Đã có nước dừng tiêm vaccine ngừa COVID-19
Đan Mạch vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới dừng chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, với lý do dịch bệnh tại nước này đã được kiểm soát. Theo đó, từ ngày 15/5, người dân sẽ không được mời tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng mọi người vẫn có thể đến các điểm tiêm chủng để hoàn thành nốt các mũi tiêm còn lại.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Đan Mạch bắt đầu khá sớm từ sau Giáng sinh năm 2020. Tới nay, khoảng 4,8 triệu dân đã được tiêm chủng, trong đó hơn 3,6 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Trong khi đó, nhiều người dân Đan Mạch đã mắc COVID-19 sau khi Omicron trở thành biến thể nổi trội, điều đó có nghĩa là mức độ miễn dịch trong dân số đã ở mức cao.
Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Đan Mạch khẳng định người dân vẫn có thể tiêm chủng trong mùa xuân hoặc mùa hè nếu họ muốn và các điểm tiêm chủng vẫn mở cửa trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng vẫn được khuyến cáo đối với những người có nguy cơ cao. Giới chức y tế sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch COVID-19 và sẵn sàng tái khởi động chương trình tiêm chủng nếu cần thiết.
Quyết định của Đan Mạch đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn phức tạp. Tuy nhiên, đến nay, châu Âu, Mỹ đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch COVID-19 và một số nước châu Á cũng đang theo tiến trình tương tự.
Mới nhất là Hàn Quốc, Chính phủ nước này thông báo bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 2/5. Đây là bước đi tiếp theo của Hàn Quốc để người dân có thể thực sự trở lại với cuộc sống bình thường sau khi nước này đã bãi bỏ hầu như hoàn toàn các quy định về giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19 từ ngày 18/4, trừ việc bắt buộc đeo khẩu trang (quy định này được áp dụng từ ngày 13/10/202).
Quyết định bãi bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời được đưa ra tại cuộc họp Ủy ban trung ương về các biện pháp an toàn và phòng chống thảm họa do Thủ tướng Kim Bu-gyeom chủ trì. Tuy nhiên, với các sự kiện trong nhà và sự kiện ngoài trời có quy mô trên 50 người, người dân vẫn phải đeo khẩu trang.
Một quan chức Hàn Quốc cho biết lý do Chính phủ quyết định dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời từ ngày 2/5 là vì giới chuyên môn đánh giá rằng mức độ lây nhiễm COVID-19 trong nước sẽ tiếp tục giảm đáng kể. Tính đến hết ngày 28/4, Hàn Quốc có 552 bệnh nhân nặng đang điều trị, giảm 35% so với mức 846 bệnh nhân trong tuần kết thúc ngày 21/4. Số ca tử vong do COVID-19 trong tuần từ 22-28/4 là 921 người, giảm 30% so với tuần trước đó.
Đan Mạch đã dừng chiến dịch tiêm vaccine COVID-19. |
Mặc dù dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời, song nhà chức trách Hàn Quốc vẫn khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang ở những khu mua sắm hoặc công viên thành phố, nơi tập trung đông người vào giờ cao điểm.
Ngày 27/4, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Malayisa Khairy Jamaluddin cho biết sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những điểm công cộng ngoài trời. Tuy nhiên, đây vẫn là yêu cầu bắt buộc tại các điểm công cộng như sân bay, xe buýt, nhà thờ, lớp học...
Ngoài ra, cơ quan y tế vẫn khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi tham dự các sự kiện đông người để đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan của virus gây bệnh COVID-19. Nhóm có nguy cơ cao như người cao tuổi, những người có bệnh lý nền, chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và trẻ em tiếp tục phải sử dụng khẩu trang tại những nơi công cộng.
Bộ trưởng Khairy cho biết quy định quét mã truy vết QR thông qua phầm mềm được cài đặt trên điện thoại di động MySejahtera trước khi vào nơi công cộng cũng được dỡ bỏ.
