Theo quy định của từng trường ĐH phải mất ít nhất 4-5 năm để sở hữu cho mình một tấm bằng, nhưng với công nghệ làm giả “cao thủ” hiện nay thì việc nhận bằng ĐH cùng các loại chứng chỉ giấy tờ chỉ mất vài ngày, thậm chí là “thần tốc”.
Nguy hiểm hơn, bằng cấp giả đồng nghĩa với trình độ kiến thức hiểu biết giả nhưng lại được ngồi vào “cái ghế” thật nắm quyền lực, mà “quyền đẻ ra tiền”, tất sẽ phát sinh nhiều cái giả khác, như đạo đức giả, học vị giả, tri thức giả, thành tích giả...
Còn bao nhiêu tấm bằng giả đang lưu hành trong giới cán bộ, công chức? Không ai biết chính xác câu trả lời. Nhưng hãy xem lời mời chào trên mạng làm bằng giả từ phổ thông lên tới tiến sĩ thì cũng đủ mường tượng ra nhu cầu tấm bằng trong xã hội Việt Nam hiện lớn như thế nào.
Theo nhà giáo Lê Vinh, bằng cấp và kiến thức lẽ ra là một, nhưng ở Việt Nam lại không phải vậy. Việc học giả, bằng thật cũng không phải là hiếm. Từ bằng tiến sĩ tới bằng cử nhân không hiếm trường hợp những người có bằng chỉ là thứ “thùng rỗng kêu to” mà thôi.
Thời nay, nhiều người có bằng bổ túc trung học, có bằng cử nhân tại chức, nhờ người học thuê, làm thuê luận án, luận văn, giờ có bằng thạc sĩ, tiến sĩ thật nên… hãnh tiến với đời.
Bởi vậy các trung tâm giáo dục thường xuyên, những “Harvad địa phương”, liên kết với các trường ĐH thành những chiếc máy in phát bằng cử nhân, bằng thạc sĩ kể cả do nước ngoài cấp. Trọng bằng cấp, không trọng kiến thức đang là vấn nạn hủy hoại xã hội, làm tha hoá một bộ phận không nhỏ những người làm giáo dục, kể cả người quản lý lẫn các thày cô.
Bây giờ, khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực, không còn khái niệm bằng chính quy hay bằng tại chức, sự phân biệt đã được giấu nhẹm, người học tại chức được quyền nhận bằng cử nhân như học sinh chính quy. Quy định này là hình thức trộn lẫn hàng thật và hàng giả, hàng có chất lượng và hàng nhái bởi vậy người sử dụng nhân lực cần phải là những người tiêu dùng thông thái.
Tất nhiên, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân từ trước tới nay tuyển dụng nhân viên theo phương thức “Anh, chị làm được những gì?”, ít ảnh hưởng tới quy định một loại bằng khi luật có hiệu lực.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, cơ chế tuyển dụng là nguyên nhân gây ra vấn nạn bằng giả. Chính các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cũng đề cao bằng cấp chứ không mấy khi đề cao thực hành. Đây là nguyên nhân khó kiểm soát chất lượng của các loại bằng cấp. Hệ lụy đó có thể dẫn tới nhiều người sẽ sử dụng bằng giả để đạt được mục đích của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, chừng nào còn những “con voi chui lọt lỗ kim” như vụ việc hy hữu bà Sa (tức Thảo) ở Đắk Lắk thì nó cũng là nguyên nhân khiến cho một loạt điều trái ngang phát sinh, một loạt điều nghịch lý nối đuôi nảy nở theo hiệu ứng đôminô.
Có lẽ nỗi ám ảnh về sự nghèo khó, khát vọng thay đổi cuộc đời bằng đường quan lộc… khiến người Việt luôn quá chú trọng đến danh phận, chức tước, địa vị và xem đó như một tiêu chí đánh giá, một thước đo về sự thành đạt và giá trị con người.
Trong khi, giá trị thực sự của một con người là ở chính nhân cách, nhận thức và những đóng góp của họ đối với cộng đồng, chứ không phải ở chỗ “kiếm được” bao nhiêu, giàu cỡ nào và ngồi “chiếu” nào?
Thế nhưng, nỗi ám ảnh ấy vẫn nặng nề và lớn đến mức khiến các thế hệ sau không biết lấy gì để lấp đầy được những tham vọng ấy? Chẳng thế, mới dẫn tới những hệ lụy cả gia đình, dòng họ lo chạy điểm cho con như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… Và câu chuyện dường như khó có hồi kết…