Thế chấp khắp nơi bên giao dịch bảo đảm thành “không bảo đảm”
Theo thông lệ quốc tế, bên nhận bảo đảm có quyền tuyệt đối, trực tiếp và ngay tức khắc đối với TSBĐ khi việc bảo đảm đó được công khai hóa (tức là đã được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật). Việc này cho phép bên nhận bảo đảm có quyền tối cao trong việc thu hồi TSBĐ để xử lý thu hồi nợ, ngay cả khi TSBĐ đó đang thuộc quyền chiếm giữ, kiểm soát và chi phối của các chủ thể khác.
Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS) chỉ ra, BLDS Việt Nam lại chưa bảo đảm tốt nguyên lí này dẫn tới còn lúng túng trong quy định về quan hệ bảo đảm vật. Với các quy định bảo vệ quyền lợi của bên nhận thế chấp nhưng thực tế do BLDS thiếu cơ sở pháp lý để thực thi nên nếu bên thế chấp cố tình thực hiện việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản thế chấp thì bên nhận thế chấp rất khó có thể có quyền truy đòi tài sản thế chấp.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, BLDS Việt Nam “chưa đề cao quyền theo đuổi, quyền truy đòi của chủ thể nhận bảo đảm bằng tài sản để giải quyết triệt để việc cho phép chủ sở hữu tài sản được quyền chuyển dịch tài sản cho người thứ ba. Để giải quyết trường hợp bên thế chấp không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo đảm, bên nhận thế chấp cần được quyền tiếp cận, thu hồi và xử lý tài sản đó, trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận khác như pháp luật của các nước”.
Bên cạnh đó, việc BLDS quy định TSBĐ thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc sở hữu của bên bảo đảm là không hợp lý và không phù hợp với thực tế, vì bên bảo đảm có thể sử dụng tài sản của người thứ ba làm vật bảo đảm nếu được chủ sở hữu đồng ý và đây là trường hợp diễn ra tương đối phổ biến. Ngoài ra, có một khối lượng tài sản lớn thuộc sở hữu của Nhà nước đang được giao cho các cơ quan, doanh nghiệp hoặc cá nhân quản lý, sử dụng, khai thác, hưởng hoa lợi và các tài sản này cũng nên được sử dụng làm TSBĐ khi cần thiết. Quy định này hạn chế quyền của các chủ thể và làm mất tính linh hoạt của các giao dịch dân sự.
Thiếu “quyền ưu tiên” cho chủ nợ
Theo quy định tại Điều 325 BLDS thì “trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán”. Bảo lãnh về bản chất pháp lí là quan hệ bảo đảm đối nhân và không thuộc đối tượng đăng ký như các vật quyền bảo đảm khác. Tuy nhiên, do BLDS xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa giao dịch bảo đảm bằng tài sản (ví dụ cầm cố, thế chấp) với bảo lãnh theo tiêu chí “đăng ký”, trong khi hợp đồng bảo lãnh không thuộc diện đăng ký nên chưa giải quyết triệt để thứ tự ưu tiên giữa bên nhận bảo lãnh với bên nhận thế chấp (hoặc bên nhận cầm cố).
Mặt khác, Điều 325 mới chỉ giải quyết vấn đề thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các giao dịch bảo đảm, chưa giải quyết vấn đề xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ số tiền thu được do xử lý TSBĐ giữa bên nhận bảo đảm với chủ thể khác có quyền và lợi ích liên quan đến TSBĐ. Đồng thời Điều 325 mới chỉ đề cập đến thuật ngữ “thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các giao dịch bảo đảm”. Theo đó, “thứ tự ưu tiên thanh toán” thường chỉ nhằm xác định giữa các bên cùng nhận bảo đảm bằng một tài sản khi xử lý TSBĐ, mà chưa bao hàm đầy đủ và toàn diện như khái niệm “quyền ưu tiên” hiện đang được pháp luật nhiều nước quy định.
Trong một số trường hợp, quyền và lợi ích của bên nhận bảo đảm vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng, như: trường hợp TSBĐ bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có cần phải tìm hiểu thông tin hoặc đăng ký tại Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm để công khai hóa các thông tin liên quan đến tài sản đó không? Nếu không đăng ký để công khai hóa thì người dân sẽ không có đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ cho việc thiết lập và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản.
“Việc quy định rõ ràng, chính xác và công bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, trong đó bao gồm cả cơ quan nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý cho các giao dịch dân sự” – chuyên gia về pháp luật dân sự nhận định.
Ngoài ra, các nhà kinh tế chỉ ra BLDS chưa tạo cơ chế cho chủ nợ có bảo đảm thực thi tốt nhất quyền xử lý đối với TSBĐ trong thời gian nhanh nhất nhằm giải phóng nợ xấu. Theo đó, BLDS quy định trong trường hợp bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý TSBĐ theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ.
Tuy nhiên, việc xử lý TSBĐ thường mất nhiều thời gian và tuỳ thuộc vào thiện chí của chủ sở hữu tài sản. Nếu không xử lý được TSBĐ theo thỏa thuận thì việc khởi kiện ra Toà án thường mất rất nhiều thời gian với thủ tục phức tạp, gia tăng nhiều chi phí cho các bên trong quá trình giải quyết. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “BLDS chưa giải quyết được vấn đề này do pháp luật về tố tụng ở Việt Nam chưa áp dụng thủ tục rút gọn đối với những tranh chấp liên quan đến việc xử lý TSBĐ theo hướng Tòa án cho phép xử lý TSBĐ ngay khi có đủ hai căn cứ: hợp đồng bảo đảm hợp pháp; bên vay không có khả năng trả nợ theo đúng cam kết.
Bất cập trong việc thu giữ, xử lý TSBĐ đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu của các TCTD. Do vậy, việc BLDS (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào ngày mai (24/10) có giải quyết được những bất cập đã được chỉ rõ trong Báo cáo tổng kết thi hành BLDS 2005 liên quan đến TSBĐ hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tín dụng và sự ổn định của các giao dịch bảo đảm trong tương lai./.