Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Những lợi thế và thách thức khi xác lập về thể thức và hoạt động của luật sư công

Luật sư Trương Quốc Hòe (đứng) tham gia bào chữa tại một phiên tòa.
Luật sư Trương Quốc Hòe (đứng) tham gia bào chữa tại một phiên tòa.
(PLVN) - Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giao cho Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu hình thành những chế định, thiết chế về “Luật sư công” nhằm hướng đến vai trò đại diện, giúp chính quyền tại địa phương khi tham gia tố tụng. Liên quan đến vấn đề này, Th.S, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP Hà Nội đã có bài viết gửi tới PLVN.

Cần mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý

Luật sư (LS) là một chức danh độc lập trong hệ thống các chức danh nghề nghiệp, thực hiện công việc cung cấp những dịch vụ pháp lý một cách độc lập, chuyên nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng nói riêng và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa nói chung theo quy định của pháp luật và các quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp LS. Trong đó, vai trò quan trọng nhất của một LS là trợ giúp pháp lý, thể hiện thông qua hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong và ngoài tố tụng.

Đồng thời, LS còn tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật về cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ khái niệm trên có thể thấy được rằng LS không chỉ bảo vệ cho các cá nhân, tổ chức mà còn bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích công cộng.

Hành chính công là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước, sử dụng nguồn lực công để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao hoặc hoạt động của tổ chức, cá nhân được ủy quyền cung cấp dịch vụ công theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo các quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân và tổ chức trong xã hội. Có thể hiểu rằng, hành chính công là sự tác động, điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước tới hành vi con người nói riêng và quá trình vận hành xã hội nói chung thông qua các hoạt động hành pháp, tư pháp trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.

Từ hai khái niệm có thể thấy, hoạt động của LS và hoạt động hành chính công đều có mục đích là nhằm bảo vệ thể chế pháp luật xã hội chủ nghĩa và lợi ích công cộng. Lợi ích công cộng là các lợi ích chung của cộng đồng, hướng tới mục tiêu là sự phát triển phồn vinh và bền vững về chất lượng đời sống vật chất và đời sống tinh thần của mọi người dân trong xã hội. Bảo vệ lợi ích công cộng là hướng đến bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo vệ trật tự an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Theo quy định tại Điều 2 và Điều 12 Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL), LS thực hiện TGPL thông qua việc ký hợp đồng thực hiện TGPL. Theo đó, LS thực hiện TGPL bao gồm: LS thực hiện TGPL theo hợp đồng ký kết với Trung tâm TGPL Nhà nước và LS thực hiện TGPL theo phân công của tổ chức tham gia TGPL (Sở Tư pháp ký kết hợp đồng với tổ chức hành nghề LS).

Theo các quy định trên, nếu như trong hoạt động TGPL, LS TGPL miễn phí cho các đối tượng thuộc quy định của Luật TGPL và có thể lấy tiền từ các dịch vụ pháp lý với đối tượng khác thì đối với hoạt động hành chính công lại khác. Hoạt động hành chính công được nhà nước chi trả bằng lương cho các cán bộ, công chức, viên chức, khi họ tiến hành TGPL không phải theo vụ việc mà là trách nhiệm, nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Là một công chức nhà nước, họ phải phục vụ nhu cầu của nhân dân và đương nhiên sẽ không lấy phí.

Sau 6 năm triển khai thực hiện Luật TGPL năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, hoạt động TGPL đã được đánh giá cao trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên hoạt động TGPL này lại đang chỉ nhắm tới đối tượng là những người yếu thế trong xã hội chứ không đề cập tới đối tượng là nhà nước, cụ thể là hoạt động dịch vụ công.

Lợi ích từ việc xây dựng thiết chế Luật sư công

Hoạt động TGPL tại các quốc gia trên thế giới hiện nay đang được thực hiện song song bởi mô hình Luật sư công và Luật sư tư. Mô hình Luật sư công đã xuất hiện từ lâu ở một số nước trên thế giới như: Singapore, Đông Timo, Mỹ, Agrentia, Úc… Tại Việt Nam, khái niệm Luật sư công đã được đề cập từ khi tiến hành xây dựng Luật Luật sư năm 2006. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có một khái niệm chính thức nào về Luật sư công.

Có quan điểm cho rằng, Luật sư công là công chức trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Theo quan điểm này, Luật sư công làm việc trong Bộ máy nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Quan điểm khác cho rằng, Luật sư công là những LS được cơ quan, tổ chức Nhà nước thuê để thực hiện hoạt động pháp lý chuyên môn, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước. Ngoài ra, cũng có quan điểm thu hẹp phạm vi của Luật sư công, chỉ những trường hợp được chỉ định bởi cơ quan tiến hành tố tụng mới coi đó là Luật sư công.

