Nhiều di chứng nặng nề
Tờ L’Express hồi tháng 2 vừa qua dẫn số liệu của cơ quan thống kê Anh cho biết, tại Anh, khoảng 1 triệu người gặp phải các di chứng của COVID-19 tới 4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Số người vẫn còn triệu chứng bệnh 5 tuần và 12 tuần sau khi nhiễm COVID-19 lần lượt là 20% và 14%. Những người từ 35-69 tuổi thường bị di chứng COVID kéo dài nhiều hơn so với các nhóm tuổi còn lại.
Tương tự, một nghiên cứu tại Anh được công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine hôm 24/4 cũng cho thấy, trong số hơn 2.300 người đã phải nhập viện vì mắc COVID-19 ở Anh trong thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021, chỉ 26% đã hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng và tỷ lệ này tăng lên 28,9% sau 1 năm. Những người bị béo phì chỉ có 50% khả năng hồi phục hoàn toàn, trong khi với những người từng phải thở máy, tỷ lệ khỏi hoàn toàn chưa đến 58%.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện rằng, khả năng hồi phục hoàn toàn sau COVID-19 ở nữ giới thấp hơn 33% so nam giới. Do đó, nhóm nghiên cứu cảnh báo hội chứng COVID kéo dài có thể trở thành hội chứng phổ biến.
“COVID kéo dài dần xuất hiện, với các triệu chứng kéo dài, có thể tới nhiều tháng, như mệt mỏi, khó thở, tim đập thình thịch, mất khứu giác... Những người này sẽ còn gặp phải các triệu chứng vài tháng sau khi được cho là đã khỏi Covid hoặc đã qua giai đoạn COVID cấp tính”, bác sĩ tim mạch Laurent Uzan, đồng tác giả cuốn sách “Làm thế nào để thoát khỏi COVID kéo dài” cho hay.
Tại Mỹ, theo phân tích dữ liệu của 50 nghiên cứu và 1,6 triệu người do trường Đại học Y tế công cộng Michigan tiến hành, số người mắc hội chứng Covid kéo dài chiếm hơn 40% số ca nhiễm. Vẫn theo nghiên cứu, xét theo khu vực, châu Á có tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng Covid kéo dài cao nhất, với 51% số người từng mắc Covid-19. Tiếp đến là châu Âu, với 44% và Bắc Mỹ là 31%.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng Covid kéo dài có thể gặp ở một số người, thường là sau khi hết bệnh 3 tháng và kéo dài ít nhất 2 tháng. WHO cũng cho hay, có tới hơn 200 triệu chứng được báo cáo ở bệnh nhân hậu Covid. Các triệu chứng khác nhau mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm đau ngực, khó giao tiếp, cảm giác lo lắng hoặc trầm cảm, đau cơ, sốt, mất khứu giác, mất vị giác.
Khoảng 10-15% những trường hợp có triệu chứng COVID kéo dài tiến triển thành bệnh nặng và khoảng 5% trong số này có tình hình sức khỏe trở nên nghiêm trọng. Có những người thậm chí cho hay, họ cứ di chuyển được khoảng 50m đã mệt đến mức như hết hơi, khiến họ gần như phải ở trong nhà vì không đi lại được quãng đường dài. Số người cho biết bị ảnh hưởng đến trí nhớ cũng rất lớn. Có những người nói rằng họ không thể nhớ nổi vừa làm gì chỉ trước đó vài phút, có người dù đã lên danh sách những việc cần làm nhưng vẫn gặp phải tình trạng quên trước quên sau.
Các chuyên gia y tế cho hay, với việc bị mắc hội chứng Covid kéo dài, các hoạt động thường ngày cũng như công việc của người bệnh bị hạn chế rất nhiều, đặc biệt khi các triệu chứng bệnh không xuất hiện theo chu kỳ đều đặn, dễ đoán. Có những giai đoạn, tình hình sức khỏe của người bệnh khá ổn nhưng có thời kỳ, các triệu chứng bệnh lý như hụt hơi, thở dốc và các vấn đề rất nghiêm trọng về nhịp tim, khả năng vận động cơ bắp... đột ngột trở lại.
