Tượng đài văn học vĩ đại
Mặc dù Franz Kafka ra đi khi mới 41 tuổi, nhưng ông đã kịp để lại cho đời những kiệt tác văn học. Sự vĩ đại của Franz Kafka không được đánh giá khi nhà văn còn sống, mà sau khi ông mất. Kafka sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, dòng dõi của ông được coi là dòng dõi cao lớn, khỏe mạnh. Ngay từ đầu, Kafka được gia đình đặt lên vai với trọng trách sau này là một luật sư, nhưng rồi ông lại trở thành một nhà văn.
Gốc gác Do Thái, cùng tính cách từ người cha, nhất là lối sống, thói gia trưởng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngòi bút của Kafka. Các tác phẩm của ông luôn là sự mổ xẻ nội tâm, những bất đồng, mâu thuẫn, sự mơ hồ, phi lý. Nhiều người đánh giá, văn Kafka là loại văn bí ấn đến mức thần bí, không phải đọc một lần là hiểu ngay, nhưng lại mang một sức hút mãnh liệt.
Từ khi nhà văn ra đi đến nay, đã gần 100 năm, nhưng tên tuổi ông chưa bao giờ lắng xuống. Văn học thế giới luôn dành một chỗ trang trọng để vinh danh Kafka. Ông từng làm nghề bảo hiểm hồi tuổi trẻ, trong khoảng thời gian này, ông vẫn dành thời gian viết văn, và bắt đầu bằng những truyện ngắn, cũng như rất hay viết thư qua lại với các cô gái.
Sinh thời, những tác phẩm đã được in ấn của Kafka không nhận được sự đánh giá quá cao, nhưng người ta cũng đã chú ý tới Kafka, như một nhà văn có lối viết độc đáo. Các tập truyện Trầm tư (Betrachtung), Một thầy thuốc nông thôn (Ein Landazrt), cũng như các truyện ngắn lẻ (như Hóa thân) được in rải rác. Mặc dù vậy, Kafka chỉ trở thành một ngôi sao văn học thế giới khi nhà văn đã từ giã cõi đời.
Đó là những bản thảo tiểu thuyết đến nay còn gây tranh cãi, một lối viết lạ, độc đáo, khó hiểu. Nhưng nhà văn cho thấy sức vóc của một triết gia với cách nhìn nhận xã hội, tư duy, tiên tri về một xã hội đầy mâu thuẫn, nhiều giằng co. Đó là các tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài và Nước Mỹ... Đặc biệt là ở tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài, được đánh giá cao nhất. Bên cạnh đó là những dòng nhật ký, trang thư, hay cách ngôn mà ông để lại, cũng là những đoạn văn độc đáo, mang tư tưởng, chiều kích của một nhà văn vĩ đại.
Nhà văn Franz Kafka |
Chúng ta cùng đọc lại những đoạn văn tiêu biểu của Kafka: “Thế giới thật khủng khiếp chứa trong đầu tôi! Nhưng làm sao để giải phóng chính tôi và giải phóng chúng mà không xé toạc ra. Và xé ra nghìn lần trong tôi còn tốt hơn là nó được kìm lại hoặc chôn cất. Chính vì việc đó mà tôi sống trên đời này, điều này khá rõ ràng với tôi” (nhật ký ngày 21 tháng 6 năm 1913).
“Người ta không thể sống mà không có một niềm tin thường trực vào những thứ bất hoại bên trong hắn ta, mặc dù cả thứ bất hoại đó và cả niềm tin của anh ta vào nó có thể luôn luôn bị chôn giấu kín với hắn” (Cách ngôn Zürau số 50). Qua hai đoạn này, ta thấy Kafka đã đấu tranh nội tâm dữ dội đến nhường nào. Đó là đấu tranh để tìm ra lẽ sống, tìm ra bản thể chính mình.
Với những gì cống hiến cho văn học thế giới, Kafka được nhiều nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng đánh giá rất cao. Những đánh giá này một phần nào đó đã nói lên giá trị văn học trong các tác phẩm của ông. Nhà thơ W. H. Auden đánh giá Kafka là “Dante của thế kỷ hai mươi” (Dante là Đại thi hào của nước Ý, người mang lại một sự mới lạ cho văn học thế giới).
