Âm nhạc của Phạm Tuyên, được Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, TS. Lê Văn Toàn có lời rằng: “Âm nhạc của Phạm Tuyên có khúc chiết, rành rẽ mà vẫn ánh lên nét giản dị, dễ phổ cập.
Có lẽ chính vì trong cái giản dị đã ẩn chứa những sâu sắc, lắng đọng của nội dung, của tư tưởng nên nhiều ca khúc của ông đã có sức sống lâu bền và được đông đảo công chúng yêu mến”. Bình phẩm ấy, cứ xem qua dấu ấn sáng tác của nhạc sĩ, hẳn đúng.
Trắc trở trong đời
Tuổi thơ Phạm Tuyên cũng như anh chị em của mình, trôi qua êm đềm, sung túc bên người cha đầy danh vị. Nhưng đến tuổi 15, biến cố gia đình ập đến với chàng thiếu niên có khiếu âm nhạc ấy.
Trưa ngày 23/8/1945, Phạm Quỳnh - vị Thượng thư một thời của chính quyền Bảo Đại từ biệt các con ra đi với lời hứa dặn lại người con gái thứ Tám (Hoàn) khi cô định chạy lên gác lấy thuốc đau dạ dày cho cha lúc ông được “mời” đi: “Thầy không cần, chiều thầy sẽ về”. Phạm Quỳnh vĩnh viễn không trở về.
Trước gia biến của nhà, chàng thiếu niên mất cha vùi đầu vào sách vở để quên buồn, rồi năm 1947 tự mình đi Yên Mô, Ninh Bình để dự thi tú tài. Và như chúng ta đã biết, sau đó, chàng Tuyên theo học Đại học Pháp lý nhưng đành dở dang vì bom Pháp. Thế là đường binh nghiệp bắt đầu nơi trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn.
Thuận lợi ư? Với Phạm Tuyên, bằng tài năng thực sự, ông luôn chứng tỏ được năng lực bản thân ? Trắc trở ư? Ấy là rào cản về lý lịch từ hoạt động của cha, nhưng nhạc sĩ họ Phạm chưa bao giờ lùi bước.
Để có được tình yêu “đầu bạc răng long” với người vợ hiền Ánh Tuyết, là một quá trình thuyết phục gian khổ với người thân của vợ tương lai, mà như chính bà Ánh Tuyết tâm sự, đó là “Cuộc tình đầy sóng gió”.
Để rồi, từ sự chân thành hết mực của Phạm Tuyên, qua “tam tứ núi, bảy tám đèo”, hai người đã vượt qua những định kiến những năm 50 dạo ấy rằng con của một gia đình cách mạng (Ánh Tuyết) không thể lấy con của một quan lại phong kiến (Phạm Tuyên) để thuyết phục được thân sinh của Ánh Tuyết chấp thuận. Nhưng nào đã hết những chông gai.
Khi công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, với xuất thân khác người của mình, từng có lúc nhạc sĩ bị lời ra, tiếng vào lo lắng vì là người phụ trách âm nhạc của cả Đài, một món ăn tinh thần vô giá lan tỏa đến khắp nơi trong nước.
Nhưng với sự tin tưởng của lãnh đạo, bấy giờ là ông Trần Lâm – Tổng Giám đốc của Đài, cũng như tinh thần cầu tiến, luôn vươn lên và sự chân thành, Phạm Tuyên đã vượt qua những chướng ngại vật ấy, và ông thành công lớn, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè cũng như công chúng yêu âm nhạc.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Duyên cầm sắt
Nhạc sĩ Phạm Tuyên có hai cô con gái. Con gái đầu lòng có tên gọi Thanh Tuyền (sinh năm 1958), tức là dòng suối âm thanh.
Năm 1968, cô con gái thứ hai suýt nữa có tên là Trà Mi, theo nốt Mi trong âm nhạc, nhưng bởi trùng với câu “Thương thay một đóa trà mi” trong Truyện Kiều, thế là chuyển thành Tuyền, và cả gia đình như bốn nốt âm nhạc Tuyên, Tuyết, Tuyền, Tuyến. Mà hai hạt ngọc ấy lại chẳng theo nghề của cha.
Con cái không theo âm nhạc, nhưng bà Ánh Tuyết thì luôn đồng hành cùng ông trong âm nhạc, vừa là nhà thẩm định đầu tiên, vừa là ca sĩ thứ nhất, như chính bà tâm sự: “Sau mỗi chuyến đi công tác về, bao giờ anh cũng “báo cáo” tác phẩm của mình cho vợ nghe và tôi là người đầu tiên được nghe và hát những bài hát mới đó.
Còn anh thì luôn luôn coi tôi là người thẩm định đáng tin cậy tác phẩm của mình, bởi những lời nhận xét của tôi phần lớn là phù hợp với nhận định sau này của đông đảo người nghe. Thường những bài hát tôi thích đều là những ca khúc được quần chúng yêu nhạc đón nhận một cách nồng nhiệt”.
Về phía ngược lại, nhạc sĩ họ Phạm luôn luôn tự hào với hậu phương vững chắc của mình, và thành công của người đầu gối tay ấp với ông, có sự dự phần to lớn của nhạc sĩ: “Anh làm công tác nghệ thuật còn tôi là người nghiên cứu khoa học, ấy thế mà chúng tôi lại hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau rất nhiều”...