Cảm giác không thể trở lại cuộc sống như trước đeo bám và gây nhiều lo lắng, càng khiến người bệnh mệt mỏi. Một vấn đề nghiêm trọng khác là nhiều bác sĩ cũng chưa có đủ hiểu biết, kinh nghiêm về hội chứng COVID kéo dài để có thể định hướng, hỗ trợ cho bệnh nhân. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm, loanh quanh và phải đến nhiều tháng sau mới được xác định là bị mắc hội chứng COVID kéo dài.
Một số bệnh nhân cho hay, đôi khi các bác sĩ không nhìn nhận đúng mức tình trạng của họ, chỉ cho rằng đó là do yếu tố tâm lý nên không những không định hướng được cho người bệnh trong việc chăm sóc sức khỏe mà còn khiến họ thêm bế tắc. Trong khi đó, người bệnh càng được chăm sóc sớm càng có nhiều cơ hội để điều trị, giúp các triệu chứng giảm nhanh hơn.
Áp lực với ngành y tế
Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tâm lý người bệnh mà hội chứng COVID kéo dài còn tạo gánh nặng lớn tới hệ thống chăm sóc sức khỏe nói riêng và cả nền kinh tế của các nước nói chung. Tiến sĩ Olivier Robineau (Pháp) cho hay, ngành y đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc đối phó với hội chứng bệnh COVID kéo dài.
“Thật đáng tiếc, đây vẫn là một tình trạng khá phổ biến. Thực sự là hội chứng có đó tồn tại. Khó khăn lớn mà ngành y gặp phải là trên thực tế, hiện nay các triệu chứng rất nhiều trong khi nguyên nhân sinh lý bệnh học lại chưa rõ ràng, cụ thể. Rất khó cho các bác sĩ trong việc tiếp cận một bệnh lý khi chưa có một giả thuyết sinh lý bệnh học thực sự vững chắc để giải thích các triệu chứng”, ông nói.
Theo bác sĩ tim mạch Laurent Uzan, các bệnh nhân mắc COVID kéo dài có rất nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm các triệu chứng về tiêu hóa, về hệ thần kinh, triệu chứng hô hấp hay tim mạch. Trong khi đó, các bác sỹ đều chuyên sâu trong một chuyên môn nào đó. Do đó, họ sẽ phải phối hợp cùng nhau để tìm hiểu về tình hình của bệnh nhân và định hướng cho người bệnh về cách chăm sóc tốt nhất.
Bác sĩ Uzan khuyến cáo, cần chú ý đến giải pháp hồi phục chức năng cho người bị hội chứng COVID kéo dài trên cơ sở phác đồ hồi phục chức năng cho bệnh nhân tim mạch, với các bài tập như luyện hô hấp với các bài tập thở đơn giản để thư giãn, tập kiểm soát hơi thở, phối hợp với các bài luyện sức bền và phục hồi tim với các hoạt động thời gian dài - ngắn tùy thuộc vào sức và mức độ mệt mỏi của người bệnh.
Cùng với đó, người bệnh cũng cần chú ý tới chế độ ăn uống. “Chế độ ăn uống cũng sẽ giúp họ điều chỉnh mọi thứ tốt hơn, và đặc biệt là phối hợp với hoạt động thể chất để cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ. Nên ưu tiên các chất chống oxy hóa, như Omega 3... Tóm lại, cần giúp người bệnh thoát hỏi hội chứng COVID kéo dài thông qua phục hồi một cách tổng quát qua chế độ ăn uống, các bài tập phục hồi về tim mạch và tâm lý”, bác sỹ Uzan khuyến nghị.
Trên thực tế, các nước trên thế giới cũng đã có sự chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng do hội chứng hội chứng COVID-19 kéo dài gây ra. Điển hình, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tuyên bố một sáng kiến nghiên cứu lớn kéo dài 4 năm về “di chứng sau đợt cấp tính của COVID-19”, với kinh phí 1,15 tỷ USD. Tại Canada, khoảng 20 phòng khám trên khắp nước này đang tập trung giúp đỡ những người được xác định mắc hội chứng trên.