Nhà văn Gabriel García Márquez nổi tiếng với tác phẩm “Trăm năm cô đơn”, sau khi đọc Hóa thân của Kafka, đã nói đại ý rằng, cách viết của Kafka ở tác phẩm này đã đạt được sự chuẩn mực nhất. Các tác phẩm của Kafka luôn nhìn thế giới bằng cách nhìn phi lý, khó hiểu, mà chỉ có Kafka mới có thể lý giải được. Chính điều này, mà tên của ông hiện nay được coi là gốc của thuật ngữ "kiểu Kafka" (tiếng Anh: kafkaesque; tiếng Đức: kafkaesk, tiếng Pháp: kafkaïen), để nói lên cái bức bách, mơ hồ, phi lý của con người. Kafka cũng được xếp vào, và được coi là tượng đài văn học vĩ đại của thế kỳ 20.
Mặc cảm bản thân
Có tài liệu cho rằng, Kafka luôn có mặc cảm về sự cao lớn của mình và của cả dòng họ. Mặc dù thế, Kafka không phải là người khỏe mạnh. Ông được coi là người hòa nhã và hay đưa ra lời khuyên cho bạn bè, nhưng với bản thân mình, ông luôn thể hiện sự đường cùng, bế tắc. Trong cuộc đời mình, Kafka trải qua nhiều mối tình. Những mối tình này là nguồn cảm hứng lớn cho các tác phẩm của ông, cũng như là mạch nguồn cho nhiều trang thư còn lưu lại.
Đến nay, chưa có lý do xác đáng nhất để giải thích không hiểu vì nguyên nhân gì mà Kafka muốn đốt bỏ hết các bản thảo chưa in của mình. Lúc sắp mất, Kafka viết những dòng này gửi lại người bạn thân: “Max vô cùng quý mến, yêu cầu cuối cùng của tôi là cậu phải đốt sạch tất cả nhật ký, bản thảo, thư từ, bản phác thảo…mà tôi để lại”. May mắn là Max không thực hiện di chúc của Kafka mà còn làm ngược lại, ông đã đem xuất bản. Và kể từ đó, tên tuổi của Kafka được cả thế giới biết đến.
Nhà văn Franz Kafka từng mong muốn người bạn thân sẽ đốt hết những bản thảo của mình. |
Dù ở trong lối viết, hay cách sống, Kafka luôn thể hiện cho mọi người thấy, ông là một người kỳ dị, nhưng đó là người kỳ dị thiên tài, với lối lập luận sắc bén, thông minh, tinh tế, nhưng không phải ai cũng hiểu sâu được. “Đóng kín trong bốn bức tường, tôi thấy mình như một kẻ di cư bị tống giam ở một nước xa lạ… Tôi thấy gia đình mình như những người ngoại quốc lạ lùng mà những tập tục, nghi thức và chính ngôn ngữ của họ thách đố sự tìm hiểu… Mặc dù tôi không muốn thế, họ vẫn bắt tôi phải tham gia vào những nghi lễ kỳ quái của họ… Tôi không thể kháng cự lại.” (Trích Nhật ký Kafka, dẫn lại của Diệu Uyển).
Cuộc đời và sự nghiệp của Kafka đến nay vẫn để lại nhiều người nghi ngại cho hậu thế, đó là việc ông rất yêu phụ nữ, nhưng ông lại yêu chỉ để yêu mà không kết hôn. Đó là việc Kafka ngỏ lời cầu hôn Felice hai lần, được đồng ý, nhưng Kafka lại không dám kết hôn. Mãi đến năm 40 tuổi, ông mới kết hôn với một cô gái Do Thái 19 tuổi, sau đó một năm, ông mất do bệnh lao thanh quản.
Tư tưởng và cách viết của Kafka được cho là ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà văn lớn, triết gia của thế giới như Jorge Luis Borges, Albert Camus, Eugène Ionesco, Jean-Paul Sartre... Với những đóng góp quan trọng cho văn học thế giới, các tác phẩm, ảnh, tài liệu của ông được đặt trong Bảo tàng Franz Kafka tại Praha, và có một giải thưởng mang tên ông: Giải Franz Kafka. Tại Việt Nam, các tác phẩm của Kafka được dịch bởi các dịch giả Đoàn Tử Huyến, Dương Tất Từ, Trương Đăng Dung, Phùng Văn Tửu...