Theo tôi, “Luật sư công” được hiểu là LS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với các hoạt động liên quan đến dịch vụ công. Theo đó, Luật sư công do cơ quan Nhà nước thuê để thực hiện các hoạt động nghề nghiệp chuyên môn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan nhà nước, cá nhân đại diện cho cơ quan nhà nước. Việc lựa chọn quan điểm này có thể đảm bảo hơn về tính khách quan, độc lập và nguyên tắc tranh luận dân chủ của LS khi tham gia tố tụng.

Luật sư công không những thực hiên việc TGPL, bảo vệ cho những người yếu thế trong xã hội mà còn bảo vệ cho những người hoạt động trong lĩnh vực hành chính công. Họ là những người có chức vụ, chuyên môn, thẩm quyền được nhà nước giao phó hoặc những cá nhân hành động trong tình huống khẩn cấp, những người nhân danh chính họ và nhân danh lợi ích của nhà nước để bảo vệ quyền, lợi ích của nhà nước, lợi ích của toàn dân, bảo vệ giá trị tốt đẹp của xã hội.

Phục vụ cho việc khuyến khích người dân chung tay xây dựng và phát triển xã hội chủ nghĩa, tôi cho rằng cần thiết phải ghi nhận những đóng góp, hành động vì lợi ích công đối với những người nhân danh cá nhân, tổ chức để bảo vệ lợi ích cộng đồng; cũng như những cá nhân hành động bảo vệ con người, bảo vệ tài sản trong những tình huống cấp thiết. Tuy nhiên, việc bảo vệ những chủ thể này hiện chưa được quy định rõ ràng. Khi việc thực hiện hành vi có thể gây ra một số hậu quả và bị truy cứu trách nhiệm, vậy khi đó ai sẽ là người mời và trả phí LS cho họ?

Hay trong một vụ án hành chính, sau khi cơ quan nhà nước thực hiện hành vi nhằm bảo vệ lợi ích công, nhưng hành vi đó lại gây ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của một hoặc một số đối tượng và cơ quan đó bị khởi kiện. Khi đó, theo quy định của Bộ Luật tố tụng hành chính, người đứng đầu của cơ quan có quyền uỷ quyền cho cấp dưới làm người đại diện đương sự. Họ có quyền thuê LS nhưng vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ là chủ thể tiến hành mời và trả phí cho LS? Trong khi hiện nay, lĩnh vực hành chính được quyền thuê LS nhưng các quy định của pháp luật lại chưa có những quy định cụ thể về việc trích ngân sách để trả cho LS trong những trường hợp này.

Mặt khác, trong lĩnh vực hình sự, khi các chủ thể thực hiện hành vi nhằm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích công nhưng lại gây thiệt hại cho chính bản thân họ hoặc cho chủ thể khác. Như vụ việc xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, khi Bí thư và Chủ tịch xã biết có việc xảy ra tại trụ sở xã đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường và bị các đối tượng khủng bố giết hại. Họ là những con người quả cảm, hết lòng vì sự nghiệp chung. Họ chính là những đối tượng phải được LS bảo vệ và Nhà nước có trách nhiệm chi trả chi phí thuê LS trong trường hợp này.

Th.S, luật sư Trương Quốc Hòe.

Th.S, luật sư Trương Quốc Hòe.

Khi xây dựng thể chế và các văn bản quy phạm pháp luật hướng tới những đối tượng này, Luật sư công được kì vọng sẽ là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người hành động vì lợi ích công cộng, lợi ích toàn dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể với vai trò là những người hành động phục vụ lợi ích công. Như vậy, trong hoạt đông tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người hành động vì lợi ích công cộng, lợi ích toàn dân rất cần thiết phải có sự tham gia của Luật sư công. Việc hình thành thiết chế về Luật sư công hứa hẹn sẽ đem lại một số thuận lợi nhưng cũng đi kèm thách thức đối với bộ máy nhà nước.

Hiện nay, việc hình thành thiết chế Luật sư công được coi là một giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Bởi LS là những người có trình độ chuyên môn cao, phạm vi chuyên môn toàn diện. LS ngoài kiến thức pháp lý chuyên môn, đặc biệt còn hiểu rõ quy trình, trình tự, thủ tục về tố tụng. Do đó, khi tham gia giải quyết vụ việc hành chính Luật sư công sẽ có nhiều ưu thế hơn so với cơ quan chuyên môn là cơ quan, tổ chức hay người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị khiếu kiện.

