phạm tội.
Cũng là một sự bao biện nhưng nhằm chứng minh là mình xử sự đúng như thu phí khí thải của các phương tiện giao thông thì bảo là căn cứ vào “đề xuất của cử tri” hay muốn cấm xe máy thì chứng minh rằng đa số người dân trên địa bàn được hỏi ý kiến đều đồng thuận.
Những hành vi ứng xử này đều vấp phải sự phản ứng của dư luận và tất nhiên làm suy giảm niềm tin của xã hội vào sự “đường đường, chính chính” của những người có cương vị và trách nhiệm.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu