Chăm rể để giữ rể
Nhiều gia đình sinh được cô con gái không mấy “tốt duyên” nên khi có được chàng rể quý, một số bà mẹ vợ ra sức chăm sóc con rể. Anh Tuấn Anh (ở Bùi Xương Trạch – Hà Nội) chia sẻ, anh và chị Thảo lấy nhau khi đã “cứng” tuổi, chị Thảo năm ấy cũng chuẩn bị bước sang tuổi 28, là nhân viên ngân hàng. Dù bằng tuổi vợ nhưng anh trông có vẻ trẻ trung hơn.
Sau khi kết hôn, gia đình hai bên cũng cố gắng giúp đỡ hai con mua một căn nhà nhỏ ở Bùi Xương Trạch. Từ khi con gái có bầu, mẹ chị Thảo lên hẳn đó ở với anh chị để tiện chăm sóc vợ anh. Nhưng cũng chính vì vậy, mọi công việc nhà đều do mẹ vợ anh làm, từ việc giặt giũ, là ủi cho đến nấu nướng, dọn dẹp.
Mỗi lần giặt đồ cho con rể, mẹ vợ anh thường tỉ mỉ ngâm cho thật trắng, dùng nước xả vải cho thật thơm và vuốt cho thật phẳng phiu. Khăn mặt hay bàn chải đánh răng thường được thay theo định kỳ. Thậm chí trong việc nấu nướng, bà cũng nấu cho anh những món ăn ngon, hợp khẩu vị và chế biến cầu kỳ, đủ chất dinh dưỡng.
Buổi sáng trước khi đi làm, anh luôn có một bữa sáng thịnh soạn và cốc nước cam ép nguyên chất. Buổi chiều đi làm về, anh có ngay một cốc đậu nành mẹ vợ tự xay. “Đến mẹ đẻ mình lắm khi còn chẳng được như thế” - anh Tuấn Anh cười nói.
Khi được hỏi về sự chăm sóc của mẹ đẻ với chồng mình, chị Thảo tâm sự: “Mẹ thường bảo tôi “mày đã không khéo lại già hơn chồng, bầu bí sinh con lại càng xấu xí, không chăm sóc chồng cẩn thận, nó lấy vợ khác, sau này mẹ con mày có mà ra đường ở”.
Rể chiều bố mẹ vợ hơn con gái
Khác với trường hợp của vợ chồng chị Thảo, anh Thạch (ở Yên Phụ - Tây Hồ) quen chị Trang cũng đã lâu, sau khi kết hôn, anh về ở rể nhà chị Trang. Gia đình chị là gia đình Việt kiều, thường xuyên đi đi về về trong và ngoài nước. Vốn luôn nghĩ rằng mình là người tỉnh lẻ, chưa có điều kiện để mua nhà riêng nên ở lại nhà vợ, anh luôn tỏ ra là một đứa con rể hiếu thảo, biết điều.
Bố mẹ vợ đi vắng, anh thay mẹ vợ chăm sóc vợ từng li từng. Còn khi bố mẹ vợ ở nhà, chưa bao giờ anh thức dậy muộn hơn bố mẹ vợ, cũng chưa bao giờ dùng bữa sáng trước bố mẹ và vợ con anh. Anh có thể đảm nhiệm được toàn bộ việc nhà khi chị giúp việc xin nghỉ phép.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Cũng rơi vào một gia đình có hai cô con gái, anh Minh (ở Minh Khai – Hà Nội) cười đùa và cho biết: “Người ta bảo rồi, nhà to con rể ở, sau này không phần tớ thì phần ai? Bố mẹ vợ tớ yêu quý tớ hơn thằng em cọc chèo vì ông bà cho gì tớ xin đấy chứ tớ không đòi hỏi gì cả. Thôi thì các cụ còn sống được bao lâu thì mình được nhờ bấy lâu, dại dột gì mà lại làm các cụ bực mình”.
Câu chuyện “con rể không phải là khách” không chỉ xuất hiện ở các trường hợp nêu trên mà còn tồn tại ở đại đa số các gia đình trong xã hội hiện nay, khi mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con. Một số gia đình còn quan niệm rằng “xa rể là mất con gái”, nếu không gần gũi, yêu thương con rể thì nó sẽ không cho con gái “thường xuyên về thăm cha mẹ” và như vậy là “mất con”. Và cũng có quan niệm cho rằng nếu không yêu thương con rể thì sẽ không có ai bênh vực con gái mình trước mặt “mẹ chồng”…
Vô vàn những lý do đưa ra, dù có hợp lý hay không thì kết quả nhận lại cũng theo một chiều hướng tích cực cho xã hội. Đó là các mối quan hệ giữa người với người được cải thiện hài hòa, các thành viên trong mỗi gia đình trở nên gắn bó, gia đình thêm êm ấm, hạnh phúc. Gia đình trở thành nơi mà mỗi thành viên “ước đến, quay về”.