LS là những người được đào tạo bài bản, có sự thành thạo và nắm rõ về thời gian của từng giai đoạn trong việc giải quyết khiếu kiện. Trong khi đó, cơ quan, tổ chức hay người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị khiếu kiện trong tố tụng hành chính cần dành thời gian ưu tiên cho công việc hành chính, không có thời gian tìm hiểu các văn bản pháp luật, thu thập tài liệu, chứng cứ và những vấn đề liên quan khác trong quá trình tố tụng của họ gặp không ít khó khăn.

Theo quy định pháp luật thì trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế. Tuy nhiên, chúng ta xây dựng và quản lý xã hội trên nguyên tắc “bình đẳng, thượng tôn pháp luật” chính vì vậy trong vụ việc hành chính các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tham gia với tư cách và quyền, nghĩa vụ ngang bằng các chủ thể khác. Do đó, khi các cơ quan nhà nước tham gia vào các quan hệ pháp luật sẽ cần đến Luật sư công. Ngoài việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, Luật sư công sẽ tư vấn pháp luật, góp ý xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách,… nhất là trong hoạt động tư vấn giải quyết tranh chấp quốc tế, phục vụ hội nhập quốc tế.

Cần có quy định cụ thể khi xây dựng thiết chế Luật sư công

Thứ nhất, về chi phí khi các Luật sư công tham gia giải quyết các vụ việc hành chính. Hiện nay, chưa có cơ chế cụ thể về việc sử dụng Ngân sách Nhà nước cho hoạt động thuê LS tham gia tư vấn, bảo vệ trong các dự án, chính sách công hay việc khiếu kiện trong lĩnh vực hành chính công. Các quy định này nếu có thì hiện mới ở mức khuyến khích các Cơ quan Nhà nước sử dụng nhưng lại bị cản trở bởi quy định về Luật Ngân sách nhà nước và chưa thể áp dụng vào thực tiễn.

Trên thực tế, cơ quan Nhà nước rất cần sử dụng dịch vụ LS. Nhưng cần phải xác định rõ chủ thể mời Luật sư công là đương sự cá nhân hay người đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước? Nếu đương sự là bị đơn, bị cáo mời thì cơ chế chi trả cho LS sẽ được thực hiện như thế nào? Có hay không việc cá nhân này phải tự mình chi trả? Nếu đương sự là người đại diện theo pháp luật của các đối tượng trên mời LS thì cần phải làm rõ chủ thể gửi đơn mời và thực hiện ký hợp đồng với LS là ai? Và ai sẽ là người thực hiện việc thanh toán chi phí cho LS? Vì vậy, việc có cơ chế cụ thể về mức phí để đưa Luật sư công vào giúp các cơ quan Nhà nước giải quyết các vấn đề về pháp luật là hết sức cần thiết.

Thứ hai, vấn đề về đầu vào của Luật sư công. Việc đặt ra thiết chế Luật sư công dẫn đến một số câu hỏi quan trọng. Tiêu chuẩn đầu vào của Luật sư công sẽ sử dụng tiêu chuẩn đầu vào của LS nói chung hay cần quy định thêm những tiêu chuẩn riêng của nó? Việc một người phải tham gia đào tạo, tập sự để đủ điều kiện trở thành LS, sau đó phải đáp ứng thêm những tiêu chuẩn riêng để trở thành Luật sư công có mang đến quá nhiều khó khăn cho những người muốn ứng tuyển hay không?

Thứ ba, những yếu tố về pháp lý liên quan đến vấn đề hình thành thiết chế Luật sư công. Khi thiết chế Luật sư công được xây dựng, thì có cần phải có trụ sở làm việc chính thức cho Luật sư công hay không? Việc phân bổ chi phí cho việc vận hành của trụ sở đó sẽ được quy định và diễn ra như thế nào? Mỗi cơ sở cần có bao nhiêu Luật sư công là hợp lý để không gây lãng phí ngân sách, nhân lực mà vẫn đảm bảo hiệu quả xử lý công việc?

Tôi cho rằng việc lập trụ sở làm việc, chi phí vận hành trụ sở hay số lượng Luật sư công tại mỗi chi nhánh không thực sự cần thiết. Theo quan điểm đã nêu ở trên, Luật sư công được cơ quan nhà nước thuê về để xử lý các vấn đề pháp lý, việc hành nghề này không mang tính cố định mà có thể được thực hiện linh hoạt. Dù vậy, đây vẫn là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thực tế.

