Sau 2 tháng tổ chức khai quật, các nhà khảo cổ học từ Viện Khảo cổ học Việt Nam đã hoàn thành việc khai quật trên diện tích 3.000m2 và phát hiện rất nhiều thành phần kiến trúc. Trong đó quan trọng nhất là hệ thống tường bao bằng gạch Chăm dài khoảng 60m cùng ngói, gạch, thanh đá bậc cửa, đồ đất nung Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Trần, gốm sứ Trung Quốc… hiện diện tại khu di tích này.
Phía sau khu đền thờ chính được phát lộ có kiến trúc chia ô nhỏ được các nhà nghiên cứu hình dung đây là dấu tích những ngôi nhà lợp ngói đã sụp đổ. Nghiên cứu ban đầu cho thấy nơi đây là nơi nhà vua từ kinh đô Trà Kiệu tụ tập giới tăng lữ về Triền Tranh để tập giảng kinh sách, luyện kinh thờ cúng và tiến hành các nghi lễ.
Khu di tích nằm án ngữ ngay trên nền đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi |
TS. Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học) nhận định rằng: Đây là dấu tích khu tập giảng kinh sách của Bà La Môn giáo, hoàn toàn khác với Đồng Dương - Di tích quốc gia thuộc địa bàn huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vốn là một Phật viện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ 9. Khu di tích này cần có thời gian tiếp tục khai quật và nghiên cứu.
Nhận định ban đầu của các nhà khảo cổ sau khi khai quật khu di tích Chăm Triền Tranh, đây là khu phế tích chứa nhiều “bí ẩn” chưa thể giải mã ngay được. Điều đó đồng nghĩa với giá trị văn hóa của khu di tích này cần phải tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn.
Qua nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, dấu tích Chăm Triền Tranh thuộc địa bàn thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một khu tập giảng kinh sách Chăm lớn nhất của người Chăm lần đầu tiên phát hiện tại Quảng Nam. Một hiện vật bằng đá trong nhà ông Mười ở thôn Chiêm Sơn được tìm thấy ở khu vực Chùa Vua, cách khu Triền Tranh vừa khai quật khoảng 500m.
"Số phận" của khu di tích đến nay vẫn là bài toán chưa có lời giải |
Di tích này nằm gọn trong lòng một thung lũng hẹp, ba hướng bao bọc bởi núi đá, còn hướng phía bắc quay ra sông Thu Bồn. Đây là một vùng phế tích rất quan trọng ẩn chứa nhiều tư liệu quý giá. Cả khu di tích Chiêm Sơn là một quần thể di tích lớn bao gồm nhiều phế tích như Chùa Vua, Triền Tranh, Gò Lồi được xây dựng theo trục đông - tây.
Ông Lưu Công Mười, nhà ở thôn Chiêm Sơn cho biết, ngay nền nhà của gia đình ông cùng hơn 100 hộ dân xây dựng tại khu vực này đều nằm trên khu di tích Chùa Vua gắn liền với di tích Triền Tranh cách đó khoảng hơn 500m đường chim bay. “Từ những năm 1980, bà con tui đào móng làm nhà đã phát hiện gạch ngói vỡ cùng nhiều tấm bia, các tác phẩm điêu khắc bằng sa thạch. Ngay trong vườn nhà tui còn giữ một tấm bia đá cùng nhiều hiện vật”, ông Mười kể. Vợ ông Mười cho biết trong vườn nhà khi đào móng làm nhà đã phát hiện rất nhiều hiện vật Chăm. Hiện nhà ông bà Mười nằm trên khu vực Chùa Vua của khu di tích Triền Tranh.
Khu di tích Triền Tranh được đánh giá là khu tập giảng kinh sách Chăm lớn nhất của người Chăm. |
Ngay sau đó Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành khai quật và đã phát hiện nhiều hiện vật quí hiếm như một đài thờ vuông có chạm 4 con voi tìm thấy tại Triền Tranh, có kích thước cao 76cm, rộng 75cm, dày 63cm. Đài thờ này được xác định niên đại khoảng thế kỷ 11-12. Ngoài ra còn có tượng Vũ nữ Trà Kiệu của nghệ thuật Chăm vô cùng quí hiếm.
Nhiều nhà khảo cổ nhận định vùng thung lũng Chiêm Sơn còn ẩn chứa nhiều phế tích Chăm dưới lòng đất đã được các nhà khảo cổ, các nhà khoa học biết đến từ lâu và đã khoanh vùng nghiên cứu và bảo vệ. Tuy nhiên, không hiểu sao quá trình mở đường cao tốc các nhà chuyên môn lại không nghiên cứu để có biện pháp nắn tuyến tránh vùng di tích quan trọng này.
Khu di tích khảo cổ học này của người Chăm hiện vẫn đang bỏ ngỏ nhiều điều bí ẩn. Số phận tháp Chăm nghìn tuổi này sẽ đi đâu, về đâu đến giờ vẫn lơ lửng vì đường cao tốc đang dang dở. Có nên tiếp tục công tác khai quật và kiên quyết giải quyết nhanh những vướng mắc xung quanh để trao lại mặt bằng cho đơn vị thi công tiếp tục hoàn thành đoạn đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đúng tiến độ đề ra?. Câu trả lời vẫn đang còn để ngỏ!