Những ngày vừa qua, trên thị trường ngoại hối, tỷ giá có diễn biến tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố tâm lý trước xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới. Các yếu tố cung-cầu ngoại tệ về cơ bản không có biến động lớn và đáng quan ngại.
Mặc dù biến động tăng nhưng mặt bằng tỷ giá vẫn thấp xa so với mức trần tỷ giá theo quy định của NHNN, thị trường ngoại hối vẫn hoạt động bình thường và thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
“Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, những thông tin về định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố ngày 18/3 vừa qua, trên cơ sở đánh giá, phân tích dưới nhiều góc độ của kinh tế vĩ mô, tiền tệ, NHNN thấy rằng việc tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh tỷ giá trong giai đoạn này” -NHNN nhấn mạnh.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. Để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN theo sát diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ cũng như thực hiện các giải pháp cần thiết để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, việc điều hành tỷ giá phải căn cứ vào một quá trình và dưới nhiều góc độ. Nhìn lại đầu năm, ngay sau khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân ngày 7/1, tỷ giá ổn định, thị trường ngoại hối sôi động, NHNN đã mua được ngoại tệ trở lại sau khi bán can thiệp vào cuối năm 2014.
Quan sát trên thị trường tỷ giá biến động tăng, có ngày tăng, giảm, nhưng nhìn chung mặt bằng tỷ giá thấp xa so với trần quy định của NHNN. Cuối ngày 25/3, tỷ giá đã giảm xuống dưới mức 21.500 VND/USD, trong khi tỷ giá trần là 21.673 VND/USD.
NHNN phân tích, đồng USD chỉ tăng mạnh so với một số đồng tiền chủ chốt như EUR, bảng Anh, đô la Canada, còn so với các đồng tiền trong khu vực như Nhân dân tệ, đô la Hồng Kông, Won (Hàn Quốc)… tăng không đáng kể. Tỷ trọng thương mại Việt Nam với các nước mà đồng tiền mất giá mạnh khá nhỏ, trong khi các nước có tỷ trọng thương mại lớn thì đồng tiền mất giá không nhiều (ít ảnh hưởng đến xuất khẩu).
Hơn nữa, cần thấy rằng để tăng khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu hiện nay yếu tố chính không phải là tỷ giá, mà cần phải nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị sử dụng, độ thỏa mãn người tiêu dùng… Theo một số đánh giá, hàng Việt Nam có giá bán tương đối thấp so với các nước nhưng sức cạnh tranh chưa cao.
Phó Thống đốc NHNN cho rằng: Điều chỉnh tăng tỷ giá có thể cải thiện xuất khẩu nhưng mức độ không lớn, trong khi còn phải cân nhắc tác động tới nhập khẩu, nhất là khi nhập khẩu đang tăng trở lại; điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ khiến chi phí sản xuất tính bằng đồng Việt Nam tăng lên do sản xuất trong nước đang phụ thuộc nhiều vào hàng nguyên vật liệu nước nước ngoài nhập khẩu. Đây cũng là điểm thống nhất của nhiều thành viên trong cuộc họp hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia mới đây.
Diễn biến thế giới thời gian qua, các nước chủ yếu thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, chủ yếu thông qua giảm lãi suất hay mở rộng các gói nới lỏng định lượng, thông qua đó hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn ở Việt Nam, NHNN thời gian qua cũng đã và đang điều hành theo hướng đưa tiền ra khá nhiều, chủ yếu qua kênh mua ngoại tệ, giảm mặt bằng lãi suất, nhiều ngân hàng cũng giảm lãi vay, đến nay đã ở mức thấp.
Qua phản ánh của các ngân hàng thương mại về cung cầu ngoại tệ cũng hết sức bình thường, việc tăng tỷ giá theo phân tích chủ yếu do yếu tố tâm lý, đặc biệt thị trường tự do khá nhạy cảm. (Đặc biệt, ngày 18/3 có các quyết định của Fed và diễn biến thị trường thế giới có tác động đến tâm lý, các tỷ giá trên thị trường liên NH có bị đẩy lên, nhưng tỷ giá vẫn nằm trong biên độ cho phép của NHNN.)
Phó Thống đốc Hồng khẳng định: Dư thừa thanh khoản hệ thống không nhiều, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm chỉ khoảng 3,5 -4,0%/năm nên áp lực từ phía tiền đồng lên tỷ giá là không có.
Hoạt động huy động vốn và tín dụng diễn ra bình thường, việc mua bán ngoại tệ các tổ chức tín dụng cơ bản vẫn ổn định. Đồng thời, nếu nhìn lại cả quá trình, tỷ giá luôn được điều chỉnh tăng hàng năm, VND mất giá qua các năm, ngay cả trong giai đoạn, mà USD liên tục giảm giá. Do đó, nếu nhìn cả quá trình, không nên quá lo ngại về việc VND lên giá tương đối với các đồng tiền sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh xuất khẩu.
Về dài hạn, Phó Thống đốc cũng cho biết thêm, mục tiêu chống đô la hóa vẫn được duy trì, vì thực tế tỷ lệ USD trong nền kinh tế giảm mạnh thời gian qua, tỷ lệ ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán là hơn 10% .
Đại diện NHNN khẳng định, việc hạn chế đô la hóa không chỉ NHNN làm mà cần sự phối hợp các bộ ngành cơ quan liên quan trong quản lý thị trường hạn chế tình trạng đô la hóa tiền mặt trong nền kinh tế.
“NHNN sẽ tăng cường cung cấp thông tin để doanh nghiệp và người dân hiểu đúng định hướng chính sách; còn nếu phát hiện ra những tin đồn sai sự thật, các cơ quan chức năng sẽ có chế tài xử lý. NHNN cũng cân nhắc hài hòa các mục tiêu là kiểm soát nợ nước ngoài, nợ công, lạm phát và kiên định theo chính sách đề ra không điều chỉnh tỷ giá vào thời điểm này. Căn cứ vào tình hình thị trường, dự trữ ngoại hối, dự báo cung cầu ngoại tệ, NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2% trong năm nay", Phó Thống đốc Hồng nói./.