Những điểm mới trong quy định về xét nghiệm COVID-19 gồm những người nhiễm COVID-19 sẽ chỉ phải cách ly thêm 4 ngày, thay vì 7 ngày như trước đây nếu họ có kết quả âm tính. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính sẽ tiếp tục cách ly 7 ngày. Những người đã hoàn thành tiêm chủng và trẻ em dưới 12 tuổi được miễn xét nghiệm trước khi lên máy bay, khi tham gia giao thông công cộng và khi nhập cảnh vào Malaysia. Những người chưa hoàn thành tiêm chủng sẽ bắt buộc phải xét nghiệm PCR trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành và xét nghiệm nhanh trong vòng 24 giờ khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, du khách nhập cảnh sẽ buộc phải cách ly 5 ngày.
Việc bắt buộc mua bảo hiểm COVID-19 khi nhập cảnh sẽ được dỡ bỏ với tất cả du khách khi đến Malaysia. Mọi lĩnh vực kinh tế sẽ được hoạt động trở lại từ ngày 15/5, trong đó có các quán bar và vũ trường.
Liệu có “xem nhẹ” cách thức virus lây lan?
Trong khi nhiều nước nới lỏng, thậm chí xóa bỏ hoàn toàn các biện pháp chống dịch như trên thì Trung Quốc vẫn đang làm rất nghiêm. Giới chức thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) hôm 28/4 đã công bố xét nghiệm hàng loạt cho gần 1/3 trong tổng số gần 19 triệu cư dân, sau khi một kết quả xét nghiệm “bất thường” được phát hiện tại sân bay. Phần lớn các chuyến bay trong thành phố đã bị hủy vì ca nghi nhiễm này.
Trong khi đó, trung tâm công nghệ Hàng Châu (gần Thượng Hải) hôm 27/4 yêu cầu 9,4 triệu người trong tổng số 12,2 triệu dân phải xét nghiệm sau mỗi 48 giờ nếu muốn đến nơi đông người và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Chính quyền Hàng Châu ra tuyên bố nói rằng họ đặt mục tiêu khiến “virus không có nơi nào để tồn tại”, làm dấy lên lo ngại về việc áp đặt các biện pháp hạn chế trên toàn thành phố, nơi đặt trụ sở một số công ty lớn nhất Trung Quốc.
Trung Quốc ngày 28/4 ghi nhận 11.367 ca nhiễm mới, trong đó hơn 10.000 ca ở Thượng Hải, trong bối cảnh nước này đối mặt đợt bùng phát tồi tệ nhất từ sau Vũ Hán. Thượng Hải báo cáo thêm hàng chục ca tử vong, trong khi Thủ đô Bắc Kinh phong tỏa những khu vực phát hiện ca nhiễm.
Các chuyên gia, nhà quản lý y tế thì lo ngại trước những ứng phó với dịch bệnh của nhiều quốc gia. Cụ thể, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc Covid-19, cho rằng thế giới đang “xem nhẹ” cách thức virus lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm.
Phát biểu họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva vào ngày 27/4, người đứng đầu WHO nêu rõ trong tuần cuối tháng 4, WHO vẫn nhận được báo cáo về hơn 15.000 ca bệnh không qua khỏi do Covid-19, mức theo tuần thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Dù đây là xu hướng đáng hoan nghênh, song khi mà nhiều nước giảm xét nghiệm, WHO sẽ ngày càng nhận được ít thông tin về cách thức lây lan và giải trình tự. Điều này khiến thế giới ngày càng khó nắm bắt được các mô hình lây truyền và tiến hóa của virus.
Trong khi đó, ông William Rodriguez, người đứng đầu Liên minh chẩn đoán toàn cầu FIND, cũng phản ánh việc Chính phủ nhiều nước giảm theo dõi các ca mắc Covid-19 trong những tháng gần đây.
Theo ông Rodriguez, trong 4 tháng qua, dù làn sóng dịch do biến thể Omicron lan mạnh, song tỷ lệ xét nghiệm đã giảm từ 70-90% trên toàn cầu. Điều đáng ngạc nhiên là tỷ lệ xét nghiệm giảm cho dù việc tiếp cận với xét nghiệm chính xác đã thuận lợi hơn nhiều so với trước. Ông Rodriguez cho rằng việc cắt giảm xét nghiệm Covid-19 sẽ khiến thế giới trở nên “mù mịt” trước những gì đang xảy ra với virus SARS-CoV-2.