Tôi ủng hộ việc xây dựng thiết chế Luật sư công. Tuy nhiên, việc triển khai và đưa vấn đề vào thực tiễn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, vô tư và minh bạch, nhất thiết phải hướng đến việc xây dựng hệ thống quy định liên quan đến Luật sư công một cách chặt chẽ, cụ thể và hoàn thiện nhất.

Hiện nay, vấn đề về Luật sư công ngày càng được nhà làm luật nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung quan tâm và mong muốn đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Tiêu biểu là Đề án số 02/ĐA-UBND về thí điểm khuyến khích, thu hút đội ngũ Luật sư tham gia vào các hoạt động của Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 – 2025. Thực hiện đề án trên, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức ra mắt đội ngũ LS nhằm đưa LS vào cùng tham gia hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế; tham gia hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về tố tụng tại địa phương; đồng thời tham gia tư vấn pháp lý cho những dự án quan trọng, trọng điểm của địa phương. Đề án trên của TP Cần Thơ được coi là đề án thí điểm đầu tiên tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về thiết chế Luật sư công.

Đọc thêm

Khơi thông nguồn lực phát triển đô thị

Khơi thông nguồn lực phát triển đô thị
(PLVN) - Chiều 14/1, Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định Dự án Luật quản lý phát triển đô thị. Đồng chủ trì phiên họp là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam

Ra mắt Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khoá XIV, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
(PLVN) - Sáng 14/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam đã thông qua Nghị quyết Đại hội và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam khoá XIV, nhiệm kỳ 2024 - 2029 gồm 115 thành viên; bầu Ban Kiểm tra gồm 8 thành viên. Ban Chấp hành khoá mới đã họp phiên thứ nhất, bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội. Theo đó, đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khoá XIV.

Làm tốt vai trò “dẫn dắt” chuyển đổi số trong Bộ, ngành Tư pháp

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo hội nghị.
(PLVN) - Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của Cục Công nghệ thông tin (CNTT) diễn ra chiều 13/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi yêu cầu Cục cần nâng cao tính chuyên nghiệp, khoa học, chủ động, sáng tạo để làm tốt công tác hướng dẫn, “dẫn dắt” các đơn vị của Bộ, ngành Tư pháp trong chuyển đổi số.

Trao “Mái ấm Tư pháp" tại Ninh Bình: Lan tỏa yêu thương dịp Xuân Ất Tỵ 2025

“Mái ấm Tư pháp" tại Ninh Bình (Ảnh: Hoàng Giáp)
(PLVN) - Chiều ngày 10/1, tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Bệnh viện thẩm mỹ Saigon Young, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Yên Thịnh tổ chức lễ bàn giao hai căn nhà “Mái ấm Tư pháp” cho hai gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định Phạm Dân: Người cán bộ Tư pháp tận tâm

Ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định
(PLVN) - Trong hơn 30 năm gắn bó với ngành Tư pháp, ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định vẫn được biết đến như một con người luôn gắn bó với những trang viết, nhất là về các hạn chế, chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật. Qua đó, góp phần cùng tập thể Sở để lại nhiều dấu ấn và đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tư pháp địa phương, cũng như góp phần hoàn thành nhiệm vụ công việc của Bộ, ngành Tư pháp. 

Báo Pháp luật Việt Nam và Công ty CP MBN Jupiter ủng hộ 200 triệu đồng xây nhà cho người nghèo ở huyện Cẩm Xuyên

Lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên tiếp nhận biểu trưng của các cơ quan, đơn vị ủng hộ chương trình “Xuân ấm tình người”. Ảnh: PV
(PLVN) - Hưởng ứng Chương trình “Xuân ấm tình người” do UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tổ chức nhằm giúp đỡ người nghèo đón Tết Ất Tỵ và đóng góp quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà đại đoàn kết năm 2025, Báo Pháp luật Việt Nam và Công ty CP MBN Jupiter tại Hà Nội đã ủng hộ 200 triệu đồng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống VBQPPL thống nhất, đồng bộ

Cảnh phiên họp.
(PLVN) - Ngày 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức họp Tổ biên tập dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp là đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; bộ, ngành khác có liên quan.

Xây dựng Ngành Thi hành án Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Xây dựng Ngành Thi hành án Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
(PLVN) -  Tại Hội nghị tổng kết công tác Thi hành án dân sự (THADS) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ngành Thi hành án Quân đội diễn ra chiều 9/1, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Thi hành án (Bộ Quốc phòng) đề nghị trong năm 2025, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành cần đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, triển khai có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tạo sự chuyển biến đột phá trong cơ quan, đơn vị, xây dựng Ngành Thi hành án ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.