“anh là người thầy dạy cho tôi viết văn, rồi sửa văn, có khi còn đánh máy giúp và vẽ tranh minh họa, nhờ đó tôi đã là tác giả của hàng chục cuốn sách khoa học nhưng lại đậm chất văn học như mọi người nhận xét”.
Chồng để lại những dấu ấn qua biết bao tuyệt phẩm âm nhạc, còn vợ là PGS, TS, chuyên gia về Tâm lý học và Giáo dục mầm non, và là nữ Phó Tiến sĩ đầu tiên của nước ta thời hiện đại.
Để có được tình yêu lớn của đời mình. Như trên đã nói, Phạm Tuyên phải vượt qua bao vất vả, gian nan. Lời tỏ tình dễ thương của nhạc sĩ họ Phạm, thú vị thay, lại không buông ra nơi đầu môi, mà ý nhị khi đưa cho cô gái trẻ Ánh Tuyết một tập nhật ký khi hai người đang ở Khu học xá.
Tập nhật ký ấy, là những tình cảm nồng cháy, là tình yêu, cảm xúc của nhạc sĩ trẻ được gửi gắm vào câu chữ với người trong mộng, để rồi qua thời gian, duyên cầm sắt rồi cũng được ông Tơ, bà Nguyệt se cho.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và vợ |
Dấu ấn âm nhạc
Sức sáng tạo vô biên, năng lực sáng tác bền bỉ, dồi dào qua thời gian, và thể tài nhạc phẩm của nhạc sĩ họ Phạm, trải rộng ở hầu khắp mọi thể loại. Nhưng, hầu hết ở mỗi chủ đề, Phạm Tuyên đều để lại những nhạc phẩm có dấu ấn sâu đậm mặc sự đào thải nghiệt ngã của bóng thời gian.
Hãy xem khi sáng tác về tổ chức, về lãnh tụ, vẫn còn đó nhạc phẩm của Phạm Tuyên với Đảng đã cho ta cả một mùa xuân, Như có Bác Hồ trong ngày đại thắng. Và nhạc sĩ họ Phạm, luôn song hành với những thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc.
Bởi thế, nên trong những “bài ca đi cùng năm tháng”, không thể thiếu những nhạc phẩm thấm đẫm tính lịch sử của Phạm Tuyên. Mấy ai có thể quên được giai điệu vui tươi, ngân nga mà thúc giục của Chiếc gậy Trường Sơn: “Trường Sơn ơi! Ta đã lên đường. Khi lửa tiền phương đang nhắc ta gấp bước đường xa…”.
Với những người lao động bình dị, Phạm Tuyên tinh tế qua những nhạc phẩm gắn với tên tuổi của ông, trong đó có Bài ca người thợ rừng (1963), Con kênh ta đào (1977)… Bàn chân nhạc sĩ qua khắp các miền quê Tổ quốc. Đi đến đâu, ông lại cho ra đời những đứa con tinh thần thấm vào lòng người nghe, tỉ như Có một mùa thu Hà Nội (1954), Cần Thơ một khúc ca (1984)…
Lại đề tài về tình ca, nào ai nỡ vô tình với giai điệu “Anh ở trong này chưa thấy mùa đông. Nắng vẫn đỏ mận hồng cuối vụ…” trong bài Gửi nắng cho em (1976). Ấy nhưng cũng hiếm người biết rằng vì bài hát ấy, nhạc phẩm có thời gian bị “điêu đứng” vì sự quy chụp chủ quan trong ca từ của ca khúc.
Kỷ niệm buồn ấy, bạn đọc hẳn sẽ tường minh hơn qua hồi ký Chúng tôi đã sống như thế của phu nhân nhạc sĩ. Ru ca cũng là một địa hạt làm nên tên tuổi Phạm Tuyên. Bà mẹ trẻ nào chẳng từng nhớ đến Khúc hát ru của người mẹ trẻ (1980).
Và, không phải ngẫu nhiên Phạm Tuyên lại được mệnh danh là nhạc sĩ của tuổi thơ. Biết bao ca khúc cho lứa tuổi hồn nhiên này được thành hình qua bàn tay tạo tác của nhạc sĩ với Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Cô và mẹ, Trường cháu là trường Mầm non…
Ít người biết rằng, Phạm Tuyên còn viết nhạc phẩm dành cho những bạn bè quốc tế cùng chiến tuyến với đất nước thuở chiến tranh, như Nụ cười Bayon, Có bà mẹ Nga, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ…
Nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ họ Phạm, ngẫm ra, thật như lời nhận xét của nhà thơ “Góc sân và khoảng trời” Trần Đăng Khoa, có lẽ không ngoa: “Phạm Tuyên là một cây đại thụ có nhiều nhánh, mà nhánh nào cũng vạm vỡ, sum suê”.
Tuyển tập những ca khúc hay nhất cho thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên |
Vâng, quả đúng thế, Phạm Tuyên – cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Và riêng người viết bài này, thiết nghĩ, ông còn là “một người hiền”, hiền với đời, với ngay cả những chông gai trên đường đời.../.