“Biến tấu” trong phong tục cưới
Trước khi nam nữ “kết tóc” để thành một gia đình thì không thể bỏ qua những nghi thức cưới vốn có sự khác nhau tương đối giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đại diện cho phong tục cưới miền Bắc là Hà Nội. So với các vùng khác, nghi lễ cưới ở Hà Nội nghiêm ngặt hơn, ít nhất phải giữ 3 lễ Chạm ngõ, Lễ hỏi và Rước dâu.
Chạm ngõ là lễ tiếp xúc đầu tiên, chính thức của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Ngày nay, những gia đình ở Hà Nội vẫn giữ nguyên nếp xưa, lễ chạm ngõ vẫn được xem là thủ tục cần thiết để giữa hai gia đình, “chỗ người lớn” thưa chuyện với nhau.
Sau lễ chạm ngõ là đến lễ ăn hỏi. Một lễ ăn hỏi của người Hà Nội thì không thể thiếu cơi trầu, bánh cốm, mâm quả… Ngày giờ tốt cho lễ hỏi phải được chọn kỹ lưỡng, các tráp ăn hỏi cũng phải chuẩn bị đầy đủ, phải là số lẻ và lễ ăn hỏi phải diễn ra trước đám cưới ít nhất một vài ngày.
Người miền Trung, mà cụ thể là tại cố đô Huế có tục cưới xin đơn giản, tiết kiệm, trọng lễ nghi, không trọng tiền bạc. Người Huế cũng có các bước như dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu nhưng ý nghĩa có khác đôi chút so với miền Bắc. Chuẩn bị lễ hỏi, lễ cưới, người Huế thường xem ngày giờ tốt xấu, có khi lên chùa thỉnh ý các cao tăng.
Sau khi chọn ngày giờ, hai bên thông gia sẽ báo cho nhau bằng một cuộc thăm đơn giản. Ðám cưới Huế có các lễ: xin giờ, nghinh hôn, bái tơ hồng, rước dâu diễn ra ở nhà gái, và đón dâu, trình báo gia tiên ở nhà trai. Người Huế không có tục thách cưới, lễ vật trong lễ cưới tối thiểu chỉ gồm có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê.
Người dân phía Nam thường có lối suy nghĩ phóng khoáng, vì thế phong tục cưới hỏi của họ cũng có phần thoải mái, giảm nhẹ hơn. Lễ cưới tại miền Nam vẫn có đủ 3 nghi thức là dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu. Nhưng không như miền Bắc, người miền Nam có thể bỏ qua lễ dạm ngõ mà tiến hành lễ ăn hỏi và đón dâu cùng một ngày. Tuy nhiên, có một nghi lễ bắt buộc cần có trong phong tục cưới miền Nam, đó là lễ lên đèn.
Bản sắc vùng miền hiện rõ trong đón Tết truyền thống
Đặc trưng riêng nổi bật nhất giữa miền Bắc, Trung và Nam có thể điểm lại chính là về hình thức ăn Tết Nguyên đán của các gia đình ở mỗi miền. Bản sắc vùng miền hiện lên rất rõ trong từng cung cách ăn mặc hay vui chơi.
Nhắc tới Tết miền Bắc, đầu tiên là món bánh chưng, bánh giày. Bánh chưng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, đất trời xứ sở và là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại. Bên cạnh bánh chưng là bánh giày, được coi là đặc trưng cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Việt.
Ở miền Trung và miền Nam, ngày Tết gói bánh tét. Bánh tét được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu giống như bánh chưng, chỉ khác là gói thành hình trụ dài chứ không phải hình vuông như bánh chưng.
Bánh tét được coi là dạng nguyên thủy của bánh chưng, cũng là biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa. Trong cách “chơi hoa”, nếu như ở mảnh đất phương Nam xa xôi hoa mai kiêu hãnh khoe mình trong nắng, gió thì trong tiết trời se lạnh của miền Bắc hoa đào góp phần làm xua tan cái giá rét của mùa đông.
Trong cách bày mâm ngũ quả trên bàn thờ mỗi nhà, các gia đình miền Bắc thường có 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu – dừa – đủ – xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là “cầu vừa đủ xài” – mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới.
Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn “đầy đủ, sung túc”.
Khúc ruột miền Trung quanh năm bão lũ, hạn hán, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, thêm vào đó Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt, và cả những hậu quả mà thiên tai để lại trước đó chưa dứt thế nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm. Vì thế, các gia đình nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên.
Người Bắc thường coi trọng tục lệ xông nhà sáng mồng Một, có những gia đình sẽ mời người “nhẹ vía” hoặc hợp tuổi với gia chủ để xông đất. Ở miền Trung cũng có tục “xông đất “ như người Bắc vào sáng mồng Một. Gia đình sẽ nhờ người lớn tuổi, còn mạnh khỏe, có vai vế và uy tín trong xã hội hoặc những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, vui vẻ đến “xông đất” đầu năm.
Còn ở miền Nam, thời điểm quy tụ đông đủ mọi người thân trong gia đình là mâm cơm cúng tất niên chiều 30 tết. Bởi theo quan niệm của người Nam bộ mỗi năm có một ông quan Hành Khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao cho thần kia, nên cả gia đình phải sum họp cúng tế tiễn đưa ông cũ và đón ông mới.
Thú vị nhất vẫn là cách xưng hô trong gia đình, cơ bản khác nhau giữa miền Bắc với miền Trung, miền Nam. Nếu miền Bắc gọi cha là bố, thì miền Trung và Nam xưng ba, gọi mẹ tại miền Bắc, má ở miền Nam, mế ở miền Trung. Ở Bắc gọi chú thì miền Nam/Trung kêu dượng. Anh lớn nhất trong gia đình được gọi là anh cả ở miền Bắc, anh hai ở miền Nam.
Ở Bắc, anh trai của mẹ gọi là bác, em trai của mẹ gọi là cậu, còn ở miền Nam, anh hay em trai của mẹ đều gọi chung là cậu. Ở miền Bắc, chị gái của bố gọi là bác, em gái của bố gọi là cô, trong khi ở miền Nam, chị hay em gái của bố thì đều gọi chung là cô. Ở miền Bắc, chị gái của mẹ gọi là bác, em gái của mẹ gọi là dì, còn ở miền Nam, chị hay em gái của mẹ đều gọi chung là gì…