Tuổi thơ dài nhất thế giới
Khi trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh trên con đường Sài Gòn ngập thành sông, cậu con trai lớn tướng ngồi ngoan trên chiếc xe máy nặng trịch để mẹ gò lưng dắt, nhiều “anh hùng bàn phím” bàn ra tán vào bình luận, lên án.
Nhưng không ít người trong số họ phút giây làm “anh hùng bàn phím” đã cố tình quên rằng hoặc bản thân mình cũng là con cưng của bố mẹ, hai mấy tuổi đi làm sáng vẫn có người gọi dậy, dọn sẵn bữa ăn sáng, chiều đi làm về có người bật sẵn nước nóng cho dùng; hoặc bản thân nghe thấy con ở cơ quan bị sếp đì là lo cuống lên mũ áo sẵn sàng “để cha/mẹ đến cơ quan nói khó sếp con vài lời, để họ thương con nhé”…
Thế đấy, không sai khi Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Lan Hải cố vấn chuyên môn của Hội quán các bà mẹ nhận xét rằng: “Người Việt Nam có tuổi thơ dài nhất thế giới” vì cha mẹ quá bao bọc con. Không chỉ bao bọc khi con còn nhỏ, mà khi con đã trưởng thành, cha mẹ vẫn can thiệp vào cuộc sống của con từ những chuyện lớn như cưới vợ gả chồng, xây nhà mua đất đến rất nhiều việc cỏn con khác như đi chơi, ăn uống hàng ngày”.
Có thể hình dung thấy “lịch trình bao bọc” con của cha mẹ Việt thế này: ở tuổi mầm non, cha mẹ không cho con làm bất cứ việc gì; khi học tiểu học thì con vung tay đi đằng trước, bố mẹ khệ nệ xách túi của mình và xách cặp cho con; con học cấp hai, trong những ngày mưa, những cô cậu học sinh cấp 2 nặng 50 ký vẫn ngồi yên trên xe để bố, mẹ dắt bộ đẩy xe một mình trong nước không phải là quá hiếm; cấp ba, con đi thi, không chỉ đưa đón con, bố mẹ còn lo từng cái bút, tờ giấy, làm thủ tục từ A đến Z hộ con; lấy chồng/vợ, cha mẹ tối tối gọi điện xem con ăn chưa, nuôi cháu thế nào, thậm chí can thiệp cả vào chuyện phòng the của con khi dặn con dâu/rể “đừng ham hố quá, phải biết giữ sức khỏe chứ thằng bé/con bé nhà mẹ yếu lắm đấy” (!)…
Thế nên mới có những con số đáng buồn: 45/45 em đi học bằng xe đạp không có em nào biết sửa xe; 41/45 em thường đi qua sông suối, trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi chó ngoi nước lụt; 45/45 em thường xuyên ăn cơm nhưng chỉ có 15 em biết nấu cơm và trong đó 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình; 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát — theo cuộc điều tra xã hội mini của thầy Trần Đình Trợ - một giáo viên Toán ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.
3 không và tránh xa “căn bệnh 421”
Nếu hỏi dân tộc nào dạy con thành công trên thế giới, có thể trả lời rằng đó là người Do Thái. Tại sao người Do Thái chỉ hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel, câu trả lời rất ư đơn giản. Đó là kết quả của bí quyết dạy con biết vượt khó, làm việc nhà, liên tục đặt câu hỏi ngay từ nhỏ.
Chuyên gia giáo dục Lại Thị Hải Lý là người đã trực tiếp đến Isarel - đất nước của người Do Thái - để tìm hiểu về phương pháp giáo dục trẻ tại đây cho biết, cách nuôi dạy con của các bà mẹ Do Thái khá đặc biệt. Họ dành cho con “tình yêu đống lửa” - tức là sự nhen nhóm, khích lệ chứ không phải chỉ là cảm giác an toàn, bao bọc kiểu “tình yêu tử cung” như phần lớn các bà mẹ Việt. Có ba điều mà người mẹ Do Thái không bao giờ làm cho con mình là: Không thỏa mãn trước; không thỏa mãn tức thời; không thỏa mãn quá mức yêu cầu của con. “Căn bệnh 421” (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) cũng là căn bệnh mà người Do Thái tuyệt đối không để cho con mình nhiễm phải.
Làm việc nhà là một cách để cha mẹ Do Thái rèn giũa con mình nên người, bởi theo một nghiên cứu của Tạp chí Giáo dục gia đình tại Israel thì tỷ lệ thất nghiệp của người không biết làm việc nhà cao hơn 15 lần người biết làm việc nhà, thu nhập bình quân của họ cũng thấp hơn 20% so với người thạo việc gia đình. Trẻ con Do Thái 2 tuổi đã có thể tự phục vụ bản thân.
Dạy trẻ trong con mắt người Do Thái đó là giấu bớt yêu thương và tăng lý trí. Một chỉ số được các vị phụ huynh Do Thái đánh giá cao ở trẻ là AQ - chỉ số vượt khó với công thức: 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công (IQ:chỉ số thông minh, EQ: chỉ số cảm xúc). Điểm số tốt, tấm bằng đẹp sẽ có công việc tốt, nhưng công việc tốt khác với người có sự nghiệp thành công.
Đặc biệt, đối với người Do Thái, thất bại cũng rất quan trọng với đứa trẻ vì để trẻ hiểu rằng không phải mọi điều đều thành công. Khi con cái làm sai, bố mẹ Do Thái thay vì phán xét, sẽ để con học hỏi từ thất bại của chính mình và tìm ra cách có thể làm khác vào lần sau.
Kéo tay con vào hay đẩy lưng con ra câu hỏi này không dễ trả lời với nhiều cha mẹ Việt ngay lúc này và cả về sau, vì đã từ lâu xã hội chúng ta quen sống trong quan niệm “cá chuối đắm đuối vì con”.
Thế giới phẳng, công dân toàn cầu không còn là điều gì quá xa vời nữa mà đã ở ngay cạnh. Và sống trong thế giới phẳng, trở thành công dân toàn cầu không có nghĩa là “mẹ ơi con đứt tay, phải làm sao bây giờ” như cậu con trai tiến sĩ mà một người bạn của cô giáo Nguyễn Tường Lan muốn tiến cử làm con rể, đã hốt hoảng gọi mẹ. Và cô giáo Lan đã từ chối bởi “con gái em cần một người chồng chứ không cần một tiến sĩ”.