Nhấn mạnh vấn đề chất lượng
Anh Nguyễn Văn Đức (quận Đống Đa, TP.Hà Nội) gửi cho chúng tôi một tình huống, trong đó anh phàn nàn một thực tế hiện đang tồn tại khá phổ biến tại các khu tập thể ở Hà Nội và một số đô thị lớn. Anh nói: “Khu nhà nơi tôi đang ở có hiện tượng lấn chiếm sân chung, vỉa hè làm nơi bày bán quán ăn trông tạm bợ, nhếch nhác và đặc biệt là rất mất vệ sinh. Chúng tôi đã thông báo lên UBND phường, phường hứa xem xét giải quyết nhưng thực tế vẫn không thay đổi. Xin hỏi, quy định của pháp luật về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố như thế nào? Ai là cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc này?”.
“Thức ăn đường phố” đã được định nghĩa rõ trong luật. Cụ thể, Khoản 26 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự”.
Pháp luật không ngăn cấm việc kinh doanh, bày bán thức ăn đường phố. Tuy nhiên, luật đưa ra những quy định cấm đối với hành vi chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố không đúng quy định. Theo đó, Khoản 13 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm quy định cấm “sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố”. Ngoài ra, điều 31 Luật An toàn thực phẩm cũng đã quy định 2 điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố, đó là: “Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố”.
Thanh tra từ 2 - 4 lần/năm
Bộ Y tế cũng đã có văn bản quy định chi tiết về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó, địa điểm bố trí kinh doanh ở khu vực công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội, khu triển lãm), hè đường phố; nơi bày bán thực phẩm cách biệt các nguồn ô nhiễm; bảo đảm sạch sẽ, không làm ô nhiễm môi trường xung quanh.
Trường hợp kinh doanh trên các phương tiện để bán rong phải thiết kế khoang chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, đồ uống bảo đảm vệ sinh, phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng gây hại. Có đủ trang thiết bị, dụng cụ để chế biến, bảo quản, bày bán riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn ngay; có đủ dụng cụ ăn uống, bao gói chứa đựng thức ăn bảo đảm vệ sinh; có đủ trang bị che đậy, bảo quản thức ăn trong quá trình vận chuyển, kinh doanh và bảo đảm luôn sạch sẽ; bàn ghế, giá tủ để bày bán thức ăn, đồ uống phải cách mặt đất ít nhất 60cm.
Người bán hàng phải mang trang phục sạch sẽ và gọn gàng; khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, đồ uống ăn ngay phải dùng găng tay sử dụng một lần. Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; đồng thời phải trang bị đầy đủ, sử dụng thường xuyên thùng rác có nắp, túi đựng để thu gom, chứa đựng rác thải và phải chuyển đến địa điểm thu gom rác thải công cộng trong ngày; nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường nơi kinh doanh.
Luật An toàn thực phẩm quy định UBND các cấp có vai trò trong quản lý kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài các cấp chính quyền, Thông tư 30/2012/TT-BYT còn quy định về công tác kiểm tra định kỳ của ngành này như sau:
“Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn quản lý. Tần suất kiểm tra:
1. Không quá 2 (hai) lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do đơn vị chức năng được UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
2. Không quá 3 (ba) lần/năm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do đơn vị chức năng được UBND huyện/quận ủy quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
3. Không quá 4 (bốn) lần/năm đối với đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố do UBND cấp xã/phường quản lý hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
3. Không quá 4 (bốn) lần/năm đối với đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố do UBND cấp xã/phường quản lý hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
Như vậy, quy định pháp luật về vấn đề kinh doanh thức ăn đường phố đã có. Để giải quyết những bức xúc, khó chịu mà người dân một số đô thị lớn đang phải đối mặt như trường hợp của bạn đọc nêu trên thì trước tiên phải có đơn phản ánh và kiến nghị giải quyết lên UBND cấp phường. Trường hợp UBND cấp phường cố tình “ngâm” đơn không giải quyết thì tiếp tục làm đơn khiếu nại hành vi chậm trả lời đơn thư của công dân.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com