Bao đời nay, các sự vật, hiện tượng luôn được thay đổi để phù hợp với sự khác biệt của từng nền văn minh. Duy chỉ có tình yêu của đấng sinh thành dành cho con cái là vẫn không hề thay đổi và không cần điều kiện; sự thiêng liêng của thứ tình cảm này trải qua nhiều kỷ nguyên vẫn kiên định một giá trị trường tồn.
Tuy nhiên, đáng buồn nhất là tình mẫu tử đang bị ngăn cách bởi sự tắc trách, hành vi thiếu tích cực được thực hiện một cách vô tình hay hữu ý của những người hoạt động trong lĩnh vực y tế. Gần đây, việc phát hiện các trường hợp trao nhầm con đang là một vấn đề mang tính thời sự mà các cơ quan chức năng chưa tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết triệt để hoặc hạn chế phần nào tác hại của nó.
Xét về mặt pháp lý thì hậu quả của việc trao nhầm trẻ trước hết sẽ dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người trong cuộc không còn được đầy đủ theo quy định chung nhất của pháp luật. Đơn cử trường hợp liên quan đến quan hệ thừa kế, những người đồng kế thừa di sản có đầy đủ cơ sở để yêu cầu truất quyền thừa hưởng di sản của người bị trao nhầm vì không đủ tư cách chủ thể để nhận di sản thừa kế.
Một tư cách khác có thể “cứu vãn” tình hình theo quy định của pháp luật là chế định con nuôi cũng không thực sự thỏa mãn vì việc nhận con nuôi cũng phải thực hiện theo một thủ tục và điều kiện nhất định trước thời điểm người để lại di sản qua đời.
Chưa kể những hậu quả phát sinh đối với trường hợp quà tặng có giá trị vật chất lớn mà ông bà, cô bác, anh chị tình nguyện tặng “con”, “cháu” “em” của mình để mưu sinh hoặc thiết lập một cuộc sống đầy đủ hơn và cho đến một ngày khi nhận biết được người hưởng tặng phẩm không có quan hệ huyết thống với mình.
Biết rằng tại thời điểm trao tặng vật phẩm thì quyền sở hữu tài sản đã được chuyển giao, theo đó, lúc này bên nhận trao tặng mới là bên được định đoạt tài sản. Tuy nhiên, những tranh chấp không đáng có vẫn có thể xảy ra để tranh đòi mà những chủ thể tham gia tố tụng lại là những người đã từng coi nhau như ruột thịt.
Bên cạnh đó, những bi kịch đời thường đẩy bao con người vào tận cùng sự thống khổ cũng xuất phát từ sự sơ sảy trong tích tắc của những người làm nghiệp vụ y tế. Sự bù đắp nào có thể xoa dịu được nỗi oan khiên của những người vợ bị chồng nghi ngờ ngoại tình vì sinh con ra có ngoại hình quá đỗi xa lạ? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi những đứa con bị trao nhầm nhiễm những căn bệnh vô phương từ những người là cha, mẹ “hờ” của chúng?
Xã hội áp dụng phương thức nào để bao bọc những đứa trẻ bất hạnh phải chịu sự ghẻ lạnh của họ hàng, làng xóm khi bỗng một ngày họ nhận biết được “người con”, “người cháu” “người em” đó không có cùng dòng máu trực hệ với mình. Bỏ ngỏ điều này là một khiếm khuyết lớn mà các nhà hoạch định chính sách pháp lý chưa tìm ra hướng khắc phục thực sự hiệu quả để giải quyết vấn đề.
Nhưng, tổn thất lớn nhất mà không có sự bồi thường vật chất hay an ủi tinh thần nào có thể bù đắp được đó là diễn biến tâm lý của những người trong cuộc sau khi sự thật được làm sáng tỏ. Tình mẫu tử được vun đắp từ khi mới lọt lòng giữa cha mẹ và con bỗng một ngày phải rời xa nhau. Còn gì xót xa hơn khi sự ngăn cách này chỉ được khỏa lấp bằng những quy phạm vô tình của pháp luật - đó được gọi chung là bồi thường những thiệt hại vật chất do quyền lợi hợp pháp của những người bị ảnh hưởng.
Về tổn thất tinh thần (theo Điều 611 Bộ luật Dân sự 2005), trong chuyện này là danh dự, uy tín của người trong cuộc bị xâm hại do việc giao nhầm con gây ra. Những tổn thất đó có thể là lo lắng khiến phát bệnh, nghi ngờ khiến mất ăn mất ngủ, tâm lý bất ổn do bị làng xóm đàm tiếu, gièm pha…
Theo khoản 2 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2005 thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Sự bù đắp này có đủ để chia sẻ những bi kịch mà người trong cuộc phải gánh chịu?
Thiết nghĩ, chúng ta cần xây dựng một hành lang pháp lý thực sự rõ ràng, hiệu quả điều chỉnh trực tiếp quan hệ pháp luật mới phát sinh này. Bên cạnh việc bổ sung những chế tài pháp lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế cũng cần chú trọng xây dựng các quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho những con người là nạn nhân của sự tắc trách trong hoạt động nghề nghiệp gây nên.